Sau khi thăm làm việc với LHQ, Tổ chức Thương mại thế giới, Tổ chức Lao động quốc tế, Tổ chức Di cư quốc tế và Tổ chức Y tế thế giới tại Giơ-ne-vơ, ngày 28-1, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bắt đầu các hoạt động tại Hội nghị thường niên Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) 2010 tại Đa-vốt (Thụy Sĩ). Tại đây, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có cuộc hội kiến Tổng thống LB Thụy Sĩ Đo-ri Lơ-ta.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Tổng thống Thụy Sĩ Đo-ri Lơ-ta bày tỏ vui mừng trước mối quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Thụy Sĩ đang phát triển tích cực. Hai bên nhận thấy việc thường xuyên trao đổi Đoàn cấp cao giữa hai nước đã tạo động lực tăng cường hợp tác song phương trên các lĩnh vực, nhất là hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư. Ngay cả trong bối cảnh khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, kim ngạch thương mại Việt Nam – Thụy Sĩ năm 2009 vẫn đạt xấp xỉ ba tỷ USD, tăng 20% so năm 2008; đầu tư trực tiếp của Thụy Sĩ tại Việt Nam đạt khoảng một tỷ 400 triệu USD. Trên cơ sở tiềm năng và cơ hội hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai nước còn rất lớn, Tổng thống Đo-ri Lơ-ta bày tỏ sự ủng hộ và sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hai nước tăng cường hợp tác đầu tư, kinh doanh cùng có lợi, nhất là khuyến khích doanh nghiệp Thụy Sĩ sang đầu tư, làm ăn tại Việt Nam. Tổng thống Đo-ri Lơ-ta khẳng định, Thụy Sĩ coi Việt Nam là đối tác quan trọng ở khu vực Đông – Nam Á và tiếp tục đưa Việt Nam vào danh sách các nước được ưu tiên nhận viện trợ phát triển (ODA) hằng năm… Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, Việt Nam coi trọng và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Thụy Sĩ đầu tư, kinh doanh ổn định, lâu dài tại Việt Nam, nhất là trong các lĩnh vực thế mạnh như du lịch, tài chính – ngân hàng, công nghệ. Thủ tướng đề nghị Thụy Sĩ sớm công nhận Việt Nam là nước có nền kinh tế thị trường, tạo điều kiện để Việt Nam tham gia hiệu quả vào hệ thống thương mại đa phương và mở rộng một cách bền vững quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư với Thụy Sĩ. Đánh giá cao Thụy Sĩ cam kết viện trợ hơn 21 triệu USD vốn ODA cho Việt Nam trong năm 2010, Thủ tướng khẳng định, Việt Nam sẽ sử dụng hiệu quả nguồn vốn này vào những lĩnh vực ưu tiên như xóa đói, giảm nghèo, y tế cơ sở, phát triển nông thôn và môi trường. Thủ tướng mong Chính phủ Thụy Sĩ tiếp tục duy trì ODA cho Việt Nam trong những năm tới hướng vào một số lĩnh vực hỗ trợ mới như xây dựng thể chế, đào tạo nguồn lực chất lượng cao và ứng phó với biến đổi khí hậu…
* Ngày 28-1, tại Trung tâm Hội nghị Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) diễn ra tại Đa-vốt (Thụy Sĩ), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có cuộc đối thoại với hơn 20 chủ tịch, tổng giám đốc các tập đoàn hàng đầu thế giới về lĩnh vực ngân hàng, tài chính, bất động sản, năng lượng, xây dựng, viễn thông, y tế… Đây là lần thứ hai tại Đa-vốt, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có cuộc đối thoại thẳng thắn, cởi mở với cộng đồng doanh nghiệp hàng đầu trên thế giới. Điều này thể hiện sự quan tâm của giới doanh nghiệp quốc tế đối với Việt Nam, quốc gia đã có bước tiến ngoạn mục vượt qua cuộc khủng hoảng tài chính kinh tế toàn cầu.
Phát biểu ý kiến tại cuộc đối thoại, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ những số liệu thống kê và các yếu tố minh chứng rằng Việt Nam vẫn là địa điểm hấp dẫn cho làn sóng đầu tư giai đoạn hậu khủng hoảng. Năm 2009, Việt Nam vẫn đạt tăng trưởng tổng sản lượng nội địa (GDP) cao so với khu vực và thế giới. Bất chấp những khó khăn do khủng hoảng tài chính toàn cầu, nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (ODA) vào Việt Nam trong năm 2009 vẫn đạt hơn 21 tỷ USD. Cộng đồng quốc tế tiếp tục dành cho Việt Nam nguồn vốn ODA kỷ lục hơn tám tỷ USD trong tài khóa 2010. Dù trong giai đoạn khó khăn, Việt Nam vẫn kiên trì thúc đẩy mạnh mẽ cải cách hành chính nhằm tạo môi trường thông thoáng hơn cho phát triển kinh tế; đẩy mạnh đầu tư và nâng cao hiệu quả của các dự án đầu tư về hạ tầng cơ sở, phát triển nguồn nhân lực, phát triển khoa học công nghệ. Thủ tướng nhấn mạnh: Việt Nam nhìn nhận cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu như một cơ hội để đưa nền kinh tế có những bước chuyển mạnh mẽ chứ không chỉ là thách thức.
