Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu
Ngày 12-8, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), Ðại diện cấp cao của Liên hiệp châu Âu (EU) về chính sách đối ngoại và an ninh C.A-stơn đang thăm chính thức Việt Nam. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hoan nghênh, đánh giá cao chuyến thăm và kết quả cuộc hội đàm giữa Phó Chủ tịch EC, Ðại diện cấp cao EU C.A-stơn và Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh. Thủ tướng bày tỏ vui mừng về quan hệ hợp tác trên các lĩnh vực giữa Việt Nam và EU tiến triển tốt đẹp; khẳng định Việt Nam luôn coi trọng phát triển quan hệ với EU và các nước thành viên, mong muốn cùng EU tăng cường quan hệ thiết thực và hiệu quả.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị EU sớm phê chuẩn Hiệp định khung Ðối tác và Hợp tác toàn diện (PCA) Việt Nam – EU; ủng hộ sớm kết thúc đàm phán Hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam – EU. Thủ tướng tin tưởng, với tiềm năng hợp tác còn rất lớn, việc hoàn tất, phê chuẩn PCA và FTA sẽ tạo bước phát triển mạnh mẽ trong quan hệ thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và EU. Thủ tướng cảm ơn và mong muốn EU tiếp tục ủng hộ ODA cho Việt Nam, sớm công nhận nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường.
Phó Chủ tịch EC, Ðại diện cấp cao EU C.A-stơn cho biết, chuyến thăm của bà lần này và chuyến thăm sắp tới của Chủ tịch EC M.Ba-rô-xô, cũng như các cuộc tiếp xúc thường xuyên giữa hai bên là minh chứng cho mối quan hệ tốt đẹp EU – Việt Nam, thể hiện mong muốn của EU trong việc thắt chặt hơn nữa quan hệ với Việt Nam. Bà A-stơn chính thức thông báo, EU đã quyết định, trong 5 năm tới, tăng tài trợ ODA cho Việt Nam thêm 30% so với giai đoạn trước; và nhấn mạnh quyết định này trong bối cảnh EU gặp khó khăn đã chứng minh niềm tự hào của EU trong quá trình hợp tác với Việt Nam, cũng như mong muốn đồng hành với Việt Nam trên con đường phát triển. Ðại diện cấp cao EU cho biết, EU đang nỗ lực và mong muốn trong thời gian sớm nhất có thể phê chuẩn PCA cũng như kết thúc đàm phán FTA với Việt Nam; hai bên sẽ tích cực làm việc nhằm bảo đảm Việt Nam đáp ứng đầy đủ các tiêu chí để EU sớm trao Quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam.
Về vấn đề Biển Ðông, bà A-stơn nêu rõ, EU hiểu rất rõ tầm quan trọng của việc sử dụng luật pháp quốc tế để giải quyết tranh chấp quốc tế. Hy vọng nỗ lực của ASEAN để đạt được Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Ðông (COC) với Trung Quốc sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng để bảo đảm hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trong khu vực. Bà A-stơn cho biết, trong cuộc gặp Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc bên lề Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN vừa qua, bà đã nêu rõ, bất cứ xung đột, tranh chấp nào trên Biển Ðông đều phải được giải quyết bằng biện pháp hòa bình, theo luật pháp quốc tế, nhất là Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982. Bà cũng chia sẻ quan điểm, hành động của Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền theo yêu sách “đường lưỡi bò” phi lý chiếm hầu hết diện tích Biển Ðông, bất chấp luật pháp quốc tế là nguyên nhân gốc rễ, đe dọa hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không trên Biển Ðông và trong khu vực.
* Tại cuộc hội đàm cùng ngày, trong không khí cởi mở, hữu nghị và thẳng thắn, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và Phó Chủ tịch EC, Ðại diện cấp cao EU C.A-stơn đã kiểm điểm quan hệ Việt Nam – EU và bàn các biện pháp tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác Việt Nam – EU trong thời gian tới. Hai bên cũng thảo luận về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đánh giá cao chuyến thăm chính thức Việt Nam lần đầu của Ðại diện cấp cao EU kể từ khi Hiệp ước Li-xbon có hiệu lực; thông báo về những thành tựu nổi bật của công cuộc đổi mới, tình hình phát triển kinh tế – xã hội và chính sách đối ngoại của Việt Nam; cảm ơn sự giúp đỡ quý báu mà EU và các nước thành viên đã dành cho Việt Nam trong công cuộc phát triển đất nước và hội nhập quốc tế; đặc biệt cảm ơn EC tăng hỗ trợ Việt Nam lên 400 triệu ơ-rô giai đoạn 2014 – 2020 (tăng 30% so với giai đoạn 2007 – 2013). Ðại diện cấp cao EU A-stơn bày tỏ vui mừng lần đầu thăm Việt Nam; cảm ơn sự đón tiếp nồng hậu và tình cảm tốt đẹp mà Chính phủ và nhân dân Việt Nam dành cho đoàn; đánh giá cao những thành tựu phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam cũng như vai trò, vị thế ngày càng cao của Việt Nam trong khu vực và trên trường quốc tế.
Hai bên bày tỏ hài lòng về những bước phát triển nhanh chóng và tích cực của quan hệ song phương trên tất cả lĩnh vực. EU là thị trường xuất khẩu lớn nhất, nhà tài trợ không hoàn lại lớn nhất và nhà đầu tư hàng đầu của Việt Nam. Trong bối cảnh kinh tế thế giới còn khó khăn, trao đổi thương mại hai chiều Việt Nam – EU năm 2013 vẫn đạt hơn 33,7 tỷ USD, tăng 16% so năm 2012.
Hai bên nhất trí tăng cường tiếp xúc và trao đổi đoàn, nhất là đoàn cấp cao; tiếp tục khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp Việt Nam và EU đầu tư, kinh doanh lâu dài tại hai thị trường, trong các lĩnh vực công nghiệp, hạ tầng cơ sở, giao thông vận tải, năng lượng, tài chính, y tế, du lịch và dịch vụ…; nhất trí thúc đẩy hợp tác chuyên ngành, nhất là các lĩnh vực giáo dục – đào tạo, khoa học – công nghệ, tài nguyên và môi trường, nông nghiệp và phát triển nông thôn, tư pháp, văn hóa – du lịch, thông tin – truyền thông, giao thông và xây dựng… Hai bên cũng khẳng định nỗ lực phấn đấu để có thể kết thúc đàm phán FTA Việt Nam – EU vào tháng 10 tới và EU sớm công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam.
Hai bên nhất trí đẩy mạnh đối thoại và hợp tác tại các diễn đàn khu vực và quốc tế, nhất là tại LHQ, Hội nghị cấp cao Á – Âu (ASEM) và trong khuôn khổ hợp tác ASEAN-EU. Việt Nam hoan nghênh đóng góp của EU đối với tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, tham gia các sáng kiến hợp tác tiểu vùng và cam kết của EU đóng vai trò tích cực trong xây dựng cấu trúc khu vực đang định hình với ASEAN làm nòng cốt tại Ðông Á. Trên cương vị nước Ðiều phối quan hệ nhiệm kỳ 2012-2015, Việt Nam sẽ nỗ lực thúc đẩy tăng cường quan hệ ASEAN – EU phát triển hiệu quả và thực chất. Hai bên cam kết ủng hộ nỗ lực xây dựng khu vực Ðông – Nam Á hòa bình, ổn định, hợp tác và hữu nghị; nhấn mạnh sự cần thiết bảo đảm an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không ở Biển Ðông; ủng hộ giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, không đe dọa sử dụng vũ lực, tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982, thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Ðông (DOC) và sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Ðông (COC).
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()