Thủ tướng Malaysia Sabri Yaakob đề xuất một số cải cách chính trị
Đề xuất cải cách chính trị của Thủ tướng Ismail Sabri Yaakob được cho là nhằm giành được sự ủng hộ từ phe đối lập và được đưa ra ngay trước thềm phiên họp quốc hội, dự kiến diễn ra vào ngày 13/9 tới.
Thủ tướng Malaysia Ismail Sabri Yaakob ngày 10/9 đã đề nghị cải cách chính trị, trong đó có việc đưa ra các quy định mới nhằm hạn chế nhiệm kỳ của thủ tướng còn 10 năm.
Động thái trên của ông Ismail được cho là nhằm giành được sự ủng hộ từ phe đối lập và được đưa ra ngay trước thềm phiên họp quốc hội, dự kiến diễn ra vào ngày 13/9 tới.
Trong một tuyên bố, ông Ismail nhấn mạnh các đề xuất trên nhằm tạo dựng bối cảnh chính trị mới. Theo ông, dư luận luôn chú ý tới chính phủ, do đó, tất cả đảng phái cần đưa ra ưu tiên hướng tới ổn định chính trị và đất nước trong cuộc chiến chống COVID-19 cũng như phục hồi kinh tế.
Một số đề xuất của ông Ismail cũng là những cải cách mà phe đối lập, nắm quyền trong thời gian ngắn từ năm 2018 đến năm 2020, đã yêu cầu trong nhiều năm.
Trong số những đề nghị của Thủ tướng Malaysia còn có yêu cầu lưỡng đảng nhất trí đối với mọi dự luật được đưa ra tại quốc hội, ý kiến đóng góp từ các đảng đối lập về hội đồng khôi phục quốc gia và hạ ngay lập tức độ tuổi tối thiểu bỏ phiếu từ 21 xuống còn 18.
Ông cũng cho biết lãnh đạo phe đối lập trong quốc hội sẽ được trả thù lao và đặc quyền như một bộ trưởng trong nội các.
Ông Ismail nhậm chức thủ tướng Malaysia vào tháng trước với đa số thấp ở nghị viện, trở thành thủ tướng thứ 3 trong những năm qua tại quốc gia Đông Nam Á có nhiều bất ổn chính trị.
Nhà vua Al-Sultan Abdullah, người đã lựa chọn ông Ismail làm thủ tướng, muốn ông đối mặt với một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm trong quốc hội để chứng minh thế đa số của mình.
Tháng trước, người tiền nhiệm của ông Ismail, ông Muhyiddin Yassin, đã đưa ra đề xuất tương tự nhưng phe đối lập đã bác bỏ, dẫn đến việc ông này phải từ chức.
Malaysia rơi vào bất ổn chính trị kể từ cuộc bầu cử thất bại năm 2018 của đảng Tổ chức Dân tộc Mã Lai thống nhất (UMNO) cầm quyền đất nước hơn 60 năm kể từ khi nước này giành độc lập, do các cáo buộc tham nhũng.
Hai chính phủ sau đó đã sụp đổ và ông Ismail đã được bổ nhiệm, khôi phục vai trò lãnh đạo chính phủ cho UMNO./.
Ý kiến ()