Nêu bật những chính sách ưu tiên phát triển kinh tế của Việt Nam trong năm 2010 và những biện pháp bảo đảm tăng trưởng dài hạn, Thủ tướng khẳng định: Sự lớn mạnh của mọi nền kinh tế đều không tách khỏi thành công của từng doanh nghiệp. Các doanh nghiệp, nhà đầu tư khi tham gia thị trường Việt Nam đều được coi là một bộ phận của nền kinh tế Việt Nam. Trên tinh thần này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã lắng nghe và trả lời thẳng thắn nhiều câu hỏi của các tập đoàn kinh tế trên thế giới quan tâm đến giải pháp, kinh nghiệm ứng phó khủng hoảng; tăng cường quy định và quản lý tài chính toàn cầu chặt chẽ hơn; các biện pháp gia tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế và đối phó tình trạng sụt giảm thương mại toàn cầu; các ngành, lĩnh vực ưu tiên phát triển và các chính sách thu hút đầu tư nước ngoài; định hướng phát triển hệ thống ngân hàng; chiến lược phát triển năng lượng cũng như quan điểm và biện pháp của Việt Nam về cải cách hành chính và phòng, chống tham nhũng…
* Bên lề Hội nghị thường niên WEF 2010, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có các cuộc tiếp chủ tịch, tổng giám đốc các tập đoàn hàng đầu của thế giới như: Ngân hàng Đầu tư toàn cầu Credit Suisse (Thụy Sĩ), Tập đoàn Hanwha (Hàn Quốc), Microsoft (Hoa Kỳ), Siemens (CHLB Đức)…
* Ngày 28-1, tiếp tục chương trình tham dự Hội nghị hằng năm Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) năm 2010 đang diễn ra tại Đa-vốt (Thụy Sĩ), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tham dự phiên thảo luận với chủ đề “Tái thiết tăng trưởng kinh tế dài hạn”. Tham dự phiên thảo luận có các diễn giả là những nhà lãnh đạo, giáo sư kinh tế, các tổ chức quốc tế, các tập đoàn đa quốc gia…
Phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ: Các nền kinh tế mới nổi nhất là ở khu vực châu Á có điều kiện thuận lợi hơn trong việc giảm bớt những tác động tiêu cực và ít nhiều duy trì được tăng trưởng với tốc độ tương đối khả quan. Thủ tướng nhấn mạnh, khả năng dự báo đóng vai trò rất quan trọng trong hoạch định chính sách và bảo đảm tăng trưởng dài hạn. Chính vì vậy cần xây dựng năng lực đánh giá, dự báo tình hình để đề ra các giải pháp thích hợp gắn với điều hành thực hiện các quyết sách quyết liệt và linh hoạt. Bên cạnh đó, việc thường xuyên rà soát, cập nhật các đánh giá và phân tích để điều chỉnh chính sách kịp thời là hết sức cần thiết. Một vấn đề khác không kém phần quan trọng được Thủ tướng nhấn mạnh tại phiên thảo luận là cần tạo sự đồng thuận xã hội cao mới có thể huy động mọi nguồn lực cũng như thực hiện các chính sách đề ra. Từ kinh nghiệm đối phó khủng hoảng của Việt Nam, Thủ tướng cho rằng, cùng với việc tập trung các giải pháp nhằm ổn định cân đối vĩ mô, xử lý các thách thức ngắn hạn, cần đồng thời chú trọng những chính sách bảo đảm tăng trưởng và phát triển trong dài hạn như đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực. Đối với một nước ở gần ngưỡng thu nhập trung bình như Việt Nam, một trong những vấn đề cốt lõi bảo đảm duy trì đà tăng trưởng cao và bền vững, mở ra triển vọng trở thành một nền kinh tế phát triển là chất lượng tăng trưởng. Tăng trưởng kinh tế cao liên tục, nhưng phải coi trọng ổn định vĩ mô, chất lượng tăng trưởng và hướng tới phát triển bền vững. Điều này gắn với tạo dựng và nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia, của các doanh nghiệp và sản phẩm Việt Nam.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, Việt Nam đang tập trung nỗ lực thực hiện một số định hướng chính sách ưu tiên, đó là triển khai quyết liệt các biện pháp có tính đột phá về xây dựng thể chế kinh tế thị trường, đặc biệt đột phá về cải cách doanh nghiệp nhà nước, cải cách hành chính, xây dựng bộ máy quản lý hiệu quả. Tiếp tục tái cơ cấu kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh thông qua đẩy nhanh phát triển cơ sở hạ tầng, ưu tiên các ngành, các lĩnh vực sử dụng công nghệ và có giá trị tăng cao gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, đồng thời tăng cường đầu tư cho phát triển nguồn nhân lực và khoa học công nghệ để từng bước đưa Việt Nam vào quỹ đạo phát triển dựa chủ yếu vào nguồn nhân lực chất lượng cao.
Tối 28-1, theo giờ địa phương, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự phiên họp toàn thể tại Diễn đàn Kinh tế thế giới năm 2010 với chủ đề “Tái định hình nền quản trị toàn cầu”. Với tư cách là Chủ tịch ASEAN, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có Bài phát biểu quan trọng tại phiên thảo luận này.
Ý kiến ()