Đến dự, có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền CH Pháp tại Việt Nam.
Dự án tuyến đường sắt đô thị Nhổn – ga Hà Nội thuộc dự án tuyến đường sắt đô thị số 3 (Nhổn – Hoàng Mai), là một trong năm tuyến đường sắt đô thị trong Quy hoạch phát triển giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2020. Mục tiêu của dự án là phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị theo hướng hiện đại, nhằm nâng cao năng lực vận tải hành khách công cộng, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội của Thủ đô, giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông, bảo đảm an toàn giao thông cho người tham gia giao thông, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường do các phương tiện giao thông gây ra trong khu vực trung tâm thành phố
.
Tổng mức đầu tư của dự án là 783 triệu ơ-rô, tương đương 18.408 tỷ đồng, là nguồn vốn vay của Chính phủ Pháp, cơ quan Phát triển Pháp, Ngân hàng châu Á, Ngân hàng đầu tư châu Âu và vốn đối ứng trong nước. Các hạng mục chính của dự án gồm: Xây dựng trạm bảo dưỡng, sửa chữa, đường vào trạm bảo dưỡng, cầu cạn, ga trên cao, đường ngầm, ga ngầm, mua sắm thiết bị, hệ thống đường ray, bán vé… Điểm đầu của tuyến tại Nhổn (huyện Từ Liêm) đi qua Cầu Diễn-Mai Dịch-nút giao với đường vành đai 3-Cầu Giấy-Kim Mã-Giảng Võ-Cát Linh-Quốc Tử Giám đến điểm cuối là ga Hà Nội. Chiều dài tuyến khoảng 12,5 km, trong đó đoạn từ Nhổn đến Thủ Lệ dài 8,5 km đi trên cao, đoạn từ Thủ Lệ đến ga Hà Nội dài 4 km đi ngầm. Trên tuyến có 12 nhà ga, trong đó có tám ga trên cao, bốn ga ngầm. Tuyến đường sắt đô thị đoạn Nhổn – ga Hà Nội là tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của thành phố được thi công, có công nghệ, thiết bị hiện đại, năng lực vận chuyển lớn, khi hoàn thành sẽ vận chuyển hơn 300 nghìn lượt hành khách/ngày, cải thiện năng lực vận tải hành khách công cộng, khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông khu vực phía tây thành phố.
Phát biểu ý kiến tại lễ khởi công, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng biểu dương sự chuẩn bị tích cực của thành phố Hà Nội, ban dự án, các bộ, ban, ngành chức năng, các nhà tài trợ trong công tác xây dựng quy hoạch, lập dự án, thẩm định, phê duyệt, thu xếp nguồn vốn, thực hiện công tác giải phóng mặt bằng… để khởi công dự án. Thay mặt Chính phủ Việt Nam, Thủ tướng cảm ơn sự giúp đỡ của Chính phủ CH Pháp, các ngân hàng đã tài trợ cho dự án. Đây là một công trình biểu hiện sinh động cho tình hữu nghị hợp tác giữa hai nước. Thủ tướng nhấn mạnh: Dự án tuyến đường sắt đô thị là dự án có vốn đầu tư lớn, sử dụng công nghệ cao, hiện đại, khi hoàn thành sẽ góp phần giảm tình trạng ùn tắc, tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường, có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển nhanh và bền vững của Thủ đô. Vì vậy, Thủ tướng yêu cầu, UBND thành phố Hà Nội phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông vận tải, Bộ Xây dựng, chỉ đạo chủ đầu tư, nhà thầu, đơn vị tư vấn thực hiện nghiêm túc các quy định về đầu tư xây dựng, kiểm tra, giám sát trong quá trình xây dựng, để dự án hoàn thành, đi vào vận hành đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng, an toàn. Thủ tướng cũng yêu cầu các đơn vị đẩy nhanh quá trình chuẩn bị đầu tư các dự án xây dựng các tuyến đường sắt đô thị còn lại, giải quyết những yêu cầu bức xúc về hạ tầng giao thông, nhất là về giao thông công cộng, đáp ứng những yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội của Thủ đô trong thời gian tới. Thủ tướng đã phát lệnh khởi công dự án.
* Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng vừa ký quyết định phê duyệt kịch bản chi tiết lễ khai mạc 10 ngày Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội diễn ra sáng 1-10 tại vườn hoa Lý Thái Tổ và khu vực chung quanh hồ Hoàn Kiếm. Tổng đạo diễn là NSƯT Đặng Văn Hùng, Giám đốc Nhà hát ca múa nhạc Quân đội. Lễ khai mạc gồm hai phần: lễ và hội. Trong phần lễ, sau khi dàn trống, cồng chiêng tấu bản nhạc lễ sẽ có hiệu lệnh “Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long” và thắp lửa trên đài lửa. Sau đó, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, thành phố Hà Nội làm lễ dâng hương. Lãnh đạo thành phố sẽ phát biểu khai mạc, Tổng Giám đốc UNESCO sẽ trao bằng Di sản văn hóa thế giới khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long cho lãnh đạo thành phố Hà Nội và có bài phát biểu. Nghi thức thả chim bồ câu sẽ kết thúc phần lễ.
