Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự diễn đàn đầu tư toàn cầu Việt Nam và hội nghị môi trường toàn quốc
Ngày 30-9, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp Tạp chí Tiền tệ châu Âu (Euromoney) tổ chức Diễn đàn đầu tư toàn cầu Việt Nam. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự và phát biểu ý kiến. Cùng dự, có đại diện lãnh đạo các bộ, ngành T.Ư; đông đảo các nhà đầu tư, các tập đoàn kinh tế hàng đầu thế giới và khu vực. Diễn đàn là cơ hội chuyển tải thông điệp của Chính phủ Việt Nam về môi trường đầu tư kinh doanh (MTĐTKD) và thông tin cập nhật về cơ hội kinh doanh giữa lãnh đạo các tập đoàn, các DN trên thế giới.
Phát biểu ý kiến tại Diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu bật những thành tựu to lớn trên các lĩnh vực kinh tế – xã hội mà Việt Nam đạt được thời gian qua, cũng như nhấn mạnh những tiềm năng, lợi thế khi đầu tư, kinh doanh ở Việt Nam. Thủ tướng nêu rõ, Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực triển khai đồng bộ và quyết liệt nhiều biện pháp cụ thể để vượt qua thách thức và tranh thủ hiệu quả các cơ hội thuận lợi cho mục tiêu phát triển nhanh, bền vững thời gian tới.
Thủ tướng cho biết, Việt Nam đang nỗ lực hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và phát triển kết đồng bộ cấu hạ tầng; phấn đấu đạt các chỉ tiêu MTĐTKD ngang mức bình quân ASEAN-4 trong năm 2016 và nhiều khả năng năm 2015, Việt Nam cũng có thể đạt mục tiêu ngang bằng các nước ASEAN-4. Về đầu tư hạ tầng theo hình thức đối tác công-tư (PPP), Thủ tướng khẳng định, Việt Nam thực hiện chương trình cải cách đầu tư công, tạo môi trường thuận lợi cho tư nhân trong nước và quốc tế tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng với ưu tiên các dự án có công nghệ cao, có công nghiệp, dịch vụ hỗ trợ. Việt Nam đang cập nhật và sẽ sớm công bố Danh mục các dự án kêu gọi đầu tư theo hình thức PPP.
Về cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN), Thủ tướng cho biết, hiện Chính phủ Việt Nam tập trung đẩy mạnh tái cơ cấu các tập đoàn, tổng công ty lớn của Nhà nước và sẽ tiếp tục đẩy nhanh, mạnh tiến trình này. Ngày càng có nhiều DNNN sau cổ phần hóa được niêm yết trên sàn chứng khoán, là cơ hội tốt cho các đối tác nước ngoài tìm hiểu cơ hội mua bán và sáp nhập (M&A) các DNNN Việt Nam và Chính phủ Việt Nam khuyến khích các tập đoàn nước ngoài tham gia quá trình này. Về thị trường tài chính Việt Nam, Thủ tướng nhấn mạnh, với quy mô còn khiêm tốn, Việt Nam đang tiếp tục thay đổi, bổ sung những chính sách, sản phẩm dịch vụ phù hợp thông lệ và chuẩn mực quốc tế…
Thủ tướng bày tỏ tin tưởng rằng, với nỗ lực của Chính phủ nhằm phát huy tốt những tiềm năng phát triển của nền kinh tế, Việt Nam luôn hoan nghênh các DN nước ngoài đến đầu tư, kinh doanh ổn định, lâu dài tại Việt Nam. Đối với các DN EU, khi FTA Việt Nam – EU (EVFTA) được ký kết sẽ mở ra nhiều cơ hội thuận lợi cho sự hợp tác thành công.
* Ngay sau phiên khai mạc, các đại biểu tham dự Diễn đàn bước vào các phiên thảo luận với các chủ đề chính: Việt Nam – Tăng trưởng trên đà tăng tốc; Triển vọng FDI; Sự phát triển của các thị trường vốn; CPH và tư nhân hóa các DNNN; Thị trường bất động sản; Đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp; Tài trợ phát triển cơ sở hạ tầng/điện.
* Sáng cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự và phát biểu ý kiến chỉ đạo Hội nghị Môi trường toàn quốc lần thứ tư do Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) tổ chức tại Hà Nội.
5 năm qua, bên cạnh việc tiếp tục bổ sung, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường (BVMT), hệ thống tổ chức bộ máy cơ quan quản lý nhà nước về BVMT của ngành TN-MT tiếp tục được kiện toàn, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ và bổ sung đội ngũ cán bộ từ T.Ư đến cấp xã, phường. Công tác BVMT như phòng ngừa, giảm thiểu các nguồn gây ô nhiễm, tác động xấu đến môi trường; thu gom, xử lý nước thải đô thị; thu gom, tái chế, xử lý chất thải rắn (CTR) sinh hoạt; bảo vệ và phát triển rừng, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học… đã thu được kết quả đáng khích lệ.
Phát biểu ý kiến chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, bên cạnh kết quả đạt được, ngành TN-MT cần nhìn nhận và đánh giá những tồn tại, hạn chế như tình trạng suy thoái, ô nhiễm môi trường tiếp tục gia tăng tại một số địa phương; tài nguyên thiên nhiên vẫn bị khai thác quá mức, thiếu bền vững; nhiều cơ chế, chính sách trong công tác BVMT còn chồng chéo, trùng lặp, tính khả thi chưa cao; đội ngũ cán bộ quản lý môi trường còn thiếu về số lượng, yếu về chuyên môn, nghiệp vụ; chưa phát huy tốt vai trò của cộng đồng, các tổ chức xã hội trong việc giám sát thực thi pháp luật về BVMT…
Để làm tốt công tác BVMT thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu ngành TN-MT tiếp tục triển khai hiệu quả các nghị quyết của Đảng và các quy định pháp luật của Nhà nước về BVMT; hoàn thiện văn bản hướng dẫn Luật BVMT (sửa đổi); sửa đổi Luật Đa dạng sinh học và các luật liên quan; tăng cường công tác truyền thông về ý thức, trách nhiệm, tuân thủ pháp luật, sự tham gia BVMT của người dân và DN trong cộng đồng. Tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, tăng cường năng lực quản lý cho cán bộ các cấp, tăng cường các nguồn vốn đầu tư BVMT… Đồng thời, đẩy mạnh công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ trong ứng phó biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và BVMT; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, quy chuẩn về BVMT. Chủ động hợp tác, hội nhập quốc tế, tranh thủ nguồn lực cho công tác BVMT; coi trọng việc thực hiện các cam kết quốc tế…
Nhân dịp này, Thủ tướng gửi lời cảm ơn và mong muốn tiếp tục nhận được sự hợp tác, hỗ trợ hiệu quả hơn nữa của các cơ quan Liên hợp quốc, các quốc gia, các tổ chức quốc tế trong thời gian tới đối với công tác BVMT.
Theo Nhandan.org.vn
Ý kiến ()