Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Dinh-lắc Xin-na-vắt đồng chủ trì cuộc họp Chính phủ chung Việt Nam - Thái-lan lần thứ hai
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu đoàn Việt Nam đồng chủ trì cuộc họp. Ảnh: ĐỨC TÁM (TTXVN) - Thực hiện thỏa thuận giữa Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam và Chính phủ Hoàng gia Thái-lan và nhận lời mời của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng Chính phủ Hoàng gia Thái-lan Dinh-lắc Xin-na-vắt đã thăm Việt Nam và cùng Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đồng chủ trì cuộc họp Chính phủ chung hai nước lần thứ hai tại Hà Nội ngày 27-10.Ngay sau lễ đón trọng thể, hai bên đã tiến hành cuộc họp Chính phủ chung; cùng dự với hai Thủ tướng về phía Thái-lan có Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Kịt-tị-rắt Nạ-ra-nong, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Du lịch và Thể thao Chum-phôn Sỉ-la-pa A-cha; Bộ trưởng các bộ: Quốc phòng, Ngoại giao, Thương mại, Phát triển Xã hội và An ninh Con người, Lao động, Bộ trưởng Văn phòng Thủ tướng, Đại sứ Thái-lan tại Việt Nam cùng một số quan chức cao cấp của Chính phủ Thái-lan. Về phía Việt Nam có Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân; Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh. Bộ...
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu đoàn Việt Nam đồng chủ trì cuộc họp. Ảnh: ĐỨC TÁM (TTXVN) |
Ngay sau lễ đón trọng thể, hai bên đã tiến hành cuộc họp Chính phủ chung; cùng dự với hai Thủ tướng về phía Thái-lan có Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Kịt-tị-rắt Nạ-ra-nong, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Du lịch và Thể thao Chum-phôn Sỉ-la-pa A-cha; Bộ trưởng các bộ: Quốc phòng, Ngoại giao, Thương mại, Phát triển Xã hội và An ninh Con người, Lao động, Bộ trưởng Văn phòng Thủ tướng, Đại sứ Thái-lan tại Việt Nam cùng một số quan chức cao cấp của Chính phủ Thái-lan. Về phía Việt Nam có Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân; Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh. Bộ trưởng các bộ: Quốc phòng; Công an; Ngoại giao; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Ủy ban Dân tộc; Kế hoạch và Đầu tư; Công thương; Lao động – Thương binh và Xã hội; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Tài chính; Giao thông vận tải; Giáo dục và Đào tạo; Đại sứ Việt Nam tại Thái-lan, cùng một số quan chức cao cấp của Chính phủ Việt Nam.
Phát biểu ý kiến tại phiên khai mạc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Thái-lan Dinh-lắc Xin-na-vắt nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của cuộc họp Chính phủ chung lần thứ hai giữa hai Chính phủ Việt Nam và Thái-lan, cho đây là một bước phát triển mới trong quan hệ hữu nghị truyền thống và sự hợp tác nhiều mặt giữa hai nước; bày tỏ tin tưởng rằng cuộc họp Chính phủ chung Việt Nam – Thái-lan lần này sẽ tạo nên động lực phát triển mới cho quan hệ hợp tác tốt đẹp sẵn có giữa hai nước trong những năm tới, đóng góp vào sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội ở mỗi nước cũng như việc gìn giữ hòa bình, ổn định và thúc đẩy hợp tác, phát triển thịnh vượng ở khu vực và trên thế giới.
Sau phiên khai mạc, hai Thủ tướng đã có cuộc gặp riêng trong khi các Phó Thủ tướng và Bộ trưởng hai nước họp theo ba Nhóm (Chính trị-An ninh; Kinh tế và Văn hóa-Xã hội); sau đó, hai Thủ tướng đã chủ trì phiên họp toàn thể và thông qua kết quả hội nghị.
