Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Hun-xen đồng chủ trì Lễ khánh thành cột mốc biên giới 314 giữa hai nước Việt Nam và Cam-pu-chia
Ảnh: ĐỨC TÁM (TTXVN) Sáng 24-6, Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Hoàng gia Cam-pu-chia long trọng tổ chức Lễ khánh thành cột mốc 314, cột mốc biên giới có số thứ tự cuối cùng trên đất liền giữa Việt Nam và Cam-pu-chia tại xã Mỹ Đức, thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang (Việt Nam) và xã Rus-Xây Sroc Khang Lếch, huyện Kom Pong Trach, tỉnh Kam Pốt (Cam-pu-chia), Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Chính phủ Hoàng gia Cam-pu-chia Xam-đéc Hun Xen đồng chủ trì buổi lễ.Tham dự Lễ khánh thành, có Thượng tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an; Phó Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Vũ Văn Ninh; Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Hoàng gia Cam-pu-chia Men Xam On; các Đại sứ Việt Nam tại Cam-pu-chia và Cam-pu-chia tại Việt Nam; lãnh đạo các bộ, ngành hữu quan hai nước, lãnh đạo và cán bộ, nhân dân hai tỉnh Kiên Giang và Kam Pốt.Thứ trưởng Ngoại giao Hồ Xuân Sơn, Chủ tịch Ủy ban liên hợp phân giới, cắm mốc biên giới trên...
Ảnh: ĐỨC TÁM (TTXVN) |
Sáng 24-6, Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Hoàng gia Cam-pu-chia long trọng tổ chức Lễ khánh thành cột mốc 314, cột mốc biên giới có số thứ tự cuối cùng trên đất liền giữa Việt Nam và Cam-pu-chia tại xã Mỹ Đức, thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang (Việt Nam) và xã Rus-Xây Sroc Khang Lếch, huyện Kom Pong Trach, tỉnh Kam Pốt (Cam-pu-chia), Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Chính phủ Hoàng gia Cam-pu-chia Xam-đéc Hun Xen đồng chủ trì buổi lễ.
Tham dự Lễ khánh thành, có Thượng tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an; Phó Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Vũ Văn Ninh; Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Hoàng gia Cam-pu-chia Men Xam On; các Đại sứ Việt Nam tại Cam-pu-chia và Cam-pu-chia tại Việt Nam; lãnh đạo các bộ, ngành hữu quan hai nước, lãnh đạo và cán bộ, nhân dân hai tỉnh Kiên Giang và Kam Pốt.
Thứ trưởng Ngoại giao Hồ Xuân Sơn, Chủ tịch Ủy ban liên hợp phân giới, cắm mốc biên giới trên đất liền Việt Nam – Cam-pu-chia, thay mặt Ủy ban liên hợp phân giới, cắm mốc hai nước, báo cáo kết quả công tác phân giới, cắm mốc và quá trình xây dựng cột mốc 314. Tính đến nay, hai nước đã cắm được 238 vị trí tương ứng với 287 cột mốc (đạt khoảng 76% khối lượng công việc), phân giới được khoảng 653 km đường biên giới (đạt khoảng 51% khối lượng công việc), các cột mốc có tính chất quan trọng đã được ưu tiên hoàn thành, trong đó có cột mốc có số thứ tự cuối cùng số 314 này. Thành quả nói trên tạo điều kiện hết sức thuận lợi cho công tác quản lý biên giới chung; góp phần thúc đẩy sự hợp tác phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và nâng cao đời sống của cư dân khu vực biên giới hai nước.
Phát biểu ý kiến tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: Lễ khánh thành cột mốc 314 là một sự kiện có ý nghĩa hết sức đặc biệt, diễn ra đúng vào dịp hai nước kỷ niệm 45 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao và trong không khí nhân dân hai nước Việt Nam và Cam-pu-chia tích cực tổ chức các hoạt động chào mừng “Năm Hữu nghị Việt Nam – Cam-pu-chia”. Sự kiện này một lần nữa đánh dấu thắng lợi chung của hai nước, hai dân tộc Việt Nam và Cam-pu-chia trong việc chung sức cùng nhau xây dựng một đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển, đáp ứng lợi ích căn bản và lòng mong muốn của nhân dân hai nước; đồng thời tạo xung lực mới để hai nước cùng quyết tâm sớm hoàn thành toàn bộ công tác phân giới, cắm mốc biên giới đất liền. Việc khánh thành cột mốc biên giới số 314 còn tạo thuận lợi trực tiếp cho việc giao lưu, hợp tác phát triển kinh tế và tạo sự ổn định cho người dân hai tỉnh Kiên Giang và Kam Pốt nói riêng, đồng thời góp phần thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác toàn diện, nhất là về kinh tế, thương mại, đầu tư, du lịch giữa các tỉnh giáp biên của hai nước. Để hoàn thành toàn bộ công tác phân giới, cắm mốc giữa hai nước, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, trong thời gian tới, hai nước còn rất nhiều công việc phải làm. Vì vậy, Ủy ban liên hợp phân giới, cắm mốc hai nước phải hết sức nỗ lực và tiếp tục hợp tác chặt chẽ, nhằm sớm đưa đường biên giới chung của hai nước Việt Nam – Cam-pu-chia thành một đường biên giới hòa bình, hữu nghị đặc biệt, ổn định và phồn vinh.
