Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Chủ động hội nhập văn hóa, vừa tiếp thụ tinh hoa văn hóa nhân loại, vừa giữ được bản sắc văn hóa dân tộc
Ngày 8-8, tại Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết T.Ư 5 (khóa VIII) về "Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc".
Ngày 8-8, tại Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết T.Ư 5 (khóa VIII) về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.
Những thách thức và xu thế phát triển văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự và phát biểu ý kiến chỉ đạo. Tham dự hội nghị có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Ðinh Thế Huynh, Bí thư T.Ư Ðảng, Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư; Nguyễn Thiện Nhân, Phó thủ tướng Chính phủ; các đồng chí Ủy viên T.Ư Ðảng: Hoàng Tuấn Anh, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Vũ Ngọc Hoàng, Phó trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo T.Ư; cùng đại diện lãnh đạo một số bộ, ban, ngành Trung ương và Hà Nội; các nhà khoa học, quản lý, chuyên gia văn hóa và các văn nghệ sĩ trong cả nước. Nguyên Tổng Bí thư Ðỗ Mười gửi lẵng hoa chúc mừng.
Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) của Ðảng ra đời cách đây 15 năm có ý nghĩa chiến lược về văn hóa, góp phần nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí văn hóa trong các cấp chính quyền, đoàn thể và các tầng lớp nhân dân, đưa các chủ trương, chính sách của Ðảng, Nhà nước về văn hóa đi vào đời sống xã hội, mang lại những tác động và chuyển biến tích cực. Báo cáo tổng kết tại hội nghị, lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đánh giá cụ thể kết quả cũng như hiệu quả thực hiện Nghị quyết trên mười lĩnh vực: Xây dựng con người Việt Nam trong giai đoạn mới; xây dựng môi trường văn hóa; phát triển sự nghiệp văn hóa-nghệ thuật; bảo tồn và phát huy giá trị của các di sản văn hóa; phát triển sự nghiệp giáo dục-đào tạo và khoa học-công nghệ; phát triển đi đôi với quản lý tốt hệ thống thông tin đại chúng; bảo tồn, phát huy và phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số; chính sách văn hóa đối với tín ngưỡng tôn giáo; mở rộng quốc tế về hợp tác văn hóa; củng cố và hoàn thiện thể chế văn hóa. Báo cáo cũng nêu lên những kinh nghiệm và bài học về lý luận, thực tiễn trong xây dựng, phát triển văn hóa gắn với kinh tế, bảo đảm cho sự phát triển bền vững.
Phát biểu ý kiến chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng biểu dương những kết quả mà Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã làm được trong 15 năm thực hiện Nghị quyết T.Ư 5 (khóa VIII) xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Thủ tướng nhấn mạnh: Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội. Ðảng và Nhà nước ta luôn quan tâm và chăm lo phát triển văn hóa, coi văn hóa là một mặt trận quan trọng trên lĩnh vực tư tưởng, góp phần to lớn vào thắng lợi của sự nghiệp cách mạng. Nghị quyết T.Ư 5 (khóa VIII) đã thể hiện tầm nhìn chiến lược và tư duy cách mạng của Ðảng ta trong thời kỳ đổi mới với việc đánh giá cao vai trò, sứ mệnh cao cả của văn hóa đối với sự phát triển kinh tế – chính trị – xã hội; sự hình thành, phát triển nhân cách trí tuệ con người trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và xây dựng, phát triển văn hóa là sự nghiệp cách mạng lâu dài của toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Ðảng. 15 năm thực hiện Nghị quyết cho thấy, nhận thức về vai trò, vị trí văn hóa trong Ðảng, trong xã hội được nâng lên rõ rệt. Chủ trương của Ðảng và tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa được lan tỏa sâu rộng trong đời sống xã hội. Nguồn lực văn hóa, mà trước hết là nguồn lực con người ngày càng được phát huy, phát triển toàn diện.
Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, Thủ tướng đã chỉ ra những hạn chế, thiếu sót trong việc thực hiện Nghị quyết T.Ư 5 (khóa VIII) thời gian qua và là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự suy giảm về đạo đức, lối sống ở một bộ phận xã hội; bệnh thành tích và hình thức trong tổ chức các hoạt động phong trào ngày càng lan rộng. Hệ thống văn bản pháp quy về văn hóa chưa thích ứng với sự năng động của nền kinh tế thị trường. Công tác quản lý nhà nước về văn hóa, nghệ thuật nhiều lúc còn lúng túng. Hoạt động trùng tu, tôn tạo, bảo tồn di sản có lúc có nơi vẫn thực hiện chưa nghiêm, gây bức xúc trong dư luận… Thủ tướng nêu rõ: Những yếu kém và sa sút này không chỉ làm suy giảm tốc độ phát triển kinh tế – xã hội, mà còn có thể làm chệch hướng phát triển, làm xấu hình ảnh của đất nước, con người, văn hóa Việt Nam. Ðó không chỉ là một nguy cơ lớn, mà còn có thể là nguy cơ của mọi nguy cơ, đặc biệt khi chúng ta mở rộng hội nhập với thế giới.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu, tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết T.Ư 5 (khóa VIII) cần đặt trong bối cảnh toàn Ðảng, toàn dân thực hiện “Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội” (bổ sung và phát triển năm 2011). Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới nhằm xây dựng môi trường văn hóa Việt Nam văn minh, hiện đại, mang đậm bản sắc, truyền thống dân tộc. Trong đó, ngành văn hóa, thể thao và du lịch phải chủ động phối hợp các ngành, các cấp nghiên cứu, có những cách làm hay, sáng tạo, thực hiện các giải pháp hiệu quả nhất để tranh thủ cơ hội, phát huy những tiềm năng, lợi thế, những mặt tích cực, đồng thời hạn chế những tác động tiêu cực, mặt trái của cơ chế thị trường đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Trong quá trình hội nhập quốc tế của nước ta ngày càng sâu rộng, toàn ngành văn hóa, thể thao và du lịch phải tích cực triển khai “Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020, tầm nhìn 2030”. Xây dựng các kế hoạch hành động phù hợp nhằm phát huy nội lực, khai thác các lợi thế, thành tựu đã đạt được và thế mạnh của công nghệ thông tin, truyền thông toàn cầu, hội nhập quốc tế để chủ động hội nhập văn hóa, vừa tiếp thụ tinh hoa văn hóa nhân loại, vừa giữ được bản sắc văn hóa dân tộc, làm giàu truyền thống văn hóa dân tộc từ tinh hoa văn hóa nhân loại, đồng thời có đóng góp tích cực vào kho tàng văn hóa nhân loại. Ngành văn hóa cần có các biện pháp và hành động thiết thực để thực hiện và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; xây dựng hệ thống chính sách, biện pháp thực thi phù hợp để khai thác và phát huy được tiềm năng kinh tế của văn hóa và tiềm năng văn hóa trong kinh tế. Trong đó chú trọng xử lý thật tốt và hiệu quả quan hệ gắn kết giữa phát triển văn hóa và phát triển du lịch bền vững, giữa bảo tồn di sản văn hóa và phát triển kinh tế-xã hội.
Thủ tướng cũng lưu ý, nhiệm vụ trọng tâm của sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa là kế thừa tinh hoa trong nhân cách văn hóa Việt Nam từ ngàn đời để xây dựng con người Việt Nam với các giá trị văn minh mới của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Trong đó, mỗi người dân, gia đình, làng xã, công sở, đơn vị, doanh nghiệp cùng nỗ lực, sáng tạo, chung tay xây dựng môi trường văn hóa quốc gia lành mạnh, văn minh và là nền tảng cho quá trình nhập thân văn hóa của mỗi người chúng ta hôm nay và các thế hệ mai sau. Toàn ngành văn hóa cần tăng cường hơn nữa vai trò và trách nhiệm quản lý nhà nước trên tất cả các lĩnh vực đời sống văn hóa xã hội, tăng cường kiểm tra, thanh tra, kịp thời ngăn chặn những biểu hiện tiêu cực. Ðồng thời tập trung thực hiện nhiệm vụ xây dựng môi trường văn hóa Việt Nam văn minh, hiện đại mang đậm bản sắc, truyền thống dân tộc với những thiết chế văn hóa mới xứng tầm thời đại, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân hiện nay và mai sau.
Sau bài phát biểu chỉ đạo của Thủ tướng, các đại biểu tham dự hội nghị tiến hành thảo luận, tiếp tục làm rõ hơn những kết quả đã làm được và những hạn chế, yếu kém trong 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII). Những ý kiến, đề xuất tại hội nghị sẽ được tập hợp và báo cáo với các cấp lãnh đạo Ðảng, Nhà nước và Chính phủ để từ đó có những chủ trương, chính sách mới cùng các giải pháp phát triển văn hóa thời gian tới.
Theo Nhandan
Ý kiến ()