Lãnh đạo TP Hồ Chí Minh đã báo cáo Thường trực Chính phủ về tình hình thực hiện các dự án đầu tư quy mô lớn trên địa bàn thành phố. Trong thời gian vừa qua, TP Hồ Chí Minh đã lập xong quy hoạch phát triển giao thông vận tải đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020, đồng thời tổ chức đấu thầu xây dựng để sớm hình thành hệ thống giao thông. Thành phố đã và đang thực hiện các dự án đại lộ Đông – Tây, đường trục bắc – nam, đường vành đai 2, đường nối Tân Sơn Nhất – Bình Lợi – vành đai ngoài, dự án mở rộng xa lộ Hà Nội, dự án cầu Bình Triệu 2 – giai đoạn 2, dự án cải thiện môi trường nước, dự án vệ sinh môi trường thành phố, dự án nâng cấp đô thị TP Hồ Chí Minh,…
Về chương trình chống kẹt xe nội thị, mặc dù TP Hồ Chí Minh đã ban hành và triển khai thực hiện nhiều biện pháp nhưng kết quả đạt được chưa như mong muốn. Nguyên nhân do số lượng người tham gia giao thông và số phương tiện đi lại tăng. Hiện thành phố có hơn bốn triệu xe máy, tăng 159% so với năm 2000, có hơn 400 nghìn ô-tô, tăng 211% so với năm 2000. Ngoài ra, hằng ngày có khoảng một triệu xe máy và khoảng 60 nghìn ô-tô các tỉnh lưu thông trên địa bàn. Tình trạng ùn tắc giao thông cũng thể hiện đầu tư kết cấu hạ tầng cho các đô thị vệ tinh thành phố chậm. Việc phát triển đô thị còn mất cân đối lớn giữa quy mô phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội. Trong khi đó tiến độ di dời các khu công nghiệp, nhà máy, cảng biển, bến xe khách liên tỉnh ra khỏi trung tâm thành phố còn chậm; bệnh viện, trường học lớn chưa được mở rộng ra bên ngoài. Công tác thông tin tuyên truyền, giáo dục về bảo đảm trật tự an toàn giao thông chưa đạt hiệu quả cao; việc kiểm tra xử phạt vi phạm chưa kiên quyết và chưa bảo đảm tính thường xuyên liên tục; nạn lấn chiếm lòng đường, lề đường, triều cường, đào đường thi công công trình,… cũng gây cản trở giao thông.
Để giải quyết các vấn đề liên quan kết cấu hạ tầng giao thông và chống ngập trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, Chủ tịch UBND thành phố Lê Hoàng Quân đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ bố trí nguồn vốn T.Ư cho một số dự án đầu tư kết cấu hạ tầng trên địa bàn thành phố như: Dự án đường cao tốc Bến Lức – Long Thành, dự án xây dựng vành đai 3, dự án đường trên cao số 1, 2, 3, 4, dự án đường sắt đô thị, một số dự án chống ngập,… Thành phố cũng kiến nghị thay đổi về cơ chế tạo nguồn vốn đầu tư phát triển hạ tầng giao thông và chống ngập; kiến nghị Chính phủ chấp thuận chủ trương giữ ổn định tỷ lệ điều tiết ngân sách giúp thành phố có nguồn vốn ổn định, đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển hạ tầng giao thông đô thị và chống ngập; kiến nghị Chính phủ xem xét, chấp thuận chủ trương cho phép thành phố được huy động vốn đầu tư trong nước với tổng dư nợ các nguồn vốn huy động cho đầu tư các dự án, công trình của thành phố không vượt quá 200% (tỷ lệ 2/1) tổng mức vốn đầu tư xây dựng cơ bản của ngân sách thành phố theo dự toán được HĐND thành phố quyết định hằng năm.