Phát biểu ý kiến tại buổi Lễ, Thủ tướng Hun Xen nhấn mạnh, việc khánh thành cột mốc 314 là sự kiện có ý nghĩa vô cùng quan trọng, đáp ứng nguyện vọng và mong muốn của hai nước, hai dân tộc trong việc xây dựng đường biên giới hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển, đồng thời góp phần thúc đẩy hợp tác giữa các nước trong Tiểu vùng Mê Công nói riêng và các nước Đông – Nam Á nói chung. Những kết quả đạt được trong công tác phân giới, cắm mốc Việt Nam-Cam-pu-chia thời gian qua là một chương lịch sử mới trong quan hệ giữa hai nước.
Nhân dịp này, Thủ tướng Hun Xen cũng đánh giá cao các cơ quan chức năng hai nước đã dồn hết tâm sức, phối hợp chặt chẽ, tạo điều kiện cho công tác phân giới, cắm mốc giữa hai nước có những bước tiến nhịp nhàng, đều đặn. Thủ tướng Hun Xen khẳng định, Chính phủ Hoàng gia Cam-pu-chia sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam trong việc xây dựng một đường biên giới hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển toàn diện, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân hai nước; đồng thời cũng đặc biệt chú trọng tới các hoạt động phát triển kinh tế, xã hội, giao lưu nhân dân ở khu vực biên giới giữa hai nước. Thủ tướng Hun Xen mong muốn nhân dân hai nước cùng nhau bảo vệ các cột mốc được vẹn toàn nhằm xây dựng khu vực biên giới thành khu hòa bình, hữu nghị, hợp tác bền vững mãi mãi.
* Sau khi dự Lễ khánh thành cột mốc 314, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Hun Xen đã dự Hội nghị Hợp tác Đầu tư Việt Nam – Cam-pu-chia lần thứ 3 được tổ chức tại thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang. Phát biểu ý kiến tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ sự vui mừng vì trong thời gian qua mối quan hệ hợp tác giữa hai nước phát triển tốt đẹp trên tất cả các lĩnh vực, nhất là về kinh tế, thương mại, đầu tư và du lịch, đem lại lợi ích thiết thực cho hai nước. Để tiếp tục thúc đẩy mối quan hệ hợp tác đầu tư giữa hai nước đạt kết quả cao hơn trong thời gian tới, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mong rằng, Chính phủ và các bộ, ngành của Cam-pu-chia cần dành sự quan tâm hơn và tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư, kinh doanh có hiệu quả tại Cam-pu-chia như Chính phủ, các bộ, ngành Việt Nam đã thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ cho các doanh nghiệp Cam-pu-chia hoạt động tại Việt Nam như: miễn, gia hạn nộp một số loại thuế, giảm tiền thuê đất, hỗ trợ xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường tiêu thụ hàng hóa… Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị hai bên tiếp tục duy trì thường xuyên cơ chế đối ngoại giữa các cơ quan của Chính phủ hai nước nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoạt động đầu tư kinh doanh có hiệu quả; tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư để các doanh nghiệp của hai nước trao đổi thông tin, tìm kiếm các dự án, hợp đồng đầu tư kinh doanh mới…
Tại hội nghị, hai Thủ tướng đã chứng kiến Lễ ký Nghị định thư sửa đổi Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Cam-pu-chia ký năm 2011; Lễ trao giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài (Dự án trồng cao-su tại huyện Ko-gơ-nếch, tỉnh Môn-đun-ki-ri (Cam-pu-chia) của Công ty cổ phần Đại lý liên hiệp vận chuyển (Gemadept); Công ty TNHH một thành viên cao-su Lộc Ninh; Công ty cổ phần Kỹ nghệ Thăng Long; Lễ trao quà an sinh xã hội của các doanh nghiệp Việt Nam ủng hộ phía Cam-pu-chia.
