Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự Diễn đàn đối tác phát triển Việt Nam VDPF 2015
Hôm (5/12) tại Hà Nội đã diễn ra Diễn đàn đối tác phát triển Việt Nam VDPF 2015 với chủ đề “Hướng tới cạnh tranh, tăng trưởng toàn diện và bền vững”. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã tới dự và phát biểu tại diễn đàn.
Tham dự diễn đàn có lãnh đạo các bộ, ngành; đại sứ quán tại Việt Nam; trưởng đại diện các cơ quan, tổ chức, đối tác phát triển. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh; Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Victoria Kwakwa đồng chủ trì diễn đàn.
Phát biểu khai mạc diễn đàn, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh đã khái quát kết quả thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2011 – 2015. Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, 5 năm qua, hầu hết các mục tiêu đặt ra trong Nghị quyết 11/NQCP ngày 24/2/2011 đều đã đạt được. Kinh tế vĩ mô cơ bản đã ổn định. CPI năm 2011 từ 18,13% giảm xuống 1,84% năm 2014 và dưới 1% năm 2015. Tỷ giá hối đoái ổn định, giá trị và niềm tin vào đồng Việt Nam tăng lên, lãi suất ngân hàng giảm mạnh, dự trữ ngoại hối tăng cao, các cân đối lớn của nền kinh tế được đảm bảo. Các mục tiêu sản xuất, kinh doanh luôn được đảm bảo. Tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn dưới 5%, các Mục tiêu thiên niên kỷ đều về đích sớm, đời sống của nhân dân tiếp tục được cải thiện. Tăng trưởng kinh tế từng bước được phục hồi một cách vững chắc. Sau 3 năm tốc độ tăng trưởng không đạt kế hoạch, thì từ năm 2014, 2015 đã vượt mục tiêu đề ra (năm 2015 ước đạt 6,55%), bình quân 5 năm đạt 5,88%.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đến dự và phát biểu tại Diễn đàn Đối tác Phát triển Việt Nam 2015 với chủ đề “Hướng tới cạnh tranh,
tăng trưởng toàn diện và bền vững”.Trong ảnh: Quang cảnh diễn đàn. Ảnh: Dương Giang – TTXVN
Tuy vậy, kinh tế – xã hội 5 năm qua vẫn còn những hạn chế nhất định, như chất lượng tăng trưởng thấp, tăng trưởng dựa vào vốn và lao động còn lớn. Năng suất lao động có tăng nhưng còn thấp, đây là vấn đề lớn của kinh tế Việt Nam trong nền kinh tế hội nhập, cạnh tranh. Tái cơ cấu nền kinh tế, 3 đột phá chiến lược mới đạt được kết quả bước đầu, còn rất nhiều việc phải thực hiện như cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước còn hạn chế, tỷ lệ nợ xấu trong hệ thống tín dụng mặc dù đã giảm nhưng vẫn ở mức rủi ro.
Do đó, theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, Việt Nam mong muốn nhận được ý kiến đóng góp, nhận xét từ các đối tác phát triển về kết quả thực hiện các mục tiêu Kế hoạch Phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2011 – 2015 và những giải pháp đột phá mang tính chiến lược trong thời gian tới cho Kế hoạch 5 năm 2016 – 2020. Những ý kiến của cộng đồng quốc tế phù hợp sẽ được tiếp thu, nghiên cứu cập nhật, bổ sung vào các văn kiện của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và Kế hoạch Phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2016 – 2020 sẽ trình Quốc hội vào tháng 3 năm 2016.
Đánh giá về tình hình phát triển kinh tế – xã hội 5 năm qua, bà Victoria Kwakwa cho rằng, Việt Nam đã hoàn thành 5 năm đầu tiên trong Chiến lược Phát triển kinh tế – xã hội 2011 – 2020 và đang chuẩn bị cho các quy định mang tính chiến lược và chính trị quan trọng, trong đó đề ra những định hướng ưu tiên cho nửa sau của Chiến lược cũng như vạch ra hướng phát triển cho ban lãnh đạo Đảng và Chính phủ mới nhận nhiệm vụ vào đầu năm 2016. Sau khi đánh giá khái quát những thành tựu mà Việt Nam đã đạt được trong 5 năm qua, bà Victoria Kwakwa đã đưa ra gợi ý về một số lĩnh vực cần ưu tiên trong 5 năm tới. Theo bà Victoria Kwakwa, đối với giai đoạn 5 năm tới, các định hướng cơ bản đề ra trong Chiến lược Phát triển kinh tế – xã hội vẫn còn giá trị.