Về xây dựng và hoàn thiện các quy định quản lý đô thị, thành phố kiến nghị sửa đổi một số quy định về việc cư trú, đăng ký thường trú để kiểm soát dân số vào thành phố; đề xuất ban hành lệ phí lưu hành xe hằng năm đối với khu vực TP Hồ Chí Minh, thí điểm thu phí giao thông một số khu vực nội đô, đề nghị tăng mức phạt vi phạm giao thông với mức thấp nhất là một triệu đồng đối với ô-tô và 500 nghìn đồng đối với xe mô-tô,… Trước vấn đề bức xúc về giao thông đô thị và chống ngập của thành phố, đồng chí Lê Thanh Hải, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh đã nêu thêm kiến nghị về cơ chế tổ chức bộ máy để thành phố có thêm nhân lực thực hiện nhiệm vụ.
Sau khi nghe các báo cáo tình hình và những kiến nghị của TP Hồ Chí Minh, các Phó Thủ tướng và lãnh đạo các bộ đối với các vấn đề của thành phố và các kiến nghị của lãnh đạo thành phố, kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng biểu dương và đánh giá cao sự nỗ lực, năng động sáng tạo, với tinh thần trách nhiệm cao của thành phố thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, đóng góp thiết thực vào các thành tựu chung của đất nước. Để tiếp tục làm tốt vai trò “đầu tàu” tăng trưởng, trung tâm văn hóa và đầu cầu hội nhập phát triển của đất nước, Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo thành phố tập trung chỉ đạo quyết liệt các nhiệm vụ kinh tế – xã hội năm 2010 như: GDP tăng hơn 10%, xuất khẩu tăng 12,7%, huy động các nguồn vốn đầu tư vào hạ tầng… góp phần cùng cả nước hoàn thành kế hoạch năm 2010 cũng như kế hoạch 5 năm 2006-2010 mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X đã đề ra. Đồng thời chuẩn bị kế hoạch 5 năm 2011-2015 với yêu cầu chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế gắn với việc chuẩn bị đại hội đảng bộ các cấp.
Về nhiệm vụ trọng tâm của năm 2010, Thủ tướng lưu ý lãnh đạo TP Hồ Chí Minh cần kiểm soát tốt giá cả, góp phần cùng cả nước không để lạm phát cao quay trở lại, bảo đảm tăng trưởng 11%, tập trung chỉ đạo bảo đảm an ninh trật tự và kiềm chế ùn tắc giao thông. Thủ tướng nêu rõ, thành phố cần tập trung chỉ đạo ba lĩnh vực chính là cải cách thể chế mà trọng tâm là cải cách hành chính; giáo dục – đào tạo nghề và phát triển hạ tầng kinh tế – xã hội với trọng tâm là giao thông. Riêng về chống ùn tắc giao thông, Thủ tướng gợi ý, thành phố phải rà soát lại quy hoạch, tập trung chỉ đạo bảo đảm tiến độ các dự án đang triển khai và dành nguồn lực để chuẩn bị đầu tư, làm tốt công tác giải phóng mặt bằng cho các dự án đang xây dựng và xây dựng kế hoạch cho các dự án đang chuẩn bị đầu tư. Thành phố cũng cần tập trung xây dựng và hoàn thiện các quy định quản lý đô thị, trong đó xây dựng hệ thống giao thông động và tĩnh, xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm… Đối với các dự án giải phóng mặt bằng, thành phố phải chủ động lo chỗ ở cho dân gắn với giải quyết việc làm, dành một phần từ quỹ đấu giá sử dụng đất để đầu tư. Trong việc huy động nguồn vốn đầu tư, Thủ tướng chỉ đạo tiếp tục tạo cơ chế thông thoáng để huy động mọi nguồn lực trong và ngoài nước đầu tư hạ tầng trên địa bàn thành phố. Chính phủ sẽ bảo lãnh vốn vay nhưng dự án phải hiệu quả… Thủ tướng giao Bộ Tài chính phối hợp UBND thành phố xây dựng cơ chế tài chính đặc thù trình Chính phủ ban hành để triển khai có hiệu quả các dự án. Thủ tướng đồng ý cho phép thành phố xây dựng bộ máy tương xứng với thành phố 10 triệu dân như thành lập ban chỉ đạo, sở, ngành… phù hợp với tình hình thực tế và yêu cầu đề ra.
Ý kiến ()