Sáng 29-6 (giờ Hà Nội), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu Đoàn Việt Nam rời TP Tô-rôn-tô (Ca-na-đa), kết thúc tốt đẹp chuyến tham dự Hội nghị cấp cao Nhóm các nước phát triển và mới nổi (G-20) theo lời mời của Thủ tướng Ca-na-đa Xtê-phen Ha-pơ, Chủ tịch hội nghị.
Trong khuôn khổ hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tham dự và thảo luận sáu phiên họp với các nội dung: Đánh giá tình hình và triển vọng kinh tế thế giới; Triển khai khuôn khổ tăng trưởng mạnh mẽ, bền vững và cân bằng; Cải cách các quy định tài chính; Cải cách các thể chế tài chính quốc tế; Chống chủ nghĩa bảo hộ và thúc đẩy tự do hóa thương mại; Chuẩn bị cho Hội nghị cấp cao G-20 ở Xơ-un (Hàn Quốc) vào tháng 11 tới.
Lãnh đạo các nước và tổ chức quốc tế tham dự hội nghị đã khẳng định quyết tâm tăng cường hợp tác nhằm thúc đẩy sự phục hồi bền vững của kinh tế toàn cầu đi đôi với giải quyết các thách thức mà nhiều quốc gia đang phải đối mặt như thâm hụt tài khóa, nợ công, thất nghiệp… Hội nghị đã thông qua các biện pháp chính sách nhằm cụ thể hóa khuôn khổ tăng trưởng mạnh mẽ – bền vững và cân bằng, đồng thời nhất trí tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp cải cách quy định tài chính với mục tiêu tăng cường hiệu quả và tính minh bạch của hệ thống tài chính nhằm ngăn ngừa các cuộc khủng hoảng tài chính trong tương lai. Hội nghị đưa ra thông điệp chống chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch đang có xu hướng gia tăng sau cuộc khủng hoảng tài chính và tiếp tục các nỗ lực hợp tác quốc tế nhằm thúc đẩy và tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư, bao gồm việc sớm kết thúc Vòng đàm phán Đô-ha trong thời gian tới.
Với tư cách là Chủ tịch ASEAN, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có các bài phát biểu quan trọng được hội nghị cũng như nhiều đại biểu đánh giá cao. Trong phiên thảo luận về chủ đề Khuôn khổ tăng trưởng mạnh mẽ, bền vững và cân bằng, Thủ tướng khẳng định, các nước ASEAN đánh giá cao ý nghĩa và sự cần thiết của việc triển khai khuôn khổ nhằm thúc đẩy sự phục hồi bền vững của kinh tế thế giới, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết của việc tăng cường hợp tác quốc tế nhằm bảo đảm khuôn khổ được triển khai hiệu quả và không gây ra những tác động tiêu cực với các nước ngoài G-20, đặc biệt là các nước nghèo và đang phát triển. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề xuất thiết lập một cơ chế phối hợp chính sách chặt chẽ hơn giữa G-20 và ASEAN, coi đây là hình mẫu thử nghiệm để các nhóm nước ngoài G-20 tăng cường sự tương tác và phối hợp chính sách với G-20. Tại phiên thảo luận về chủ đề chống chủ nghĩa bảo hộ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, ASEAN ủng hộ các nước G-20 thể hiện thái độ mạnh mẽ trong việc phản đối mọi hình thức của chủ nghĩa bảo hộ thương mại và đầu tư và kêu gọi G-20 tiếp tục có các biện pháp cụ thể xóa bỏ các rào cản đối với thương mại và đầu tư trực tiếp nước ngoài nhằm tạo thuận lợi cho sự phục hồi kinh tế toàn cầu. Thủ tướng nêu sáng kiến ASEAN cùng với các khối, các tổ chức thương mại tự do và hợp tác kinh tế khác như Liên hiệp châu Âu (EU), Khu vực Mậu dịch tự do Bắc Mỹ (NAFTA), Liên minh châu Phi (AU)… cùng G-20 soạn thảo và ra một Tuyên bố chung về quyết tâm thúc đẩy vòng Đô-ha kết thúc trong vòng 12 tháng tới.
Thảo luận về cải cách các thể chế tài chính quốc tế, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, Việt Nam cũng như ASEAN hoan nghênh và đánh giá cao những sáng kiến và nỗ lực cải cách các thể chế tài chính quốc tế trong thời gian qua nhằm nâng cao tính minh bạch, hiệu quả của các tổ chức này, đồng thời phản ánh được tiếng nói, vai trò của các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi. Việt Nam và ASEAN cũng đánh giá cao việc tăng cường nguồn lực cho các ngân hàng phát triển khu vực, cho phép các tổ chức này tiếp tục hỗ trợ các nước đang phát triển về vốn, kinh nghiệm và các hỗ trợ kỹ thuật khác nhằm tạo sự chủ động trong ứng phó những bất ổn của kinh tế vĩ mô trong khu vực. Để tăng cường hơn nữa vai trò của các thể chế tài chính quốc tế trong nền kinh tế toàn cầu, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị IMF, WB và các thể chế tài chính khu vực cần tăng cường hỗ trợ các nước đang phát triển trong việc thực hiện các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ. Các thể chế tài chính quốc tế, đặc biệt là WB cần ưu tiên các sáng kiến hỗ trợ đối phó biến đổi khí hậu, tăng cường vai trò điều phối các nguồn tài chính để thực hiện các biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu. Với IMF, cần hoàn thiện các công cụ cho vay phù hợp hoàn cảnh và điều kiện của các nước chậm và đang phát triển, đặc biệt trong việc ứng phó tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu.
Bên lề hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có các cuộc gặp và tiếp xúc với Trưởng đoàn các nước Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Ô-xtrây-li-a, In-đô-nê-xi-a, Hà Lan, Tây Ban Nha, I-ta-li-a, A-rập Xê-út, Ê-ti-ô-pi-a, Ma-la-uy, Tổng Thư ký LHQ, Chủ tịch WB, Tổng Giám đốc WTO…, trao đổi về quan hệ song phương và nội dung của Hội nghị cấp cao G-20. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã có các cuộc gặp thân mật với đại diện cộng đồng người Việt tại Ca-na-đa, tiếp Nhóm nghị sĩ hữu nghị Ca-na-đa – Việt Nam và Hội hữu nghị Ca-na-đa – Việt Nam, đồng thời tiếp xúc với một số doanh nghiệp lớn của Ca-na-đa quan tâm kinh doanh đầu tư tại Việt Nam.
Ý kiến ()