Thủ tướng gặp mặt đại biểu Bà mẹ Việt Nam anh hùng toàn quốc
Sáng 25/7, chương trình “Gặp mặt đại biểu Bà mẹ Việt Nam anh hùng toàn quốc” diễn ra tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Hà Nội).với sự góp mặt của 300 mẹ Việt Nam anh hùng tiêu biểu.
Sáng 25/7, chương trình “Gặp mặt đại biểu Bà mẹ Việt Nam anh hùng toàn quốc” diễn ra tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Hà Nội).
Đây cũng là lần đầu tiên, một chương trình tri ân có sự góp mặt của 300 mẹ Việt Nam anh hùng tiêu biểu, đại diện cho 4.962 mẹ Việt Nam anh hùng trong cả nước…
Sự kiện quan trọng này nằm trong trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 73 năm ngày Thương binh-liệt sỹ.
Tới dự buổi gặp mặt, tôn vinh các mẹ Việt Nam anh hùng có Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc; nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai; Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Nguyễn Văn Nên; Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng; Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh và lãnh đạo các ban, bộ ngành Trung ương.
Về dự gặp mặt lần này, đa phần các mẹ đều đã cao tuổi, 4 mẹ trên 100 tuổi, mẹ cao tuổi nhất là mẹ Nguyễn Thị Đỗ ở quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng, năm nay mẹ đã 104 tuổi. Có 98 mẹ trên 90 tuổi, có 133 mẹ trên 80 tuổi, còn lại 64 mẹ dưới 80 tuổi.
11 mẹ là người dân tộc thiểu số như Dao, Mường, Thái, Vân Kiều, Châu-ro, Khmer. 7 mẹ thuộc các thành phần tôn giáo như Thiên Chúa, Bửu Sơn Kỳ Hương, Phật giáo, Cao Đài. 9 mẹ gia đình có nhiều thế hệ mẹ Việt Nam anh hùng…
Theo Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, sau 25 năm thực hiện Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng,” Nhà nước đã phong tặng, truy tặng gần 140 ngàn Bà mẹ Việt Nam anh hùng, trong đó tỉnh Quảng Nam có số lượng Bà mẹ Việt Nam anh hùng được phong tặng, truy tặng nhiều nhất với 15.261 mẹ, tiếp đó là Bến Tre với 6.905 mẹ, Quảng Ngãi với 6.802 mẹ, Hà Nội với 6.723 mẹ… Đến nay, 4.962 mẹ đang sống đều được các tổ chức, doanh nghiệp và gia đình chăm sóc, phụng dưỡng.
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ vui mừng dự buổi gặp mặt đại biểu Bà mẹ Việt Nam anh hùng toàn quốc dù tuổi đã cao sức khỏe không còn tốt nhưng các mẹ đã không quản ngại đường sá xa xôi về Hà Nội để tham dự hoạt động rất có ý nghĩa này.
Đây là dịp thể hiện những tình cảm chân thành sự quan tâm sâu sắc của Đảng của Nhà nước và đồng bào chiến sỹ cả nước đối với các mẹ Việt Nam anh hùng, những người mẹ vĩ đại đã hy sinh hiến dâng những người thân yêu ruột thịt của mình trong các cuộc kháng chiến, đóng góp to lớn vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Thủ tướng nêu rõ, sự cống hiến hy sinh của các anh hùng liệt sỹ trong kháng chiến to lớn bao nhiêu thì nỗi đau và hy sinh thầm lặng của những người mẹ ở hậu phương cũng lớn lao bấy nhiêu, như nhà thơ Tố Hữu đã viết: “Con đi trăm núi ngàn khe. Chưa bằng muôn nỗi tái tê lòng Bầm. Con đi đánh giặc 10 năm. Chưa bằng khó nhọc đời Bầm sáu mươi.”
Đến nay, chiến tranh đã lùi xa nhưng những đau thương, những mất mát lớn lao vẫn còn đọng lại trong tâm trí của mỗi người chúng ta, nhất là với các mẹ Việt Nam anh hùng, những người từng hơn “Ba lần tiễn con đi, hai lần khóc thầm lặng lẽ.”
Sự hy sinh cao cả, kiên trung của các mẹ chính là tấm gương sáng ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng cho các thế hệ mai sau, đời đời ghi ơn tri ân và biết ơn sâu sắc.
Thủ tướng bày tỏ xúc động khi được biết dù phần lớn tuổi cao sức yếu song với ý chí nghị lực phi thường, các mẹ đã vượt qua mọi khó khăn, bệnh tật để cùng sống vui sống khỏe và động viên con cháu tích cực học tập, lao động và cống hiến cho xã hội, góp phần xây dựng gia đình, quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp.
Thủ tướng cho biết, đến nay 97% số gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức trung bình của dân cư nơi cư trú. Tuy nhiên, hiện cả nước còn nhiều thương binh, bệnh binh vẫn bị những vết thương dày vò, nhiều liệt sỹ chưa tìm được hài cốt, chưa xác định được danh tính, vẫn còn những trường hợp chưa được hưởng đầy đủ chính sách ưu đãi, nhiều người có công với cách mạng, thân nhân liệt sỹ gặp khó khăn trong cuộc sống.
Trên tinh thần đó, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, các địa phương trong cả nước tiếp tục rà soát, hoàn thiện và thực hiện tốt chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, người tham gia kháng chiến, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế.
Các địa phương thực hiện phụng dưỡng, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần và sức khỏe cho các mẹ Việt Nam anh hùng ở mức tốt nhất, tuyệt đối không để các mẹ phải sống cô đơn, thiếu thốn, ốm đau không người chăm sóc hằng ngày, quan tâm hơn nữa đến những người, diện người có công khác có hoàn cảnh khó khăn.
Tiếp tục đẩy mạnh công tác tìm kiếm quy tập hài cốt liệt sỹ mở rộng và thúc đẩy hợp tác quốc tế trao đổi, cung cấp thông tin về liệt sỹ mộ liệt sỹ; tập trung đầu tư trang thiết bị, phương tiện, vật chất kỹ thuật ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tìm kiếm quy tập hài cốt liệt sỹ và công tác giám định gen xác định danh tính hài cốt liệt sỹ còn thiếu thông tin, và nhanh chóng giải quyết hồ sơ tồn đọng.
Bên cạnh đó là bố trí tăng ngân sách nhà nước với việc đẩy mạnh huy động đa dạng hóa các nguồn lực xã hội đối với công tác người có công, gắn trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền trong việc huy động quản lý, sử dụng nguồn lực thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng.
Chú trọng công tác tu bổ, tôn tạo mộ liệt sỹ, nghĩa trang liệt sỹ, các công trình ghi công liệt sỹ, hỗ trợ cải thiện nhà ở xây dựng, cải tạo, nâng cấp các cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng cho người có công cách mạng, quan tâm, chăm lo y tế, giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm, nhà ở, trước hết là đối với trường hợp còn nhiều khó khăn trong cuộc sống.
Thủ tướng cũng đề nghị nâng cao chất lượng các phong trào, các chính sách hậu phương quân đội, các chương trình tình nghĩa phù hợp với truyền thống văn hóa, đạo lý uống nước nhớ nguồn, tạo mọi điều kiện thuận lợi để thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ và người có công với cách mạng tiếp tục phát huy ý chí tự lực tự cường phát triển sản xuất, cải thiện đời sống và tham gia các hoạt động xã hội.
Đẩy mạnh các chương trình nhà tình nghĩa, đồng đội chăm sóc, tu sửa các nghĩa trang liệt sỹ…/.
Theo vietnamplus.vn
Ý kiến ()