Tại phiên toàn thể và bế mạc cuộc họp , hai Thủ tướng đã nghe báo cáo kết quả làm việc của ba Nhóm chuyên đề và phát biểu chỉ đạo, kết luận hội nghị. Hai Thủ tướng đánh giá cao và nhất trí với kết quả làm việc của ba Nhóm chuyên trách trong việc đưa ra nhiều biện pháp nhằm thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ tốt đẹp sẵn có giữa hai nước và nhất trí công bố những thỏa thuận hợp tác giữa hai nước trong thời gian tới trên các lĩnh vực chính trị – an ninh, kinh tế, thương mại, đầu tư, văn hóa, xã hội, giáo dục – đào tạo trong Tuyên bố chung của kỳ họp lần này.
Tại các cuộc trao đổi, hai bên bày tỏ vui mừng trước những bước phát triển tốt đẹp của quan hệ hợp tác giữa hai nước trong thời gian qua, đặc biệt là trong các lĩnh vực chính trị – đối ngoại, quốc phòng – an ninh, kinh tế, thương mại và đầu tư. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, Việt Nam luôn coi trọng và mong muốn tăng cường thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt với Thái-lan.
Với mong muốn đưa quan hệ hai nước lên tầm cao mới, hai Thủ tướng đã nhất trí giao Bộ Ngoại giao hai nước làm đầu mối phối hợp các bộ, ngành liên quan thảo luận cụ thể về nội hàm và lộ trình của việc nâng cấp quan hệ hai nước lên đối tác chiến lược để đề xuất lên lãnh đạo hai nước xem xét quyết định. Trao đổi về quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư, hai Thủ tướng cũng bày tỏ hài lòng về hiệu quả cao trong các lĩnh vực hợp tác này. Kim ngạch thương mại song phương không ngừng gia tăng; năm 2011 đạt gần 8,17 tỷ USD. Thái-lan hiện có 292 dự án đầu tư trực tiếp còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký gần sáu tỷ USD, đứng thứ 10 trong tổng số 96 quốc gia và vùng lãnh thổ có hoạt động đầu tư tại Việt Nam. Hai Thủ tướng nhất trí hai nước tăng cường hợp tác về sản xuất và xuất khẩu gạo; phát triển cao-su, hợp tác về năng lượng, dầu khí, giao thông và kết nối giữa hai nước cũng như tại Hành lang Đông-Tây. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, Chính phủ Việt Nam luôn tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Thái-lan đầu tư tại Việt Nam và bảy tỏ mong muốn Chính phủ Thái-lan tiếp tục khuyến khích doanh nghiệp Thái-lan đầu tư vào Việt Nam, trong đó có khu vực miền trung Việt Nam, nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng của tuyến hành lang kinh tế Đông – Tây.
Về hợp tác hai nước tại các diễn đàn khu vực và quốc tế, nhất là tại diễn đàn ASEAN, LHQ, các chế hợp tác tiểu vùng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Dinh-lắc Xin-na-vắt nhất trí hai nước sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với các nước ASEAN khác thực hiện thành công mục tiêu xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2015; thúc đẩy đoàn kết và duy trì vai trò trung tâm của ASEAN trong các thể chế ở khu vực. Hai bên khẳng định quyết tâm cùng với các nước ven sông hợp tác chặt chẽ trong việc sử dụng bền vững nguồn nước sông Mê Công. Hai Thủ tướng cũng trao đổi về các diễn biến gần đây tại Biển Đông và nhấn mạnh tầm quan trọng của hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế và Công ước LHQ về Luật Biển 1982; thực hiện đầy đủ Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), Tuyên bố ASEAN về Nguyên tắc sáu điểm về Biển Đông và sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử giữa các bên ở Biển Đông (COC). Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ tin tưởng Thái-lan, với vai trò điều phối quan hệ ASEAN – Trung Quốc giai đoạn 2012-2015, sẽ thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược ASEAN – Trung Quốc phát triển hơn nữa, qua đó đóng góp tích cực vào hòa bình, ổn định, an ninh và phát triển của khu vực.
