Sáng 25-8, tại TP Đà Nẵng, Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN lần thứ 42 (AEM 42) đã khai mạc. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng dự và phát biểu khai mạc. Dự hội nghị có Tổng Thư ký ASEAN Xu-rin Pít-xu-văn, Bộ trưởng Kinh tế 10 nước ASEAN và các đối tác gồm Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, EU, Ấn Độ, Nga, Ô-xtrây-li-a và Niu Di-lân. Bộ trưởng Công thương Việt Nam Vũ Huy Hoàng, Chủ tịch AEM 42, chủ trì hội nghị.
Hội nghị AEM 42 với chủ đề “Cộng đồng kinh tế ASEAN: một cộng đồng vì sự phát triển năng động và bền vững”, là một trong những sự kiện quan trọng nhất của năm 2010, là dịp để các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN đánh giá toàn diện tiến triển hợp tác kinh tế trong thời gian qua và kịp thời đề ra những quyết sách trên con đường thiết lập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) vào năm 2015. Các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN vui mừng nhận thấy dấu hiệu cải thiện môi trường kinh tế toàn cầu, kinh tế thế giới được kỳ vọng sẽ tăng trưởng trên 4% trong năm 2010 và 2011, trong đó các nền kinh tế châu Á đang phát triển, đặc biệt là các nền kinh tế chủ chốt trong khu vực như ASEAN, Trung Quốc, Ấn Độ sẽ dẫn dắt quá trình tăng trưởng này. Các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN cũng sẽ tiến hành đối thoại với các nước đối tác nhằm củng cố và phát triển quan hệ hợp tác kinh tế. Các bộ trưởng cũng đã trao đổi thẳng thắn, cởi mở với đại diện giới doanh nghiệp, truyền thông nhằm đưa những kết quả của hội nhập kinh tế của khu vực đến cộng đồng doanh nghiệp và người dân ASEAN.
Phát biểu ý kiến khai mạc hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ: Năm 2010 là năm bản lề của tiến trình hướng tới mục tiêu hình thành Cộng đồng ASEAN với ba trụ cột về chính trị – an ninh, kinh tế và văn hóa – xã hội, trong đó AEC đang có những tiến triển quan trọng. Những cam kết hội nhập, các chương trình hợp tác kinh tế cốt lõi của AEC đang từng bước đi vào cuộc sống. Một thị trường chung, một không gian kinh tế thống nhất đang hình thành dựa trên sự hài hòa cao độ về các quy tắc thương mại trong nước và khả năng điều phối chính sách vĩ mô giữa các thành viên ASEAN. Việc xây dựng AEC đã thể hiện rõ nhất cam kết mạnh mẽ và nhất quán của ASEAN về các mục tiêu hội nhập kinh tế khu vực từ trước đến nay.
Theo Thủ tướng, sự trưởng thành của ASEAN trong những năm qua có sự đóng góp quan trọng về kết quả liên kết kinh tế ASEAN. Chặng đường tiến đến mục tiêu AEC đã vượt qua nhiều cột mốc đáng khích lệ. Khu vực thương mại tự do ASEAN về hàng hóa, dịch vụ và đầu tư đang hình thành một cách vững chắc. Một số chương trình hợp tác trọng điểm như Cơ chế hải quan một cửa ASEAN, Chương trình thuận lợi hóa thương mại, đầu tư và dịch vụ đã mang lại triển vọng mới về môi trường kinh doanh thông thoáng, gắn kết của ASEAN. Thêm vào đó, Kế hoạch tổng thể về Kết nối ASEAN mà Hiệp hội đang xây dựng sẽ hỗ trợ đắc lực cho các nỗ lực liên kết kinh tế ASEAN sâu rộng hơn, thông qua mục tiêu kết nối hạ tầng giao thông, viễn thông, công nghệ thông tin, thể chế và giao lưu của người dân trong ASEAN, tạo nền tảng để mở rộng kết nối ra toàn khu vực Đông Á, trong đó ASEAN là trung tâm. Trên phương diện hội nhập với nền kinh tế toàn cầu, ASEAN chúng ta đang tạo ra những mối liên kết khăng khít thông qua các khu vực thương mại tự do với các đối tác. Việc triển khai Thỏa thuận Đa phương hóa sáng kiến Chiềng Mai; thành lập Quỹ bảo lãnh tín dụng và đầu tư ASEAN sẽ góp phần ổn định tài chính, phục hồi và duy trì tăng trưởng của khu vực.
