Thủ tướng Ma-lai-xi-a ưu tiên thúc đẩy hòa giải và phát triển kinh tế
Một ngày sau khi Liên minh Mặt trận Dân tộc (BN) cầm quyền giành thắng lợi trong cuộc tổng tuyển cử lần thứ 13 tại Ma-lai-xi-a hôm 5-5 với 133/222 ghế Hạ viện, Thủ tướng N.Ra-dắc, Chủ tịch BN, đã tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng nhiệm kỳ hai.
Một ngày sau khi Liên minh Mặt trận Dân tộc (BN) cầm quyền giành thắng lợi trong cuộc tổng tuyển cử lần thứ 13 tại Ma-lai-xi-a hôm 5-5 với 133/222 ghế Hạ viện, Thủ tướng N.Ra-dắc, Chủ tịch BN, đã tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng nhiệm kỳ hai.
Thủ tướng thứ sáu của Ma-lai-xi-a N.Ra-dắc sinh năm 1953, tại Cu-a-la Li-pít, Pa-hang – một trong ba bang lớn nhất Ma-lai-xi-a. Năm 1976, ông chính thức tham gia chính trường với việc gia nhập Hội đồng lập pháp bang Pê-can sau khi cha ông là cựu Thủ tướng R.Hu-xê-in qua đời. Năm 1978, ông được chỉ định làm Thứ trưởng Năng lượng, Viễn thông và Bưu điện và hai năm sau đó chuyển sang làm Thứ trưởng Giáo dục. Năm 1981, ở tuổi 28, ông trở thành thành viên trẻ nhất tham gia Hội đồng Tối cao đảng Dân tộc Mã lai thống nhất (UMNO – chính đảng cầm quyền lâu đời nhất kể từ khi Ma-lai-xi-a tuyên bố độc lập năm 1957). Năm 1986, ông được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Văn hóa, Thanh niên và Thể thao sau khi giành một ghế QH tại bang Pê-can. Năm 1990, làm Bộ trưởng Quốc phòng; năm 1994, làm Bộ trưởng Giáo dục; năm 2008 làm Bộ trưởng Tài chính. Năm 2003, ông được chỉ định làm Phó Thủ tướng. Năm 2009, ông trở thành Thủ tướng Chính phủ. Ngay sau khi trở thành nhà lãnh đạo đất nước, ông đưa ra học thuyết Một Ma-lai-xi-a với khẩu hiệu “Người dân là trên hết, Hành động ngay”. Ông nêu hàng loạt chương trình cải cách nhằm đưa Ma-lai-xi-a trở thành quốc gia hiện đại và tiến bộ. Trong bốn năm cầm quyền vừa qua (từ tháng 4-2009 đến tháng 4-2013), chính phủ của Thủ tướng Ra-dắc đã hiện thực hóa các cam kết, theo đó đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả hai chương trình chuyển đổi Chính phủ và Kinh tế (GTP và ETP).
Phát biểu ý kiến tại lễ tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ thứ hai, Thủ tướng Ra-dắc cảm ơn cử tri Ma-lai-xi-a đã giúp BN duy trì quyền lãnh đạo đất nước và mong muốn tất cả các đảng phái chấp nhận kết quả cuộc bầu cử. Thủ tướng Ra-dắc tuyên bố, chính phủ mới do ông đứng đầu sẽ thực hiện đầy đủ cam kết trong cương lĩnh tranh cử mang tên “Lời hứa của hy vọng”, nhằm đưa Ma-lai-xi-a phát triển ngày càng thịnh vượng và công bằng hơn. Thủ tướng cho biết, ưu tiên trước mắt của Chính phủ là tiếp tục thực hiện chương trình hòa hợp dân tộc nhằm đoàn kết toàn dân, hàn gắn chia rẽ sắc tộc và chính trị đã phát sinh trong cuộc tổng tuyển cử vừa qua, đồng thời thực thi các chính sách nhằm loại bỏ quan điểm cực đoan, phân biệt chủng tộc.
Trong cuộc tổng tuyển cử được đánh giá là gay cấn nhất trong lịch sử Ma-lai-xi-a vừa qua, liên minh cầm quyền BN giành thắng lợi trước đối thủ là Liên minh Nhân dân (PR) của cựu Phó Thủ tướng A.I-bra-him (giành được 89 ghế). BN cũng giành quyền kiểm soát bang Kê-đa thuộc quyền kiểm soát của PR từ năm 2008, nâng tổng số bang do BN kiểm soát lên 10/13 bang, trừ các bang Pê-nang, Xê-la-go và Kê-lan-tan. Theo các nhà phân tích, các thành tựu về kinh tế, xã hội đã tạo nhiều thuận lợi cho liên minh cầm quyền của Ma-lai-xi-a trong cuộc tổng tuyển cử. Thắng lợi lần này của BN chủ yếu nhờ vào sự ủng hộ tại các vùng nông thôn do người Mã lai chiếm số đông. Tuy nhiên, việc BN để kém bảy ghế QH so cuộc tổng tuyển cử năm 2008 và không đạt được mục tiêu giành đa số ghế áp đảo trong QH Liên bang mà đảng này đặt ra, cũng như không nhận được nhiều sự ủng hộ của cử tri ở các vùng đô thị đã không hoàn toàn tạo thuận lợi cho liên minh cầm quyền. Trong khi đó, với số phiếu giành được khá cao, phe đối lập đang khuếch trương thanh thế. Ðiều đó có thể gây không ít khó khăn đối với Thủ tướng Ra-dắc trong lãnh đạo liên minh cầm quyền 13 đảng thực hiện những cam kết đã đề ra.
Theo Nhandan
Ý kiến ()