Thủ tướng Đức vinh danh người lao động góp phần chống dịch COVID-19
Phát biểu trực tuyến ngày 1/5, Thủ tướng Merkel đánh giá cao sự góp sức của những người lao động, đặc biệt trong điều kiện khó khăn của đại dịch.
Nhân Ngày Quốc tế Lao động 1/5, Thủ tướng Đức Angela Merkel vinh danh và gửi lời cảm ơn tới những người lao động đã góp phần đảm bảo nguồn cung trong cuộc khủng hoảng dịch COVID-19, giữ cho quốc gia đầu tàu châu Âu tiếp tục phát triển.
Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, phát biểu trực tuyến ngày 1/5, Thủ tướng Merkel đánh giá cao sự góp sức của những người lao động, đặc biệt trong điều kiện khó khăn của đại dịch.
Bà Merkel nêu rõ: “Đại dịch đã một lần nữa cho thấy rõ tầm quan trọng công việc của mỗi cá nhân để có thể duy trì hoạt động về tổng thể như thường lệ.”
Thủ tướng Đức nhấn mạnh chính những người làm các công việc không thiên về bề nổi, như các nhân viên siêu thị hay những người lái xe tải, đã giúp duy trì nguồn cung thường ngày, qua đó đảm bảo sự vận hành của đất nước.
Nhà lãnh đạo Đức cũng gửi lời cảm ơn các nhân viên văn phòng, những người trong suốt nhiều tháng đại dịch hầu hết phải làm việc ở nhà và việc này đã góp phần vào giảm sự lây lan của virus.
Với những người vẫn phải đến văn phòng làm việc, Thủ tướng Merkel kêu gọi giới chủ thực hiện xét nghiệm thường xuyên cho họ nhằm đảm bảo sự an toàn, giúp phát hiện sớm người bị nhiễm bệnh để giảm nguy cơ lây lan cho người khác.
Liên quan việc này, Thủ tướng Merkel cũng bày tỏ tin tưởng cuộc chiến chống COVID-19 sẽ ngày càng được đẩy mạnh và chậm nhất từ tháng 6, mọi người đều có thể đặt lịch hẹn tiêm chủng cho bản thân.
Nhân dịp này, Thủ tướng Merkel cũng gửi lời cảm ơn tới lực lượng ở tuyến đầu chống dịch cũng như người dân đã luôn dũng cảm trong cả những thời điểm khó khăn nhất để cùng bày tỏ tình đoàn kết và sự kiên trì trong nỗ lực đẩy lùi dịch bệnh.
Bà Merkel cũng bày tỏ sự biết ơn tới các công ty và tổ chức công đoàn đã đảm bảo điều kiện làm việc và chi trả công bằng cho người lao động.
Trong khi đó, nhân ngày Quốc tế Lao động 1/5, tại Berlin đã diễn ra hơn 20 cuộc tuần hành và biểu tình với nhiều chủ đề khác nhau, từ chính sách chống dịch COVID-19, vấn đề giá cả thuê nhà, nhập cư…, cho đến kêu gọi sự công bằng trong các nhà máy.
Lực lượng chức năng đã triển khai khoảng 5.000 cảnh sát để đảm bảo an ninh trật tự của các cuộc biểu tình, đồng thời yêu cầu những người tham gia tuần hành hòa bình và giữ quy định phòng ngừa dịch bệnh.
Trước đó, ngày 30/4, khoảng 3.500 người cũng đã tụ tập biểu tình ở quận Wedding của Berlin để bày tỏ phản đối chủ nghĩa tư bản và ủng hộ việc có những thay đổi trong xã hội.
Các cuộc tuần hành và biểu tình ảnh hưởng nghiêm trọng tới giao thông đi lại ở nội đô Berlin do nhiều tuyến đường bị phong tỏa để đảm bảo cho các cuộc biểu tình đã đăng ký./.
Ý kiến ()