Phần hội diễn ra tại 5 sân khấu khu vực chung quanh hồ Hoàn Kiếm và Quảng trường Cách mạng Tháng Tám cùng các chủ đề “Thăng Long – Hà Nội, thành phố lịch sử truyền thống anh hùng”; “Thăng Long – Hà Nội, Thủ đô văn hiến”; “Thăng Long – Hà Nội, thành phố vì hòa bình”; “Hà Nội, thành phố của hội nhập và phát triển”; “Hà Nội, trái tim của cả nước”…
* Ngày 25-9, thành phố Hà Nội tổ chức gắn biển tên ba đường phố mới của Thủ đô. Đó là các phố Duy Tân, Trần Hữu Dực và Huỳnh Tấn Phát, thuộc địa bàn quận Cầu Giấy, huyện Từ Liêm và quận Long Biên. Đây là hoạt động ý nghĩa trước thềm Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội, thể hiện tình cảm tri ân công lao của thế hệ hôm nay với các nhà yêu nước, nhà hoạt động cách mạng, góp phần vào sự nghiệp bảo vệ, xây dựng đất nước và Thủ đô Hà Nội.
* Ngày 25-9, UBND thành phố Hà Nội tổ chức gắn biển công trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội cho công trình cải tạo hồ Phương Liệt 2. Dự án cải tạo môi trường hồ Phương Liệt 2 (phường Phương Liệt, quận Thanh Xuân) do Công ty Thoát nước Hà Nội phối hợp Tổng công ty Xi-măng Việt Nam thực hiện. Sau sáu tháng thi công, các đơn vị đã hoàn thành các hạng mục chính như: nạo vét gần 8.000 m3 bùn lòng hồ, xây mới và sửa chữa 280 m kè đá, lát 1.200 m2 hè chung quanh hồ và đường dạo, làm mới và nâng cấp 1.100 m2 đường, tách hệ thống nước thải không chảy vào hồ, lắp đặt đèn chiếu sáng, trồng cây xanh, làm vườn hoa, thảm cỏ…
* Sáng 25-9, Báo Người Hà Nội, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội phối hợp Trường phổ thông Dream House-Trí Việt đã tổng kết và trao giải cuộc thi “Hà Nội trong trái tim em” lần thứ IV – năm 2010 tại Cung Thiếu nhi Hà Nội. Năm nay, cuộc thi nhận được hơn 32.000 bài viết từ tất cả các em học sinh THCS, THPT toàn thành phố với chủ đề “Hà Nội 1000 năm”. Em Nguyễn Minh Thư (Trường THPT Trung Văn) và em Nguyễn Hoàng Minh Anh (Trường THCS Vân Hồ) đoạt giải nhất. Ban tổ chức đã trao hai giải nhì, ba giải ba, 10 giải khuyến khích cho mỗi khối.
* Ngày 25-9, Thành hội Phật giáo TP Hồ Chí Minh, Báo Giác Ngộ tổ chức trao giải cuộc thi văn thơ Phật giáo hướng về 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. Đến dự, có Hòa thượng Thích Trí Quảng, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam; Trưởng ban Trị sự Thành hội Phật giáo TP Hồ Chí Minh cùng đông đảo tăng, ni, Phật tử, và các tác giả đoạt giải.
Với chủ đề “Phật giáo và 1000 năm Thăng Long – Hà Nội”, sau một năm phát động, Ban tổ chức đã nhận được 106 tác phẩm văn xuôi; 370 bài thơ, 37 chùm thơ (355 bài), một truờng ca của 224 tác giả là những người cầm bút chuyên nghiệp, không chuyên nghiệp, tăng, ni, Phật tử và nhân dân cả nước. Các tác phẩm dự thi thể hiện Phật giáo luôn gắn liền với lịch sử hình thành, phát triển của Thăng Long – Hà Nội. Tôn vinh những giá trị truyền thống, nét đẹp của văn hóa Phật giáo Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử đất nước…
* Hướng đến Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, chiều 24-9, Bảo tàng Chăm (TP Đà Nẵng) đã khai mạc trưng bày cổ vật “Từ truyền thống Đông Sơn đến văn minh Đại Việt”.
