Ngày 10-8, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã về thăm và làm việc tại Bình Dương để tìm hiểu tình hình phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh năm 2010, nhìn lại năm năm 2005-2010, định hướng phát triển giai đoạn 2011-2015 và công tác chuẩn bị đại hội đảng bộ tỉnh, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI.
Các đồng chí: Mai Thế Trung, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Hoàng Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh và các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực UBND tỉnh, giám đốc các sở, ban, ngành của tỉnh đã báo cáo với Thủ tướng về tình hình phát triển kinh tế của địa phương. Trong bảy tháng đầu năm 2010, Bình Dương đã phục hồi kinh tế và tăng trưởng khá, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện, quốc phòng và an ninh chính trị được giữ vững, trật tự an toàn xã hội ổn định. Tổng sản phẩm xã hội tăng 12,9%, trong đó công nghiệp và xây dựng tăng 9,6%, dịch vụ 22%, nông, lâm nghiệp, thủy sản 2%. Giá trị sản xuất công nghiệp đạt 54.912 tỷ đồng tăng 18,8% so với cùng kỳ; kim ngạch xuất khẩu đạt 118 tỷ USD tăng 24,3%, nhập khẩu đạt 3,178 tỷ USD; thu ngân sách 10.500 tỷ đồng. Thu hút đầu tư đạt 9.196 tỷ đồng và 700 triệu USD.
Lãnh đạo tỉnh Bình Dương kiến nghị với Thủ tướng bốn vấn đề: Điều tiết ngân sách; xây dựng nhà máy điện; giải quyết vốn đầu tư xây dựng ký túc xá cho sinh viên, nhà ở cho công nhân; vay vốn để xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, phát triển kinh tế – xã hội.
Phát biểu ý kiến tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, tỉnh Bình Dương với quyết tâm cao trong thực hiện các giải pháp kích cầu, chống lạm phát, phát triển kinh tế – xã hội của Chính phủ đã mang lại kết quả thiết thực. Tỉnh Bình Dương biết lợi dụng lợi thế cạnh tranh, không ỷ lại, chờ đợi, mà tự vượt qua khó khăn thách thức, dùng sức mạnh nội lực để cuốn hút ngoại lực; phát huy kết quả đạt được để làm tiền đề cho các bước đi tiếp theo, biết lấy kinh tế, doanh nghiệp nhà nước làm vai trò chủ đạo phát triển kinh tế – xã hội. Góp ý với Bình Dương về phương hướng phát triển, Thủ tướng nhấn mạnh vai trò phát triển công nghiệp của Bình Dương. Việc Bình Dương từ một tỉnh thuần nông, sau hơn 20 năm đổi mới và hơn 10 năm phát triển công nghiệp, Bình Dương đã thật sự là tỉnh công nghiệp phát triển, GDP đầu người đã đạt hơn 1.500 USD, tỷ trọng nông nghiệp chỉ còn 4,5%, dân số nông nghiệp còn dưới 20% và chất lượng cuộc sống và hình thức lao động đã chuyển sang phương thức mới. Bình Dương cần nhận biết và phát huy lợi thế này. Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa tới cần đánh giá sâu sắc nguyên nhân và kinh nghiệm của nhiệm kỳ qua, suy nghĩ thêm tầm nhìn 5-10 năm, 20 năm tới, tìm ra nét đặc trưng, thế mạnh của tỉnh để có bước đi đúng, cụ thể. Thủ tướng chỉ đạo tỉnh Bình Dương trước mắt thực hiện tốt hai nhiệm vụ: Phấn đấu thực hiện vượt các chỉ tiêu kinh tế – xã hội năm 2010, từng đồng chí trong Thường trực Tỉnh ủy, Thường trực UBND phải làm thật tốt công việc mình phụ trách. Đồng thời chuẩn bị tốt đại hội đảng bộ, quan trọng nhất là Nghị quyết đại hội phải cụ thể hóa chỉ tiêu nhiệm vụ, để mọi người biết mà giám sát và cùng chung vai gánh vác. Thủ tướng mong muốn Bình Dương sẽ có bước tiến đột phá vượt bậc về phát triển kinh tế – xã hội và tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2011-2015.