Phát biểu ý kiến bế mạc phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hoan nghênh tinh thần làm việc hiệu quả và kết quả tốt đẹp của ba Nhóm thảo luận chuyên đề về Chính trị – an ninh, Kinh tế, và Văn hóa – xã hội. Các nhóm thảo luận đã đề xuất nhiều khuyến nghị và biện pháp cụ thể nhằm tăng cường và thúc đẩy hơn nữa quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt giữa hai nước. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, hai bên nhất trí duy trì và tăng cường các chuyến thăm, tiếp xúc cấp cao và các cấp; xây dựng và triển khai hiệu quả “Chương trình Hành động” giai đoạn mới để thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực cụ thể; đa dạng hóa các hình thức hợp tác và tăng cường hợp tác về đào tạo, xây dựng năng lực. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ nhất trí hai bên sẽ củng cố các cơ chế hợp tác hiện có như Họp Chính phủ chung cũng như Ủy ban Hợp tác về thương mại cấp bộ trưởng, Nhóm Công tác chung về hợp tác chính trị – an ninh, Tham khảo chính trị hai Bộ Ngoại giao. Đồng thời, nhất trí mở rộng và tăng cường hợp tác chống các loại tội phạm xuyên quốc gia, trong đó có tệ nạn mua bán phụ nữ và trẻ em; gia tăng hợp tác chống khủng bố trên bình diện song phương cũng như đa phương. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hoan nghênh việc hai bên tiếp tục khẳng định không cho phép cá nhân hoặc lực lượng xấu tiến hành các hoạt động trên lãnh thổ nước này để chống lại nước kia.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đánh giá cao quyết tâm của hai bên trong việc tăng cường hợp tác về kinh tế, đẩy mạnh các chương trình xúc tiến thương mại; tăng cường hợp tác giữa các doanh nghiệp hai nước; nỗ lực phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng thương mại hai chiều 20% mỗi năm và tiến tới đạt 18 tỷ USD vào năm 2015; thúc đẩy hợp tác đầu tư và kết nối trên Hành lang Kinh tế Đông – Tây (EWEC); tiếp tục tăng cường hợp tác trong xuất khẩu gạo; đẩy mạnh kết nối giữa hai nước thông qua việc khai thác đường bay mới giữa các địa phương hai nước trong thời gian tới; tăng cường hợp tác trao đổi thông tin, thiết lập Nhóm công tác để phối hợp giải quyết các vấn đề liên quan ngư dân, tàu cá. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hoan nghênh các kiến nghị của hai bên về tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực văn hóa – xã hội, đồng thời nhất trí phấn đấu xây dựng quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt giữa hai nước ngày càng phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu, theo hướng đối tác chiến lược. Thống nhất giao Bộ Ngoại giao hai nước làm đầu mối phối hợp các bộ, ngành xây dựng nội hàm và lộ trình thiết lập quan hệ đối tác chiến lược trình lãnh đạo cấp cao hai nước quyết định.
Kết thúc cuộc họp Chính phủ chung, hai bên đã ký ba văn kiện: Tuyên bố chung về cuộc họp Chính phủ chung Việt Nam – Thái-lan lần thứ hai; Tuyên bố chung về Tầm nhìn an ninh Thái-lan – Việt Nam giai đoạn 2012 – 2016 và Thỏa thuận thành lập Hội đồng doanh nghiệp Thái-lan – Việt Nam và Việt Nam – Thái-lan.
Cuộc họp Chính phủ chung Việt Nam – Thái-lan lần thứ hai đã diễn ra trong bầu không khí hữu nghị, hiểu biết lẫn nhau và thành công tốt đẹp. Với kết quả của cuộc họp và đáp ứng quan hệ hai nước ngày càng phát triển trên các lĩnh vực, cuộc họp thống nhất giao Bộ trưởng Ngoại giao hai nước làm đầu mối phối hợp quan hệ hợp tác giữa hai nước nói chung cũng như nhằm triển khai các kết quả của cuộc họp. Hai bên khẳng định tiếp tục duy trì và phát huy hiệu quả cơ chế họp Chính phủ chung hai nước trong thời gian tới nhằm đưa quan hệ hai nước phát triển lên tầm cao mới, hướng tới quan hệ đối tác chiến lược. Nhân dịp này, Thủ tướng Dinh-lắc Xin-na-vắt đã mời các nhà lãnh đạo cao cấp của Việt Nam thăm chính thức Thái-lan trong thời gian tới.
Theo Nhandan
Ý kiến ()