Ngày 3-7, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu Đoàn công tác của Chính phủ đã làm việc tại tỉnh Thanh Hóa về tình hình thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội sáu tháng đầu năm và nhiệm vụ sáu tháng cuối năm 2010, giải quyết những vướng mắc, khó khăn cũng như định hướng phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh trong những năm tới.
Sau khi nghe báo cáo của lãnh đạo tỉnh, ý kiến đóng góp của các bộ, ngành T.Ư, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng biểu dương và đánh giá cao nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thanh Hóa trong những năm qua đã đạt được những kết quả khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, nhất là trong sáu tháng đầu năm đã đạt được những kết quả đáng khích lệ: Tốc độ tăng trưởng kinh tế sáu tháng ở mức 12,3%, đạt mức tăng trưởng cao nhất từ trước tới nay, cơ cấu chuyển dịch theo hướng tích cực, sản xuất công nghiệp tăng 18,9% so với cùng kỳ, tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,2% so với đầu năm…
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt đạt được, Thủ tướng đã chỉ ra những khó khăn mà tỉnh Thanh Hóa cần phải khắc phục trong thời gian tới là khai thác và sử dụng tài nguyên đất đai và khoáng sản đạt hiệu quả chưa cao, ô nhiễm môi trường ở vùng dân cư ven biển và sản xuất công nghiệp còn bức xúc, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, chênh lệch giàu nghèo, nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển… Thủ tướng đề nghị Thanh Hóa phát huy tối đa tiềm năng thế mạnh, nhất là về đất đai và nguồn nhân lực dồi dào để phát triển nhanh và bền vững, tạo bước nhảy vọt trong năm năm tới. Trước mắt, Thanh Hóa cần chỉ đạo quyết liệt, thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm hoàn thành vượt mức kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2010 gắn với tổ chức tốt đại hội đảng bộ các cấp, trong đó tập trung mọi nỗ lực để chống hạn bảo đảm gieo cấy hết diện tích vụ mùa trong khung thời vụ tốt nhất, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, thực hiện tốt công tác đền bù giải phóng mặt bằng cho các khu công nghiệp lớn, quan tâm đào tạo nguồn nhân lực, giải ngân có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư, nhất là nguồn đầu tư hạ tầng trong giáo dục… phấn đấu GDP tăng trưởng hơn 14,7%/năm, giảm hộ nghèo xuống dưới 15% trong năm nay và thu hẹp khoảng cách giàu nghèo. Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo tỉnh tập trung chỉ đạo giải quyết dứt điểm tình trạng mua bán ma túy trái phép tại vùng giáp ranh giữa ba tỉnh Thanh Hóa, Hòa Bình và Sơn La.
Về kế hoạch phát triển trong năm năm tới, Thủ tướng đề nghị tỉnh Thanh Hóa cần bắt tay vào xây dựng kế hoạch với tinh thần phát huy lợi thế về đất đai, trong đó có hơn 400 nghìn ha rừng và hơn 240 nghìn ha đất nông nghiệp để đưa cây con và khoa học – kỹ thuật đạt năng suất cao, gắn với đó là phát triển công nghiệp chế biến, khai thác có hiệu quả khoáng sản… phát huy nguồn nhân lực dồi dào để xóa đói, giảm nghèo, đồng thời đầu tư hạ tầng, dịch vụ du lịch để phát triển bền vững. Thanh Hóa cần tập trung chỉ đạo có hiệu quả công tác xóa đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm, đặc biệt là các tỉnh miền núi phải có chương trình đề án cụ thể nhằm giảm nghèo. Thủ tướng ủng hộ Thanh Hóa trong xây dựng khu công nghệ cao trong Khu kinh tế Nghi Sơn và đầu tư hạ tầng ở Khu kinh tế này.