Đây là những cổ vật tiêu biểu trong bộ sưu tập hơn 1.000 cổ vật qua các triều đại Lý, Trần, Lê, Nguyễn đã được giám định của nhà sưu tập Hoàng Tiến Dũng. Bộ sưu tập có được qua quá trình nghiên cứu, chắt lọc từ những di vật của tiền nhân người Việt, phản ánh những nét sinh hoạt của nền văn minh sông Hồng. Trong đó có các cổ vật như: Trống đồng Đông Sơn, bộ sưu tập gốm Hoa Nâu, bộ sưu tập gốm kiến trúc; các cổ vật cách nay từ 2.000 đến 2.500 năm như trống đồng, thạp đồng, và vũ khí Đông Sơn cùng bộ sưu tập vòng đeo tay chiến binh, bộ sưu tập chuông; bộ chóe Tứ Linh, bộ sưu tập tiền xu, một số cổ vật của di tích Hoàng thành Thăng Long.
Triển lãm được trưng bày tại Bảo tàng Chăm từ ngày 24-9 đến 31-12.
* Sáng 25-9, tại Cung Văn hóa, Thể thao thanh niên, Thành Đoàn Hà Nội tổ chức Ngày hội Thanh niên Thủ đô với văn hóa giao thông. Hàng trăm đoàn viên, thanh niên, học sinh, sinh viên các cơ sở đoàn, hội, nhà trường đã tham gia nhiều hoạt động thiết thực, trọng tâm là Diễn đàn Thanh niên Thủ đô với văn hóa giao thông.
Nhân dịp này, Thành Đoàn Hà Nội ra mắt 30 Đội Thanh niên tình nguyện tham gia giữ gìn trật tự an toàn giao thông trong những ngày lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội, với 500 đội viên.
* Trong những ngày này, nhiều Đội Thanh niên tình nguyện Thủ đô đồng loạt ra quân thực hiện những hoạt động thiết thực chào mừng 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. Đáng chú ý là, hơn 2.000 đoàn viên, thanh niên triển khai Công trình Thanh niên tình nguyện làm vệ sinh môi trường tuyến đường Láng-Hòa Lạc, đoạn từ km số 5 đến km số 8 với bốn làn đường có tổng chiều dài khoảng 12 km; các em đội viên, thiếu niên tham gia Liên hoan các Đội tuyên truyền măng non, thi hiểu biết về lịch sử 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, do Hội đồng Đội thành phố tổ chức…
* Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Viện Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức hội thảo khoa học “1000 năm văn hiến dưới góc nhìn liên ngành và đa ngành khoa học xã hội” và trưng bày các tác phẩm thư pháp nội dung về Thăng Long – Hà Nội. Hơn 50 tham luận trình bày tại hội thảo đã tập trung phân tích về thành tựu, biến đổi và đặc trưng của nền văn hóa, lịch sử, tôn giáo Thăng Long – Hà Nội, so sánh tổng quan Hà Nội với đô thị các nước trong quá trình công nghiệp hóa và hội nhập quốc tế.
* Tại Hà Nội, Thư viện quốc gia Việt Nam, Thư viện Hà Nội và Hiệp hội Thư pháp Vân Nam (Trung Quốc) tổ chức Trưng bày và giao lưu Thư pháp Việt Nam – Trung Quốc, kỷ niệm 60 năm quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Trung Quốc và Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. Tại triển lãm đoàn đại biểu Hiệp hội thư pháp châu Hồng Hà, tỉnh Vân Nam Trung Quốc đã giao lưu cùng các nhà thư pháp của Hà Nội.
* Sáng 25-9, Công ty CPĐT và PTCN MEFRIMEX tổ chức khởi công xây dựng tòa nhà B7 Giảng Võ (Hà Nội) làm trụ sở Văn phòng làm việc của Ngân hàng TMCP Nhà Hà Nội và của Công ty MEFRIMEX. Với độ cao từ 16 đến 19 tầng, với diện tích 2.237,5 m2, tổng diện tích sàn lên tới 25.071 m2.
* Ngày 25-9, UBND thành phố Hà Nội và Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức khánh thành và đưa vào sử dụng công trình trạm bơm Yên Sở giai đoạn 2. Đây là hạng mục quan trọng nhất của dự án thoát nước nhằm cải thiện môi trường Hà Nội giai đoạn 2, sử dụng vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản. Sau khi hoàn thành xây dựng, trạm bơm Yên Sở nâng công suất 90 m3/giây, gấp hai lần công suất giai đoạn 1. Công trình trạm bơm Yên Sở hoàn thành trước thời hạn ba tháng, bảo đảm chất lượng, kỹ thuật. Công trình được UBND thành phố Hà Nội trao quyết định và gắn biển công trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội.
Ý kiến ()