Để tận dụng tối đa lợi ích mà khung phát triển toàn cầu mới và quá trình hội nhập của Việt Nam mang lại, Việt Nam cần lưu tâm hơn 4 lĩnh vực. Thứ nhất,là thách thức về năng suất lao động. Tuy kinh tế Việt Nam đã phục hồi khá tốt sau giai đoạn suy thoái toàn cầu, nhưng xu thế mức tăng năng suất lao động giảm dần là vấn đề đáng quan ngại. Mức tăng năng suất lao động của Việt Nam chưa đến 4% và đang có xu thế giảm, trong khi mức năng suất lao động tại Trung Quốc là trên 7%, tại Hàn Quốc là trên 5% vào các thời điểm các nước đó ở cùng trình độ phát triển như Việt Nam hiện nay. Do vậy điều cần làm để đối phó với tình trạng này là Việt Nam cần tạo ra một khuôn khổ cho một sân chơi bình đẳng cho mọi thành phần kinh tế, khuyến khích cạnh tranh thực chất và bảo vệ quyền sở hữu tài sản. Cần thực hiện tiếp cận đất đai và vốn dựa trên thị trường hơn nữa nhằm đảm bảo rằng nguồn lực được phân bổ cho đúng mục đích sử dụng hiệu quả nhất và tiết kiệm nhất. Thay đổi vai trò của Nhà nước, từ một nhà sản xuất sang vai trò kiến tạo và quản lý. Chính phủ cũng cần rút khỏi các lĩnh vực mà Chính phủ không cần thiết phải tham gia nhằm tạo khoảng trống cho doanh nghiệp tư nhân nhập cuộc.
Thứ hai, là môi trường trong tăng trưởng của Việt Nam. Trong 5 năm qua, mức độ phát thải khí nhà kính của Việt Nam đã tăng nhanh nhất trong khu vực. Do vậy, cần chú ý đến xu thế trong ngành năng lượng. Thuỷ điện chiếm 42% tổng công suất, nhưng tiềm năng thuỷ điện nay đã khai thác gần hết. Cần xây dựng một khung ưu đãi đầu tư vào các nguồn năng lượng tái sinh như gió, khí đốt hoặc mặt trời, thực hiện đồng thời với tăng cường tiết kiệm điện. Các đối tác phát triển sẵn sàng giúp Việt Nam về lĩnh vực này, nhưng Chính phủ cần hành động về mặt chính sách và khung thể chế.
Thứ ba, liên quan đến tình trạng nghèo và phúc lợi xã hội. Tuy đã đạt được nhiều tiến bộ, nhưng Việt Nam vẫn còn nhiều người nghèo. Do vậy, cần gấp rút đề ra một chương trình nghị sự mới giải quyết tình trạng nghèo, nhất là trong nhóm thiểu số. Chương trình xây dựng nông thôn mới và Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, nếu được thiết kế đúng đắn, cho phép phân quyền xuống đến xã và áp dụng cách tiếp cận nhất quán giữa các chương trình thì sẽ tạo chuyển biến lớn. Đồng thời, cải cách hưu trí ngày càng trở nên quan trọng khi dân số Việt Nam lại đang già hoá nhanh chóng. Do vậy, cần nhanh chóng tiến hành cải cách thì mới có thể đảm bảo công bằng, bền vững tài chính và tránh tạo ra một tầng lớp người nghèo cao tuổi.
Thứ tư,là năng lực và trách nhiệm giải trình của Chính phủ. Nền kinh tế – xã hội Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức phức tạp trong những năm tới, vì vậy đòi hỏi Nhà nước cần có năng lực và trách nhiệm giải trình cao hơn thì mới quản lý được. Cần có một bộ máy hành chính công chuyên nghiệp. Cho phép người dân phản hồi thường xuyên và thực chất trong quá trình hoạch định và theo dõi thực hiện chính sách sẽ giúp tăng cường trách nhiệm giải trình của Chính phủ.
Vấn đề đặt ra là Việt Nam sẽ lấy nguồn lực ở đâu để tài trợ cho chương trình phát triển trong 5 năm tới, khi các nguồn vốn ưu đãi đã thu hẹp dần, và Việt Nam sẽ phải dựa vào nguồn thu trong nước là chính. Trong bối cảnh tỷ lệ thu ngân sách nhà nước trên GDP đã thể hiện xu thế giảm trong 5 năm qua, từ 27% xuống còn 21%. Do vậy, Việt Nam cần tăng cường huy động nguồn thu nội địa, tiết kiệm chi tiêu sẽ là yếu tố quan trọng giúp hoàn thành các mục tiêu phát triển mà chịu rủi ro mất bền vững nợ. Ngoài ra, nguồn vốn ODA cũng cần được sử dụng hiệu quả hơn nhằm thu hút vốn vốn tư nhân.
