Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với các Đại biểu dự lễ kỷ niệm.Ảnh : Đức Tám (TTXVN) Ngày 27-4, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức Lễ kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập ngành (1951 - 2011) và đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh (lần hai). Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự và phát biểu ý kiến. Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết gửi lẵng hoa chúc mừng cán bộ, nhân viên ngành ngân hàng.Trong suốt 60 năm xây dựng và phát triển, hệ thống ngân hàng ngày càng được củng cố, phát triển. NHNN hoàn thành tốt hơn chức năng quản lý về tiền tệ, tín dụng, chức năng của một ngân hàng Trung ương. Hệ thống các tổ chức tín dụng ngày càng lớn mạnh với ba ngân hàng thương mại 100% vốn Nhà nước, hai ngân hàng chính sách, 39 ngân hàng thương mại cổ phần, năm ngân hàng liên doanh, năm ngân hàng 100% vốn nước ngoài, 53 chi nhánh ngân hàng nước ngoài, 18 công ty tài chính, 13 công ty cho thuê tài chính, 1.037 quỹ tín dụng nhân dân,...Với môi trường pháp lý ngày càng hoàn...
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với các Đại biểu dự lễ kỷ niệm.Ảnh : Đức Tám (TTXVN) |
Ngày 27-4, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức Lễ kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập ngành (1951 – 2011) và đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh (lần hai). Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự và phát biểu ý kiến. Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết gửi lẵng hoa chúc mừng cán bộ, nhân viên ngành ngân hàng.
Trong suốt 60 năm xây dựng và phát triển, hệ thống ngân hàng ngày càng được củng cố, phát triển. NHNN hoàn thành tốt hơn chức năng quản lý về tiền tệ, tín dụng, chức năng của một ngân hàng Trung ương. Hệ thống các tổ chức tín dụng ngày càng lớn mạnh với ba ngân hàng thương mại 100% vốn Nhà nước, hai ngân hàng chính sách, 39 ngân hàng thương mại cổ phần, năm ngân hàng liên doanh, năm ngân hàng 100% vốn nước ngoài, 53 chi nhánh ngân hàng nước ngoài, 18 công ty tài chính, 13 công ty cho thuê tài chính, 1.037 quỹ tín dụng nhân dân,…
Với môi trường pháp lý ngày càng hoàn thiện, tổ chức quy mô ngày càng lớn, trình độ công nghệ hiện đại, hệ thống ngân hàng đáp ứng ngày càng hiệu quả hơn nhu cầu vốn sản xuất, kinh doanh, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân. Trong vòng 10 năm gần đây, mức vốn huy động của các tổ chức tín dụng đã tăng gấp 9,1 lần, tín dụng cho nền kinh tế tăng gấp 10,2 lần. Đến nay, ngành ngân hàng cũng chủ động hội nhập quốc tế, phát triển mạnh mẽ hoạt động đối ngoại với hầu hết các tổ chức tài chính, tiền tệ thế giới, quan hệ đa phương, song phương với hơn 170 ngân hàng khắp nơi trên thế giới.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh cho ngành ngân hàng. Phát biểu ý kiến tại Lễ kỷ niệm, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng biểu dương những thành tích, sự nỗ lực của ngành ngân hàng trong suốt 60 năm qua, đóng góp thiết thực, hiệu quả vào thành tựu chung của đất nước. Thủ tướng giao nhiệm vụ xây dựng hệ thống ngân hàng hiện đại, an toàn và hiệu quả, hình thành đồng bộ khuôn khổ pháp lý, phát triển dịch vụ ngân hàng phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội, chủ động nâng cao hơn nữa hiệu quả điều hành chính sách và quản lý thị trường tiền tệ, ngoại hối, nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.
Thủ tướng chỉ đạo, trước mắt, hệ thống ngân hàng cần tiếp tục triển khai các giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội theo tinh thần Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ. Cụ thể, NHNN phải điều hành chủ động, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ, theo dõi, giám sát thị trường tiền tệ chặt chẽ để có các biện pháp xử lý kịp thời các vấn đề bất hợp lý về lãi suất, tạo thuận lợi cho các ngân hàng tham gia thị trường liên ngân hàng và tiếp cận các nghiệp vụ thị trường mở, bảo đảm an toàn thanh khoản, từng bước điều hành lãi suất liên ngân hàng ở mức ổn định, thông qua đó định hướng và ổn định lãi suất trên thị trường tiền tệ.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng lưu ý ngành ngân hàng cần nâng cao chất lượng tín dụng, cơ cấu lại tài sản, nguồn vốn theo hướng an toàn, bền vững, kiểm soát chặt chẽ việc tuân thủ các quy định về cho vay và chất lượng tín dụng. Thủ tướng nêu rõ, trong điều hành thị trường ngoại hối, tỷ giá hối đoái, cần chủ động, linh hoạt và phù hợp với diễn biến thị trường tiền tệ, cung cầu ngoại tệ để khuyến khích xuất khẩu, cải thiện cán cân thanh toán quốc tế và góp phần tăng dự trữ ngoại hối. Kiểm soát thị trường ngoại tệ, ngăn ngừa hoạt động đầu cơ, găm giữ ngoại tệ, giảm tình trạng đô-la hóa nền kinh tế. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan liên quan theo dõi chặt chẽ diễn biến thị trường vàng quốc tế, trong nước để có các biện pháp quản lý kịp thời và phù hợp, khẩn trương hoàn thiện các cơ chế quản lý về kinh doanh vàng, từng bước hạn chế sử dụng vàng làm phương tiện thanh toán trong dân cư. Ngoài ra, ngành ngân hàng cũng cần cải thiện, nâng cao khả năng xử lý thông tin, dự báo tình hình trong ngắn hạn và dài hạn, có chính sách tốt hơn trong phát triển nguồn nhân lực và công nghệ.
Theo Nhandan
Ý kiến ()