Thủ tướng Iraq tiếp tục cảnh báo sự hiện diện của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ trên lãnh thổ nước này
Ngày 1/11, Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi cảnh báo Thổ Nhĩ Kỳ trước nguy cơ châm ngòi cho một cuộc đối đầu giữa hai nước láng giềng sau khi Ankara triển khai tới khu vực gần biên giới Iraq một số lượng lớn xe tăng, xe bọc thép và binh lính nhằm “đối phó với tình hình xung đột đang ngày càng leo thang ở quốc gia Trung Đông này”.
Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi.
Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã nhiều lần tuyên bố sẽ đóng “vai trò” trong cuộc chiến nhằm giải cứu Mosul (cách thủ đô Baghdad 250 dặm về phía Tây Bắc) khỏi quyền kiểm soát của lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Tuy nhiên, Iraq đã bác bỏ tuyên bố trên, đồng thời kêu gọi Ankara rút binh sỹ khỏi các khu vực đồn trú gần thành phố do IS nắm giữ.
Phát biểu trên truyền hình Iraq, ngày 1/11, ông al-Abadi tuyên bố, Iraq sẽ đẩy lùi mọi âm mưu “xâm lược” của Thổ Nhĩ Kỳ. “Chúng tôi không muốn chiến tranh và cũng không muốn đối đầu với Thổ Nhĩ Kỳ…Tuy nhiên, nếu xung đột xảy ra thì chúng tôi luôn sẵn sàng. Chúng tôi sẽ đối phó với Thổ Nhĩ Kỳ như một kẻ thù” – ông al-Abadi nói.
Tuyên bố trên được ông al-Abadi đưa ra ngay sau khi các nguồn tin quân sự Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 1/11 cho biết nước này đã triển khai xe tăng và pháo binh tới các quận nằm ở khu vực phía Đông Nam, tiếp giáp với biên giới Iraq. Cùng ngày, hãng tin Reuters và hãng thông tấn Dogan cũng xác nhận thông tin rằng, các xe tăng và xe bọc thép của Thổ Nhĩ Kỳ đã di chuyển về phía thị trấn Silopi gần biên giới Iraq.
Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Fikri Isik cho biết việc triển khai lực lượng này là một phần trong kế hoạch chuẩn bị của Ankara trước “những diễn biến quan trọng trong khu vực” và đối phó với “sự gia tăng tiềm ẩn của các mối đe dọa” đối với Thổ Nhĩ Kỳ, mà cụ thể hơn là để tham gia vào cuộc chiến chống khủng bố cũng như liên quan tới những diễn biến tại Iraq. Phát biểu trước các phương tiện truyền thông, ông Isik nói: “Chúng tôi sẽ không cho phép gia tăng các mối đe dọa đối với Thổ Nhĩ Kỳ… Ankara không có nghĩa vụ phải chờ đợi cho tới khi các lực lượng của đảng Công nhân người Kurd (PKK) – vốn bị Thổ Nhĩ Kỳ liệt vào danh sách khủng bố, chiếm đóng vùng Sinjar của Iraq vốn chỉ cách Silopi khoảng 115 km về phía Nam”.
Những diễn biến gần đây cho thấy quan hệ giữa Baghdad và Ankara đang ngày càng trở nên căng thẳng liên quan tới sự hiện diện của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tại Iraq. Theo số liệu thống kê chính thức, hiện Thổ Nhĩ Kỳ đang duy trì 25 xe tăng và 150 binh sỹ thực hiện nhiệm vụ mà Ankara tuyên bố là “cố vấn quân sự” tại trại Bashiqa gần thành phố Mosul của Iraq. Về phía ông al-Abadi đã nhiều lần bác bỏ sự hiện diện của các lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ tại Iraq, đồng thời xem đây là hành động vi phạm “không thể biện minh” nhằm vào chủ quyền tối cao của Iraq. Tuy nhiên, một số chuyên gia cũng lên tiếng cảnh báo rằng, kịch bản xung đột quân sự giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Iraq như lời khuyến cáo của ông al-Abadi – nếu trở thành hiện thực, sẽ đẩy Baghdad vào một tình huống khó khăn và bất lợi mới trong bối cảnh Iraq đang huy động lực lượng tham gia chiến dịch giải cứu Mosul được khởi động từ ngày 17/10 vừa qua./.
Theo dangcongsan
Ý kiến ()