Cộng đồng quốc tế cũng đã chia sẻ với Việt Nam về cơ hội và thách thức khi Việt Nam hội nhập sâu rộng và thực chất vào kinh tế thế giới; bối cảnh kinh tế toàn cầu và các ưu tiên cho quản lý kinh tế vĩ mô; lồng ghép Mục tiêu Phát triển bền vững của Liên hợp quốc vào Kế hoạch Phát triển kinh tế – xã hội; thể chế kinh tế thị trường hiện đại; huy động nguồn tài chính cho phát triển hạ tầng; phát triển nguồn nhân lực;…
Phát biểu tại diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao và bày tỏ cảm ơn những ý kiến thiện chí và xây dựng của các đối tác và mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế. Việt Nam luôn mong muốn là bạn và là đối tác với các đối tác phát triển cũng như các quốc gia trên thế giới. Thủ tướng khẳng định, trong suốt quá trình phát triển, Chính phủ Việt Nam sẵn sàng trao đổi với các đối tác một cách thiện chí. 5 năm qua, bằng sự nỗ lực của Việt Nam cùng với sự ủng hộ, hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, tuy nhiên, cũng còn những yếu kém, hạn chế nhất định. Bước vào 5 năm tới, bên cạnh thời cơ, Việt Nam cũng phải đối mặt với khó khăn không nhỏ. Mục tiêu phát triển của Việt Nam 5 năm tới là phát triển nhanh hơn, bền vững hơn 5 năm trước, với 4 trụ cột, đó là: tăng trưởng kinh tế cao hơn, bền vững hơn với tốc độ tăng trưởng bình quân 6,5 – 7%/năm trên nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định; phát triển văn hoá, bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội, nâng cao đời sống, an sinh xã hội; bảo vệ môi trường sống trước bối cảnh Việt Nam là một trong số ít nước bị tác động nặng nề bởi biến đổi khí hậu; bảo đảm môi trường hoà bình, ổn định an ninh trật tự, an toàn xã hội.
Trong giai đoạn 2016 – 2020, Chính phủ sẽ tiếp tục thực hiện 3 đột phá chiến lược, đó là: tiếp tục hoàn thiện thể chế, nhất là thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; phát triển giáo dục đào tạo, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; có chính sách phù hợp, huy động các nguồn lực để phát triển hệ thống hạ tầng hiện đại.
Về giải pháp phát triển trong giai đoạn 2016 – 2020, Chính phủ sẽ tập trung vào 5 nhóm giải pháp lớn, đó là: một là,tiếp tục tập trung tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm vững chắc hơn cân đối lớn của nền kinh tế; tái cơ cấu hiệu quả nền kinh tế, tập trung vào tái cơ cấu đầu tư công; tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước; tái cơ cấu hệ thống tài chính, ngân hàng; tái cơ cấu nông nghiệp và phát triển nông thôn, phát triển nông thôn mới; nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp nhà nước; nâng cao năng suất lao động; giữ bội chi ngân sách dưới 4%/năm; bảo đảm nợ công trong giới hạn an toàn; sử dụng hiệu quả đầu tư công; bảo đảm an toàn quỹ bảo hiểm xã hội.
Hai là,tiếp tục tập trung hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường hiện đại. Thực hiện đầy đủ hơn, hiệu quả hơn, tạo lập thể chế kinh tế thị trường, như thị trường đất đai, thị trường vốn, thị trường lao động, thị trường khoa học – công nghệ và các loại thị trường khác.
Ba là,chủ động hội nhập quốc tế, trọng tâm là hội nhập kinh tế quốc tế. Tiếp tục hoàn thiện thể chế, luật pháp phù hợp với cơ chế kinh tế thị trường để phát triển kinh tế Việt Nam chủ động hội nhập kinh tế quốc tế.
Bốn là,tập trung phát triển tốt hơn văn hoá, bảo đảm tốt hơn công bằng xã hội, nâng cao an sinh xã hội, nâng cao chất lượng đời sống người dân, nhất là đồng bào vùng sâu, vùng xa. Lấy lợi ích con người Việt Nam là mục tiêu của sự phát triển. Thực hiện lồng ghép các mục tiêu phát triển bền vững giai đoạn 2015 – 2030; làm chậm quá trình già hoá dân số; bảo vệ môi trường sống.
Năm là,tiếp tục nâng cao năng lực quản trị quốc gia, quản trị nền kinh tế; xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Kiện toàn, phát triển hệ thống luật pháp theo Hiến pháp 2013. Tiếp tục nâng cao hiệu quả của hệ thống hành chính; tập trung cải cách thủ tục hành chính để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()