Thủ tướng cũng cho rằng: Dù ASEAN đã có những thành công quan trọng nhưng bối cảnh kinh tế thế giới và khu vực vẫn còn những nhân tố bất ổn định, khó lường, do đó, ASEAN cần có sự thống nhất cao về một hướng đi chung, được xây dựng dựa trên những nguyên tắc nhất quán, xuất phát từ lợi ích của cả cộng đồng. Trên tinh thần đó, Thủ tướng đề nghị Hội nghị lần này tập trung xem xét những vấn đề như: Tìm kiếm các giải pháp thiết thực, sáng tạo để thúc đẩy việc thực thi nghiêm túc và hiệu quả Lộ trình tổng thể thực hiện AEC vào năm 2015; Theo đuổi các chính sách phát triển cân bằng và bền vững, nhất là bảo đảm sự kết hợp hài hòa giữa mục tiêu tăng trưởng kinh tế với yêu cầu bảo đảm sự ổn định của nền tảng kinh tế vĩ mô, phát triển xã hội và ứng phó hiệu quả với những thách thức toàn cầu; Củng cố và hoàn thiện khuôn khổ hợp tác kinh tế hiện có giữa ASEAN với các đối tác nhằm thúc đẩy liên kết kinh tế, tạo cơ sở vật chất cho một cấu trúc khu vực rộng lớn hơn đang hình thành; Quan tâm đến những biện pháp cụ thể, mạnh mẽ hơn nhằm đẩy nhanh quá trình thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các quốc gia, các vùng miền trong khu vực ASEAN; Việc xây dựng AEC thành công nhất thiết phải có sự tham gia tích cực của cộng đồng, nhất là doanh nghiệp và người dân ASEAN…
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tin tưởng rằng, tại Hội nghị lần này, các Bộ trưởng Kinh tế của ASEAN và các nước đối tác sẽ cùng nhau thảo luận sâu sắc và hiệu quả hơn về các phương hướng và biện pháp thực hiện các mục tiêu hội nhập khu vực trên tinh thần cởi mở, sáng tạo, với tầm nhìn xa và quyết tâm chính trị của mỗi thành viên.
* Chiều cùng ngày, Hội nghị Hội đồng AEC lần thứ 4 (AEC 4) chính thức khai mạc dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng – Chủ tịch AEC. Cùng dự, có Tổng Thư ký ASEAN Xu-rin Pít-xu-văn và các bộ trưởng thành viên. Đây là hội nghị thường niên của ASEAN và là hội nghị thứ hai trong năm 2010 nhằm rà soát và đánh giá việc thực hiện Kế hoạch Tổng thể xây dựng AEC (AEC Blueprint), hướng tới mục tiêu thiết lập AEC vào năm 2015; đưa ASEAN trở thành một thị trường và cơ sở sản xuất thống nhất, một khu vực kinh tế năng động và có tính cạnh tranh cao, một khu vực kinh tế phát triển cân bằng và hội nhập hoàn toàn vào nền kinh tế toàn cầu.
Tại hội nghị, các nước ASEAN đã thông qua những kết quả của tiến trình xây dựng AEC thể hiện trong các lĩnh vực hợp tác chuyên ngành kể từ sau Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 16 (tháng 4-2010) với một số nội dung quan trọng như: Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN (ATIGA); Cơ chế Hải quan một cửa ASEAN (ASW); về hợp tác trên các lĩnh vực thương mại, dịch vụ, đầu tư, hợp tác tài chính, an ninh lương thực, năng lượng, giao thông – vận tải, công nghệ thông tin, du lịch. Hội nghị đánh giá, mặc dù đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, nhưng những kết quả trên vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của ASEAN, mà nguyên nhân chủ yếu là do việc chậm phê chuẩn các hiệp định đã ký và chậm nội luật hóa các cam kết khu vực. Hội nghị AEC 4 kiến nghị các nước thành viên ASEAN cần tiếp tục nỗ lực hơn nữa nhằm bảo đảm thực hiện đúng thời hạn các biện pháp của Kế hoạch Tổng thể xây dựng AEC và quan tâm tích cực hoàn thành thực thi cam kết nội khối và các cam kết giữa ASEAN với các bên đối tác.
Theo kế hoạch, các hội nghị liên quan khác tiếp tục diễn ra từ nay đến hết ngày 28-8.
Ý kiến ()