* Phát biểu ý kiến trong buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Bình Phước, ngày 10-8, tại thị xã Đồng Xoài, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, Bình Phước cần phát huy lợi thế đất rừng, trong đó đất đỏ ba-dan chiếm gần 1/2 diện tích để phát triển nông nghiệp, nhất là phát triển cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao như: cao-su, ca-cao, hồ tiêu, cà-phê, điều và trữ lượng đá vôi lớn để phát triển công nghiệp xi-măng.
Đánh giá cao nỗ lực phấn đấu, khắc phục khó khăn vươn lên của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Bình Phước trong những năm qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, những thành tựu mà Bình Phước đã đạt được là kết quả đáng trân trọng: Kinh tế phát triển, đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được bảo đảm… Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Bình Phước đạt thấp, cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm, giá trị sản xuất trên một diện tích đất nông nghiệp còn thấp, hạ tầng kỹ thuật và chất lượng lao động thấp… Trên tinh thần này, Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo tỉnh Bình Phước phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục những tồn tại yếu kém đưa tỉnh Bình Phước phát triển bền vững, trong đó tập trung triển khai có hiệu quả các chương trình, dự án phát triển trên lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ và an sinh xã hội.
Về phương hướng trong thời gian tới, Thủ tướng đề nghị lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt hoàn thành vượt mức kế hoạch năm 2010 với thu nhập đạt hơn một nghìn USD/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống dưới 4%, huy động mọi nguồn lực đầu tư phát triển… Gắn với đó, Bình Phước tập trung tổ chức tốt đại hội đảng bộ các cấp với quyết tâm cao nhằm khai thác tối đa tiềm năng lợi thế để phát triển nhanh và bền vững. Theo Thủ tướng, Bình Phước là tỉnh có diện tích đất rộng, tốt thuận lợi cho phát triển khu công nghiệp và trồng cây công nghiệp cộng với hệ thống giao thông thông suốt, quốc lộ 13 đi TP Hồ Chí Minh khá thuận tiện, quốc lộ 14 liên thông với các tỉnh Tây Nguyên… là những điều kiện thuận lợi để tỉnh thu hút đầu tư. Do vậy, Bình Phước cần thúc đẩy kêu gọi đầu tư lấp đầy tám khu công nghiệp, trong đó chú trọng những ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao, cùng với đó là phát triển đồng bộ đô thị hóa. Đồng thời, Bình Phước tập trung xây dựng cụm xi-măng, đẩy nhanh diện tích cao-su có năng suất cao, cây ăn quả, trồng rừng (cây keo) gắn với chế biến gỗ. Thủ tướng lưu ý, Bình Phước cần đặc biệt quan tâm công tác quy hoạch đặt trong vùng trọng điểm kinh tế phía nam, trước mắt tỉnh cập nhật lại quy hoạch giao thông, công nghiệp, đồng thời tập trung đầu tư hạ tầng giao thông và chăm lo đào tạo nguồn nhân lực để chuyển nhanh lao động trong nông nghiệp sang công nghiệp. Thủ tướng chỉ đạo Bình Phước làm tốt cải cách thủ tục hành chính để thu hút các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng giao thông, công nghiệp…
Lãnh đạo các bộ, ngành T.Ư đã góp ý những giải pháp đưa Bình Phước phát triển trong giai đoạn 2011-2015 về nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, an sinh xã hội… Theo đó, trong lĩnh vực nông nghiệp tỉnh cần quy hoạch hình thành các vùng sản xuất tập trung, chuyên canh phù hợp lợi thế của tỉnh như: mở rộng diện tích cây cao-su, ca-cao, hồ tiêu và cây ăn quả. Bình Phước cần đẩy nhanh đầu tư các khu công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu, trong đó ưu tiên phát triển công nghiệp chế biến, nhất là những ngành chế biến nông sản; tiếp tục thu hút vốn đầu tư vào du lịch, hoàn thành và đưa vào khai thác các khu du lịch trọng điểm…
Thủ tướng và lãnh đạo các bộ, ngành T.Ư đã cho ý kiến liên quan các kiến nghị của tỉnh về việc bổ sung quy hoạch Khu liên hợp công nghiệp – dân cư – dịch vụ Đồng Phú (10.000 ha) và hỗ trợ nguồn vốn đầu tư nâng cấp quốc lộ 13, 14, lưới điện nông thôn và các công trình văn hóa.
Ý kiến ()