Hội nghị cũng tiến hành sơ kết ba năm thực hiện Phong trào thi đua 'Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực' tổng kết năm học 2010-2011, triển khai nhiệm vụ năm học 2011-2012.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân chủ trì Hội nghị.
Báo cáo của Bộ GD và ĐT và thảo luận của các đại biểu tại Hội nghị khẳng định: Cuộc vận động 'Hai không' và Phong trào thi đua 'Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực' gắn với đổi mới công tác quản lý giáo dục là những giải pháp tích cực của ngành giáo dục được đề ra đúng thời điểm, đã nhận được sự đồng thuận và quan tâm của toàn dân, của các cấp, các ngành, đoàn thể từ Trung ương đến địa phương. Trật tự, kỷ cương trong thi cử, hoạt động giám sát, kiểm tra, thanh tra được tăng cường, những tiêu cực trong dạy và học đã cơ bản được ngăn chặn. Kết quả các kỳ thi đã thực chất hơn. Công tác thi đua khen thưởng đã có nhiều đổi mới gắn với triển khai thực hiện chuẩn đánh giá giáo viên, cán bộ quản lý, bảo đảm tính khách quan, công bằng, góp phần làm cho các phong trào thi đua đi vào thực chất và có ý nghĩa hơn.
Các tham luận của đại biểu tại Hội nghị đã chỉ ra những hạn chế và kiến nghị nhiều giải pháp để thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 33 của Thủ tướng Chính phủ và phong trào thi đua của ngành.
Phát biểu ý kiến chỉ đạo Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng biểu dương đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, các thầy cô giáo và các em học sinh đã tích cực thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, các cuộc vận động và các phong trào thi đua của ngành; đồng thời đánh giá cao sự phối hợp có hiệu quả của các cấp, các ngành từ Trung ương tới địa phương trong lĩnh vực công tác rất quan trọng này.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ rõ những vấn đề mà ngành giáo dục cần quan tâm trong thời gian tới, đó là nhận thức và ý thức trách nhiệm của một bộ phận cán bộ quản lý và giáo viên về yêu cầu thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng, thực hiện các cuộc vận động và các phong trào thi đua của ngành còn hạn chế. Việc triển khai thực hiện đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, đổi mới nội dung và phương pháp dạy học còn nhiều bất cập, nhất là ở vùng có điều kiện khó khăn…. Bệnh tiêu cực và bệnh thành tích trong giáo dục vẫn chưa được khắc phục triệt để. Tình trạng trường học chưa thân thiện, học sinh chưa tích cực vẫn còn tồn tại ở nhiều nơi.
Để thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, Thủ tướng yêu cầu ngành giáo dục phải tập trung sức phát huy những kết quả đạt được, gắn việc thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về chống tiêu cực và khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục với đẩy mạnh thực hiện 'Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh', đẩy mạnh Phong trào thi đua 'Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực'. Coi đây là hoạt động thường xuyên trong mỗi nhà trường, mỗi cơ sở giáo dục.
Trước mắt, Thủ tướng chỉ đạo ngành giáo dục cần khẩn trương xây dựng và triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo; hoàn chỉnh việc xây dựng và tổ chức thực hiện Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2011 – 2020 nhằm đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XI của Đảng. Đồng thời, tiếp tục đổi mới quản lý giáo dục, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, là khâu đột phá để nâng cao chất lượng giáo dục…
Thủ tướng đề nghị ngành tiếp tục chăm lo xây dựng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục cả về số lượng và chất lượng gắn với đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động 'Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo'. Cần làm tốt công tác quy hoạch đào tạo nguồn nhân lực của ngành giáo dục và tiếp tục đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp dạy và học, triển khai có kết quả Đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi…
Thủ tướng đề nghị phải quan tâm tới chất lượng giáo dục. Nhiệm vụ đặt ra đối với công tác giáo dục và đào tạo nước ta còn rất nặng nề, để phát triển nhanh nguồn nhân lực chất lượng cao, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, cần triển khai đồng bộ các giải pháp. Thủ tướng lưu ý, phải quán triệt sâu rộng, nâng cao nhận thức để đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý toàn hệ thống chính trị, toàn xã hội và từng người dân thấy được ý nghĩa và vai trò to lớn của công tác giáo dục đào tạo.
