Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát lệnh thông xe đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai
Sáng 21-9, tại xã Gia Phú, huyện Bảo Thắng (tỉnh Lào Cai), Tổng công ty Ðầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) tổ chức thông xe và đưa vào khai thác đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, sau năm năm xây dựng. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự và phát lệnh thông xe. Cùng dự, có đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương.
Dự án đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, nằm trong hành lang đường bộ Côn Minh – Hải Phòng, thuộc chương trình hợp tác giữa sáu nước Tiểu vùng Mê Công mở rộng. Ðây là một trong những dự án đường cao tốc quy mô lớn nhất Việt Nam, dài 245 km đi qua Hà Nội, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Yên Bái và Lào Cai. Dự án được xây dựng theo tiêu chuẩn đường cao tốc loại A. Ðoạn từ Hà Nội đi Yên Bái quy mô bốn làn xe, hai làn dừng khẩn cấp, tốc độ thiết kế 100 km/giờ; đoạn từ Yên Bái đi Lào Cai quy mô hai làn xe, hai làn dừng khẩn cấp tốc độ thiết kế 80 km/giờ. Dự án phải thi công nhiều hạng mục với khối lượng rất lớn gồm 120 cầu, một hầm xuyên núi dài 530 m, một hầm chui dài 645 m, 12 nút giao khác mức, 13 trạm thu phí, năm trạm dừng nghỉ… Tổng mức đầu tư của dự án giai đoạn 1 khoảng gần 1,5 tỷ USD.
Dự án trên đi vào khai thác là bước đột phá lớn của ngành giao thông, giúp giảm thời gian lưu thông từ Hà Nội đi Lào Cai xuống còn 3,5 giờ so với bảy giờ như trước đây; đồng thời mở ra cơ hội phát triển kinh tế – xã hội cho các địa phương khu vực Tây Bắc, là đòn bẩy tăng trưởng kinh tế cho các tỉnh khi giao thương được thuận tiện và nhanh chóng, thúc đẩy phát triển du lịch, giảm áp lực giao thông và tai nạn giao thông, kết nối các khu công nghiệp, giải trí, khu du lịch tâm linh và rút ngắn thời gian đến các tỉnh Tuyên Quang, Hà Giang hơn một nửa so với hiện nay. Ngoài ra, các phương tiện tham gia giao thông sẽ tiết kiệm tối đa nhiên liệu, tăng tính an toàn…
Phát biểu ý kiến tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, đây là tuyến đường cao tốc lớn nhất, hiện đại nhất đến thời điểm này của Việt Nam, con đường có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, không chỉ đối với các tỉnh có tuyến đường đi qua mà còn với cả vùng Tây Bắc, với cả nước, cũng như trong hợp tác phát triển Tiểu vùng Mê Công mở rộng. Thủ tướng đánh giá cao và biểu dương Bộ Giao thông vận tải (GTVT), Tổng công ty VEC, các bộ, ngành liên quan, các địa phương có dự án đi qua cùng các đơn vị tư vấn, nhà thầu thi công, cán bộ, kỹ sư, công nhân, người lao động trên công trường đã nỗ lực, phấn đấu, vượt qua nhiều khó khăn để dự án hoàn thành và đưa vào sử dụng.
Nhân dịp này, thay mặt Chính phủ Việt Nam, Thủ tướng gửi lời cảm ơn đến Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã tài trợ vốn cho dự án (hơn 1 tỷ USD) cũng như các cam kết tài trợ, cho vay ưu đãi phát triển hạ tầng khác. Thủ tướng bày tỏ mong muốn ADB tiếp tục tài trợ cho Việt Nam để đầu tư các dự án, nhất là dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng; đồng thời khẳng định, Việt Nam cam kết quản lý đầu tư, sử dụng hiệu quả các nguồn vốn tài trợ. Thủ tướng đánh giá cao và cảm ơn hơn 25 nghìn hộ dân đã chấp nhận thu hồi đất, đền bù, tái định cư để xây dựng dự án; yêu cầu chính quyền địa phương các cấp quan tâm, tạo điều kiện để đồng bào sớm ổn định cuộc sống.
Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT, VEC khẩn trương hoàn thành các hạng mục phụ trợ của dự án để tuyến đường này đi vào hoạt động an toàn, hiệu quả; phối hợp các bộ, ngành, địa phương liên quan khẩn trương thu xếp vốn để đầu tư tiếp giai đoạn 2 mở rộng thành bốn làn xe đoạn từ Yên Bái đi Lào Cai, hoàn thành 19 km từ đường cao tốc đến biên giới tiếp giáp Trung Quốc. Bên cạnh đó, Bộ GTVT cùng các địa phương phải rà soát quy hoạch giao thông, thu xếp vốn với các hình thức đầu tư hợp lý để kết nối hệ thống giao thông các tỉnh Tây Bắc vào đường cao tốc, giúp các địa phương có điều kiện phát triển kinh tế – xã hội, phát huy tối đa hiệu quả tuyến đường.
* Cùng ngày, UBND tỉnh Lào Cai và Tập đoàn Gang thép Côn Minh (Trung Quốc) khánh thành Nhà máy Gang thép Việt – Trung, công suất 500 nghìn tấn/năm, tại Khu công nghiệp Tằng Loỏng, huyện Bảo Thắng. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự và phát biểu ý kiến.
Nhà máy được hoàn thành sau ba năm xây dựng, giai đoạn 1 có công suất 500 nghìn tấn phôi thép/năm. Ðây là dự án liên doanh giữa Tổng công ty thép Việt Nam (VNSTEEL), Công ty Khoáng sản Lào Cai và Tập đoàn Gang thép Côn Minh (Trung Quốc). Theo thiết kế, mỗi ngày nhà máy sẽ cho ra lò hơn 2.000 tấn gang tiêu chuẩn để luyện thành phôi thép, phục vụ sản xuất thép cán tại tỉnh Lào Cai. Giai đoạn 2 sẽ xây dựng nhà máy cán thép với công suất một triệu tấn/năm. Dự án khi hoàn thành toàn bộ hai giai đoạn sẽ tạo ra giá trị sản xuất công nghiệp khoảng 7.000 tỷ đồng/năm, đóng góp vào ngân sách nhà nước khoảng 700 tỷ đồng/năm, giải quyết việc làm cho hơn 2.000 lao động.
Phát biểu ý kiến tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao vai trò quan trọng của nhà máy sản xuất phôi thép từ quặng sắt tại chỗ lớn nhất hiện nay của cả nước, góp phần đáp ứng nhu cầu thép trong nước và xuất khẩu. Ðây là dự án hợp tác hữu nghị của các công ty Việt Nam và Trung Quốc. Thủ tướng yêu cầu các bên liên doanh vận hành an toàn, hiệu quả nhà máy gang thép, vì lợi ích chung của các bên.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()