Để đưa Thanh Hóa phát triển nhanh và bền vững, Thủ tướng đã cho ý kiến về một số kiến nghị của tỉnh liên quan tới đầu tư phát triển kinh tế – xã hội các huyện miền Tây, phê duyệt quy hoạch chung Khu kinh tế Nghi Sơn và một số dự án hạ tầng giao thông, giáo dục, y tế…
* Sáng 3-7, tại Khu kinh tế Nghi Sơn (Thanh Hóa), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) khởi công Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 1. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng dự và phát lệnh khởi công. Cùng dự, có đại diện Văn phòng Chính phủ, các bộ, ban, ngành T.Ư và địa phương, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Mi-chư-ô Xa-ka-ba, Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA).
Dự án Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 1 do EVN làm chủ đầu tư, tổng thầu thi công là Tập đoàn Marubeni (Nhật Bản), là một trong hai nhà máy của Trung tâm Điện lực Nghi Sơn (rộng 350 ha). Dự án có tổng vốn đầu tư 22.260 tỷ đồng, trong đó sử dụng 85% vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản và 15% vốn đối ứng của EVN, được xây dựng tại hai xã Hải Hà và Hải Thượng, huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa, với tổng công suất 600 MW (hai tổ máy), sản lượng điện mỗi năm 3,6 tỷ kW giờ. Nhà máy sử dụng nhiên liệu than (dự kiến tiêu thụ 1,6 triệu tấn/năm), công nghệ nhiệt điện ngưng hơi truyền thống, công nghệ đốt hiện đại phù hợp với than an-thra-xít Hòn Gai – Cẩm Phả đã được kiểm chứng, bảo đảm các chỉ tiêu bảo vệ môi trường. Dự án sẽ hoàn thành và đưa vào vận hành thương mại tổ máy 1 vào quý IV-2013 và tổ máy 2 vào quý II-2014, góp phần bảo đảm cung cấp điện an toàn và ổn định cho khu vực Bắc Trung Bộ, phát triển kinh tế – xã hội khu vực, nhất là Khu kinh tế Nghi Sơn.
Phát biểu ý kiến tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: Việc khởi công Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 1 công suất 600 MW là bước quan trọng chuẩn bị xây dựng Nhà máy Nghi Sơn 2 có công suất 1.200 MW, như vậy Trung tâm Nhiệt điện Nghi Sơn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với Khu kinh tế Nghi Sơn, bảo đảm đủ nguồn điện cho Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn công suất 10 triệu tấn/năm sẽ được khởi công cuối năm nay, đồng thời có ý nghĩa thiết thực phát triển kinh tế – xã hội Thanh Hóa cũng như khu vực Bắc Trung Bộ, góp phần cung cấp điện cho đất nước trong những năm tới. Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng biểu dương chủ đầu tư, chính quyền và nhân dân địa phương nỗ lực, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan, tích cực triển khai dự án.
Thủ tướng đề nghị, chủ đầu tư cần phối hợp chặt chẽ với nhà thầu, cơ quan chức năng, chính quyền địa phương bảo đảm tiến độ, chất lượng, an toàn, an ninh, môi trường trong quá trình xây dựng. Thủ tướng yêu cầu Bộ Công thương và các cơ quan chức năng tích cực chuẩn bị, sớm khởi công Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 2, đồng thời đề nghị lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa, huyện Tĩnh Gia, chính quyền địa phương thực hiện đúng chính sách của Đảng, Nhà nước trong đền bù, giải phóng mặt bằng đối với các hộ dân trong trong vùng dự án.
Thay mặt Chính phủ Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ sự cảm ơn đối với Chính phủ và nhân dân Nhật Bản trong nhiều năm qua luôn dành sự ủng hộ và viện trợ ODA lớn cho Việt Nam để phát triển cơ sở hạ tầng quan trọng như điện lực, giao thông, thủy lợi… Thủ tướng mong Nhật Bản tiếp tục hợp tác và hỗ trợ Việt Nam trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước thời gian tới.
Ý kiến ()