tle=”Click vào để xem ảnh phóng to” rel=””> amesmall” src=”http://www.nhandan.com.vn/media/k2/items/cache/2046/a055596b81992d18e3265b7b6f6a3d28_L.jpg” border=”0″ alt=”Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hội kiến Thủ tướng Xin-ga-po Lý Hiển Long.” /> * Hội kiến Tổng thống và Thủ tướng Xin-ga-po Nhận lời mời của Thủ tướng Xin-ga-po Lý Hiển Long và Ban tổ chức Ðối thoại Shangri-La, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã tham dự và phát biểu chính tại lễ khai mạc Ðối thoại Shangri-La lần thứ 12 diễn ra từ ngày 31-5 đến 2-6 tại Xin-ga-po.
Ðối thoại Shangri-La được tổ chức lần đầu năm 2002 tại Xin-ga-po theo sáng kiến của Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS), đến nay đã trở thành sự kiện hằng năm có ý nghĩa quan trọng đối với an ninh khu vực và quốc tế. Ðây là diễn đàn của các nhà hoạch định chính sách về quốc phòng, an ninh và các chuyên gia, học giả các nước khu vực châu Á – Thái Bình Dương trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế, định hướng chiến lược về những vấn đề có tác động đến an ninh khu vực, thúc đẩy hợp tác quốc phòng, tăng cường hiểu biết, xây dựng lòng tin; đây cũng là dịp để các nước bày tỏ quan điểm về chính sách quốc phòng, an ninh của mỗi nước.
Với tư cách khách mời, diễn giả chính, tối 31-5, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã có bài phát biểu đề dẫn quan trọng khai mạc Ðối thoại Shangri-La lần thứ 12 (Toàn văn bài phát biểu đăng số báo hôm nay).
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá bức tranh toàn cảnh khu vực châu Á-Thái Bình Dương, một trong những điểm sáng về phát triển kinh tế và hợp tác, liên kết khu vực đang diễn ra hết sức sôi động. Tuy nhiên, khu vực cũng đang chứng kiến nhiều thách thức cả về an ninh truyền thống và phi truyền thống, ảnh hưởng tiêu cực tới hòa bình, ổn định và phát triển bền vững ở khu vực. Trong bối cảnh đó, Thủ tướng nhấn mạnh thông điệp về tăng cường xây dựng và củng cố lòng tin chiến lược vì hòa bình, hợp tác và phát triển thịnh vượng ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế, đề cao trách nhiệm của các quốc gia, nhất là các nước lớn. Ðiều quan trọng trên hết của lòng tin chiến lược là sự thành tâm và chân thành trong quan hệ giữa các nước, trong hợp tác, xử lý các thách thức chung ở khu vực.
Thủ tướng nhấn mạnh vai trò và đóng góp không thể thiếu của một ASEAN đồng thuận, đoàn kết và với vai trò trung tâm trong nhiều cơ chế hợp tác đa phương đối với hòa bình, hợp tác, thịnh vượng của khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Về vấn đề Biển Ðông, Thủ tướng khẳng định tầm quan trọng của hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải; ASEAN và Trung Quốc cần đề cao trách nhiệm, cùng nhau củng cố lòng tin chiến lược, trước hết là thực hiện nghiêm chỉnh DOC, nỗ lực hơn nữa để sớm có Bộ quy tắc ứng xử (COC) phù hợp luật pháp quốc tế, nhất là Công ước LHQ về Luật Biển 1982 (UNCLOS). ASEAN và các nước đối tác có thể cùng nhau xây dựng một cơ chế khả thi để bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải trong khu vực, qua đó đóng góp vào xây dựng hòa bình, ổn định, hợp tác phát triển ở khu vực và trên thế giới.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, Việt Nam kiên định nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa; là bạn, là đối tác tin cậy của tất cả các quốc gia và là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Việt Nam không ngừng nỗ lực làm sâu sắc thêm quan hệ và xây dựng quan hệ đối tác chiến lược, đối tác hợp tác cùng có lợi với các quốc gia, mong muốn thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với tất cả các nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ, một khi nguyên tắc tôn trọng độc lập chủ quyền, không can thiệp nội bộ và hợp tác bình đẳng cùng có lợi được cam kết và nghiêm túc thực hiện; khẳng định chính sách quốc phòng của Việt Nam là hòa bình và tự vệ; Việt Nam không liên minh với nước này để chống lại nước khác. Nhân dịp này, Thủ tướng cũng thông báo Việt Nam đã quyết định tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ, trước mắt là trong các lĩnh vực công binh, quân y, quan sát viên quân sự.