* Sáng 23-6, nhân dịp đến Kiên Giang tham gia Lễ khánh thành cột mốc 314 giữa Việt Nam và Cam-pu-chia, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng Đoàn công tác của Chính phủ đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kiên Giang. Cùng dự, có các đồng chí Ủy viên T.Ư Đảng: Vũ Văn Ninh, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ; Vũ Đức Đam, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; lãnh đạo các bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải, Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Báo cáo Thủ tướng và Đoàn công tác của Chính phủ, đồng chí Nguyễn Thanh Sơn, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang cho biết: Trong sáu tháng đầu năm, tình hình kinh tế – xã hội của Kiên Giang tiếp tục ổn định và phát triển, tốc độ tăng trưởng GDP đạt 10,1%. Kiên Giang đã tranh thủ nhiều nguồn lực, khai thác tốt tiềm năng, lợi thế và triển khai thực hiện có kết quả Nghị quyết 11/NQ-CP và đang cụ thể hóa thực hiện Nghị quyết 13/NQ-CP của Chính phủ về tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh. Một trong những giải pháp được tỉnh hết sức quan tâm là tăng cường kiểm tra, giám sát việc chấp hành lãi suất, tỷ giá, điều chỉnh mức tăng trưởng tín dụng không quá 23%, nâng tỷ trọng cho vay sản xuất lên 85%; tăng cường kiểm tra, giám sát giá cả thị trường, lưu thông hàng hóa, ngăn chặn, xử lý các hiện tượng đầu cơ, nâng giá và phòng, chống buôn lậu qua biên giới. Trên lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, năm 2011 lần đầu Kiên Giang đạt sản lượng 3,92 triệu tấn thóc, cao nhất cả nước. Trong sáu tháng đầu năm, tổng sản lượng lương thực của tỉnh cũng đạt hơn 2,38 triệu tấn, dự kiến cả năm sản lượng thóc đạt 4,1 triệu tấn. Đối với lĩnh vực nuôi trồng thuỷ sản, diện tích nuôi tôm của Kiên Giang hiện đạt 85.859 ha, trong đó diện tích nuôi tôm công nghiệp là 1.214 ha…
Phát biểu ý kiến tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng biểu dương Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Kiên Giang đã đoàn kết nhất trí, nỗ lực vượt qua khó khăn để đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực kinh tế – chính trị, văn hóa – xã hội, quốc phòng – an ninh, hạ tầng cơ sở từng bước được hoàn thiện, đời sống của nhân dân đã cải thiện và phát triển, tỷ lệ hộ nghèo giảm… Thủ tướng chỉ rõ, trong những năm qua, mặc dù bị tác động của khủng hoảng kinh tế, lạm phát ở mức cao, nhưng Kiên Giang vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng hơn 12%, là thành tích đáng khích lệ. Trên lĩnh vực nông nghiệp, tỉnh Kiên Giang có bước phát triển vượt bậc. Sản lượng lúa đã vươn lên đứng đầu cả nước, sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản tăng trưởng khá cao và đang phát triển mạnh mô hình nuôi tôm công nghiệp. Đây là những tiềm năng, lợi thế của tỉnh mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Kiên Giang cần khai thác tốt để tiếp tục đi lên trong thời gian tới. Đối với lĩnh vực nông nghiệp, cụ thể là cây lúa, tỉnh cần tập trung nghiên cứu kỹ trên tất cả các khâu, để tiếp tục nâng năng suất, sản lượng, giảm chi phí, hao hụt nhằm tăng lợi nhuận và thu nhập cho nông dân. Về thủy sản, Kiên Giang tiếp tục phát huy lợi thế có một đội tàu hùng mạnh với số lượng hơn 12 nghìn chiếc, sản lượng khai thác lớn, ngư trường và diện tích nuôi trồng rộng. Tỉnh cần tập trung đầu tư để mở rộng, nâng diện tích nuôi tôm công nghiệp vì mô hình này đã khẳng định được hiệu quả kinh tế. Tuy nhiên, Thủ tướng lưu ý việc quy hoạch vùng nuôi tôm công nghiệp phải gắn với đầu tư cơ sở hạ tầng, không chạy theo số lượng mà phải chú trọng đến hiệu quả. Tiếp tục phát triển mô hình “tôm-lúa”, song song đó đầu tư cho công nghiệp chế biến để tăng giá trị sản phẩm…
Để thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu, chương trình, kế hoạch đã đề ra, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Kiên Giang cần tiếp tục phát huy những thành quả, tiến bộ đã đạt được, nghiên cứu đề ra giải pháp khắc phục khó khăn, yếu kém. Có cơ chế, chính sách phù hợp để huy động các nguồn lực đầu tư; khai thác tốt mọi tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế – xã hội. Thủ tướng cũng đã chỉ đạo các bộ, ngành cần quan tâm hỗ trợ cho Kiên Giang trong việc tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, nhất là trong xây dựng hạ tầng cơ sở. Đối với những kiến nghị của tỉnh Kiên Giang, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành ghi nhận, tính toán để có kế hoạch trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định.
* Chiều cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và lãnh đạo các bộ, ngành T.Ư đã tham dự Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Kiên Giang do UBND tỉnh Kiên Giang và Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đồng tổ chức.
Theo Nhandan
Ý kiến ()