Thủ tướng yêu cầu, những việc cần làm ngay trong thời gian tới là: Rà soát các thể chế, quy chế, quy định về giáo dục đào tạo để sửa đổi, hoàn chỉnh và ban hành theo hướng huy động mọi sự sáng tạo cho giáo dục; tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra, chăm lo xây dựng trường lớp. Quản lý giáo dục đại học cần phải được Bộ GD và ĐT, chính quyền các địa phương quan tâm nhiều hơn nữa, xây dựng, ban hành kịp thời các văn bản pháp lý để quản lý đầy đủ mọi quá trình hoạt động của các trường đại học. Bảo đảm công bằng cho giáo dục, thời gian tới cần chú ý nhiều hơn tới công tác giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số, chăm lo phát triển hệ thống trường bán trú dân nuôi, tạo cơ hội học tập cho trẻ vùng nông thôn, dù khó khăn đến đâu Chính phủ cũng cam kết sẽ bảo đảm đủ nguồn vốn tín dụng cho sinh viên.
* Chiều cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Đồng Tháp về thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, nhất là việc thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về các giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội.
Báo cáo Thủ tướng và Đoàn công tác của Chính phủ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Tôn Hoàng cho biết: Sáu tháng đầu năm 2011, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt gần 13%, sản lượng lúa ước đạt 2,3 triệu tấn, nuôi trồng thủy sản đạt 180 nghìn tấn, giá trị sản xuất công nghiệp tăng 33,02%, kim ngạch xuất khẩu tăng 55,4%… Thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ, Đồng Tháp đã rà soát để điều chỉnh, đình hoãn, giãn tiến độ 152 dự án với số vốn gần 130 tỷ đồng, đồng thời tiết kiệm hơn 47 tỷ đồng chi thường xuyên…
Kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao nỗ lực phấn đấu của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Đồng Tháp đạt được nhiều thành tựu trên các lĩnh vực, nhất là trên lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, nuôi trồng thủy sản…; thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ, góp phần vào thành công chung của cả nước. Thủ tướng đề nghị lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp tiếp tục tập trung chỉ đạo triển khai quyết liệt các nhóm giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội đã đề ra trong Nghị quyết số 02/NQ-CP và số 11/NQ-CP của Chính phủ. Trước hết tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh sản xuất để duy trì tăng trưởng hợp lý, hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu; đồng thời, bảo đảm tiến độ giải ngân các nguồn vốn, đầu tư một cách hợp lý, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm… Kiểm soát chặt chẽ giá cả hàng hóa, nhất là những mặt hàng thiết yếu.
Thủ tướng nhấn mạnh: Đồng Tháp cần phát huy các lợi thế tự nhiên (vị trí địa lý, tài nguyên đất, nước ngọt…) để phát triển nông nghiệp, sản xuất các sản phẩm nông nghiệp sạch có giá trị gia tăng cao, phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu (gạo và thủy sản); từ đó, rà soát lại quy hoạch, áp dụng khoa học – kỹ thuật, những kinh nghiệm hay vào sản xuất nông nghiệp, thực hiện tốt Nghị quyết T.Ư 7 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Thủ tướng lưu ý lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp quan tâm chăm lo phát triển nguồn nhân lực, đẩy mạnh đào tạo chuyên nghiệp, đa dạng hóa các hình thức dạy nghề; coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên, là một trong những khâu đột phá trong phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Tại buổi làm việc, Thủ tướng cho ý kiến liên quan các kiến nghị của tỉnh về đầu tư Bệnh viện đa khoa Đồng Tháp 700 giường, đầu tư tuyến đường 852, dự án nhà ở sinh viên…
Trong dịp về thăm làm việc tại Đồng Tháp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cùng Đoàn công tác của Chính phủ đã đến dâng hương tại Khu di tích cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Ý kiến ()