Sau phát biểu đề dẫn, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã trả lời nhiều câu hỏi của các đại biểu tham dự Ðối thoại.
* Nhân dịp tham dự Ðối thoại Shangri – La lần thứ 12, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đến chào xã giao Tổng thống Xin-ga-po Tô-ni Tan và hội kiến Thủ tướng Lý Hiển Long tại Cung Ít-xa-na, nơi tiếp khách chính thức của Nhà nước và Chính phủ Xin-ga-po.
Tổng thống Tô-ni Tan nhiệt liệt chào mừng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm Xin-ga-po và có bài phát biểu khai mạc quan trọng tại Ðối thoại Shangri – La lần thứ 12; khẳng định Xin-ga-po luôn coi trọng và đánh giá cao vai trò và vị trí của Việt Nam tại khu vực. Tổng thống Tô-ni Tan nhắc lại những ấn tượng tốt đẹp trong chuyến thăm chính thức Việt Nam tháng 4-2012 và chân thành chúc nhân dân Việt Nam giành được nhiều thành tựu to lớn hơn nữa trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
Về phần mình, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ vui mừng trở lại thăm đất nước Xin-ga-po tươi đẹp và ngày càng phát triển hiện đại. Thủ tướng đã chuyển tới Ngài Tổng thống lời thăm hỏi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, cùng lời mời Tổng thống và Phu nhân trở lại thăm Việt Nam vào dịp thích hợp.
Hai bên chia sẻ vui mừng về sự phát triển tốt đẹp của quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Xin-ga-po thời gian qua, nhất là việc hai nước đang tổ chức nhiều hoạt động thiết thực kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1973-2013), cũng như hướng tới thiết lập quan hệ đối tác chiến lược. Hai bên cũng khẳng định, Việt Nam và Xin-ga-po tiếp tục tăng cường hợp tác trong khuôn khổ của các diễn đàn khu vực và quốc tế, vì lợi ích của nhân dân mỗi nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.
Tại buổi hội kiến Thủ tướng Xin-ga-po Lý Hiển Long, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cảm ơn Thủ tướng Xin-ga-po và Ban tổ chức Ðối thoại Shangri-La lần thứ 12 đã mời Thủ tướng là khách mời chính tham dự Ðối thoại; đánh giá cao ý nghĩa của việc tổ chức Ðối thoại và cho đây là cơ hội tốt để Việt Nam chia sẻ quan điểm về các vấn đề an ninh khu vực và quốc tế.
Hai Thủ tướng bày tỏ hài lòng về những bước phát triển mạnh mẽ, năng động và hiệu quả của quan hệ hợp tác toàn diện giữa hai nước trong thời gian qua, đánh giá cao việc Xin-ga-po luôn duy trì là nhà đầu tư lớn và đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam trong bối cảnh kinh tế thế giới và khu vực gặp nhiều khó khăn. Thương mại song phương tăng đều mỗi năm, đạt kim ngạch 9,6 tỷ USD năm 2012. Xin-ga-po đang đầu tư 1.173 dự án vào Việt Nam với tổng vốn đăng ký 27 tỷ USD và biểu hiện sinh động là sự thành công của các khu công nghiệp Việt Nam – Xin-ga-po (VSIP) đang được mở rộng ra miền bắc và miền trung của Việt Nam.
Hai Thủ tướng khẳng định, sẽ thúc đẩy hợp tác hơn nữa trong các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, văn hóa, giáo dục, xây dựng, du lịch…, đồng thời đánh giá cao các bộ, ngành hai bên đã cơ bản hoàn tất nội dung Tuyên bố chung về việc thiết lập quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước để ký kết trong chuyến thăm chính thức Việt Nam sắp tới của Thủ tướng Xin-ga-po trong năm nay. Hai bên cũng nhất trí tiếp tục phối hợp trong quá trình đàm phán Hiệp định Ðối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Hai Thủ tướng cũng trao đổi về một số vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, cho rằng, ASEAN cần nỗ lực duy trì đoàn kết nội khối, có quyết tâm chính trị cao nhằm xây dựng Cộng đồng ASEAN 2015 và phát huy vai trò trung tâm của ASEAN.
Trao đổi về thông điệp của Việt Nam tại Ðối thoại Shangri-La lần thứ 12, trên tinh thần tin cậy, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chia sẻ nội dung chính phát biểu tại Ðối thoại với thông điệp nhấn mạnh yêu cầu các nước tôn trọng luật pháp quốc tế và cùng nhau xây dựng lòng tin chiến lược, mà trên hết là dựa trên cơ sở thành tâm và chân thành, vì hòa bình, thịnh vượng của khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Cả Tổng thống, Thủ tướng Xin-ga-po đều đánh giá cao và đồng tình với quan điểm nêu trên của Việt Nam, cho đây là chủ đề quan trọng, phù hợp và cần thiết đối với tình hình chung hiện nay ở khu vực và thiết thực đóng góp cho một châu Á – Thái Bình Dương hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển.
Về vấn đề Biển Ðông, Tổng thống và Thủ tướng Xin-ga-po nhất trí về tầm quan trọng của việc bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Ðông, các bên cần phải thực hiện kiềm chế và giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, tôn trọng luật pháp quốc tế và Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982, thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Ðông (DOC) và Nguyên tắc sáu điểm của ASEAN về vấn đề Biển Ðông, sớm xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Ðông (COC).
* Kết thúc buổi hội kiến, hai Thủ tướng cùng chứng kiến lễ trao giấy phép bổ sung cho dự án Nhà máy nhiệt điện Dung Quất của tỉnh Quảng Ngãi, có tổng vốn đầu tư khoảng hai tỷ USD, cho Tập đoàn Sembcorp của
Xin-ga-po. Dự án có công suất 1.200 MW được xây dựng trong Khu kinh tế Dung Quất và đây là dự án thứ 2 Sembcorp đầu tư trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.
* Theo TTXVN, ngay sau khi kết thúc bài phát biểu đề dẫn tại lễ khai mạc Ðối thoại Shangri-La lần thứ 12, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã trả lời các câu hỏi của các đại biểu tham dự Ðối thoại về các vấn đề như tầm quan trọng của tuân thủ luật pháp quốc tế, bảo đảm an toàn và an ninh hàng hải ở Biển Ðông. Thủ tướng nêu rõ: Hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển, thịnh vượng cũng như an ninh, an toàn, tự do hàng hải là lợi ích, là mong muốn, là mục tiêu chung của khu vực và thế giới. Những nhân tố đe dọa tới hòa bình, ổn định và an ninh, an toàn, tự do hàng hải tôi đã đề cập trong bài phát biểu của mình. Ðể thực hiện được mong muốn và mục tiêu chung mà tôi đã nêu ở trên, thì trước hết các bên liên quan cần thực hiện nghiêm túc DOC, nỗ lực tiến tới COC, phù hợp luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước LHQ về Luật Biển 1982. Chỉ có như vậy, chúng ta mới có thể cùng nhau thực hiện được mục tiêu và mong muốn chung là hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển, thịnh vượng cũng như an ninh, an toàn, tự do hàng hải trong khu vực.
Trả lời câu hỏi về đánh giá của Việt Nam về lòng tin đối với Hoa Kỳ và Trung Quốc hiện nay, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết: Về vấn đề lòng tin đối với Hoa Kỳ và Trung Quốc, tôi đã đề cập trong bài phát biểu của mình. Tôi không nhắc lại, chỉ xin nhấn mạnh là Hoa Kỳ và Trung Quốc là hai cường quốc có vai trò và trách nhiệm lớn nhất đối với tương lai quan hệ của chính mình cũng như đối với hòa bình, hợp tác, phát triển, thịnh vượng chung của khu vực và thế giới. Chúng ta tin tưởng và hy vọng rằng, với tư cách là hai cường quốc của thế giới, Hoa Kỳ và Trung Quốc nhận rõ vai trò, trách nhiệm và lợi ích của mình, có chiến lược và việc làm thiết thực, phù hợp để đóng góp ngày càng nhiều vào hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển và thịnh vượng chung.
Theo Nhandan
Theo Nhandan
Ý kiến ()