Thủ tướng dự Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam 2018
2 đồng chủ trì diễn đàn VBF 2018 chia sẻ thông tin tại họp báo. |
Theo chương trình, sau phần khai mạc của lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng các hiệp hội doanh nghiệp thương mại châu Âu, Hoa Kỳ, Anh Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản đều có phát biểu ý kiến.
Phiên 1 của Diễn đàn gồm báo cáo của nhóm công tác. Nhóm công tác hạ tầng đặt vấn đề thúc đẩy hợp tác công-tư. Nhóm công tác điện và năng lượng sẽ trình bày về “Cải cách hợp đồng mua bán điện trực tiếp (DPPA) và hợp đồng mua bán điện có khả năng thanh toán – xây dựng sơ đồ điện VIII mang tính khả thi”. Nhóm công tác thị trường vốn sẽ nêu vấn đề “Tài chính cho thị trường” và chủ đề của nhóm công tác ngân hàng là “Tín dụng chất lượng cao – nguồn lực quan trọng để đổi mới”.
Phiên 2 có chủ đề nâng cao kiến thức phục vụ ngành công nghiệp hiện đại. Dự kiến, nhóm công tác giáo dục nêu vấn đề “Kỹ năng mới đáp ứng yêu cầu công việc trong thời kỳ công nghiệp 4.0”. Nhóm công tác nông nghiệp trình bày “Nông nghiệp chính xác và cách thức quảng bá sản phẩm trên thị trường thế giới”. Nhóm công tác du lịch sẽ đề cập “Dịch vụ du lịch – nhà hàng – khách sạn cần những cách tiếp cận mới”.
Chủ đề phiên 3 là khắc phục những trở ngại đối với doanh nghiệp với báo cáo của nhóm công tác đầu tư và thương mại về “Tăng cường khả năng cạnh tranh và giảm gánh nặng quan liêu để tận dụng các Hiệp định Tự do Thương mại và các cơ hội thương mại khác”. Các nhóm công tác thuế và hải quan chọn vấn đề “Minh bạch về thuế và hải quan tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam phát triển”.
Chiều 3/12, đồng chủ trì diễn đàn là Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc và ông Tomaso Andreatta, Phó chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu đã có cuộc trao đổi với báo chí trước thềm diễn đàn.
Nhấn mạnh vấn đề môi trường kinh doanh, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong việc tạo lập một môi trường kinh doanh ổn định, vững chắc và khuyến khích tinh thần doanh nghiệp.
Đại diện VCCI nêu một số nội dung đáng chú ý trong báo cáo thực hiện Nghị quyết 19-2018/NQ-CP cũng như Nghị quyết 01/2018/NQ-CP, tỉ lệ điều kiện kinh doanh đã được cắt giảm không hề thấp, phần lớn đã đạt hoặc gần đạt chỉ tiêu cắt giảm đến 50% số điều kiện kinh doanh hiện hữu. Mặc dù vậy, theo khảo sát 10.000 doanh nghiệp của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, vẫn còn tới 58% doanh nghiệp phải xin các loại giấy phép kinh doanh có điều kiện; 42% doanh nghiệp cho rằng, thủ tục này còn khó khăn, 47% doanh nghiệp bị thanh tra, kiểm tra 2 lần trở lên… Chưa kể, có những đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định về điều kiện kinh doanh cũ, nhưng lại kèm theo các điều kiện mới không kém phần vô lý.
“Vẫn còn khoảng cách không hề nhỏ giữa chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các cấp thực thi; giữa báo cáo của các bộ ngành và cảm nhận thực tế của doanh nghiệp…”, ông Vũ Tiến Lộc nói.
Năm 2019 tới, môi trường kinh doanh Việt Nam sẽ có thay đổi lớn. Việc thực hiện các cam kết trong Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) ngay trong những ngày đầu tháng 1/2019, tiếp đó là Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (VEFTA) dự kiến vào giữa năm sẽ có cả cơ hội, lẫn áp lực cạnh tranh rất lớn cho doanh nghiêp Việt Nam ngay trên sân nhà. Theo dự báo, Việt Nam đang vươn lên trở thành nước thu hút FDI hàng đầu trong thời gian tới.
Tuy nhiên vấn đề quan trọng nhất lại là cải cách thể chế, môi trường kinh doanh.
“Nếu chất lượng thể chế ở mức độ trung bình thì sẽ khó vượt qua bẫy thu nhập trung bình, Việt Nam cần phải đạt mức thể chế tiên tiến hàng đầu để bứt phá”, ông Vũ Tiến Lộc nói.
Năm tới, bức tranh về doanh nghiệp Việt Nam cũng sẽ có những thay đổi lớn tương ứng. Nhưng sự thay đổi chỉ tích cực nếu những bước cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia là thực chất, đong đếm được bởi từng doanh nghiệp.
Tại VBF lần này, đại diện cộng đồng doanh nghiệp trong nước và quốc tế sẽ tiếp tục nêu kiến nghị nhằm thúc đẩy cải thiện môi trường kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp. Cuối mỗi phiên đều có phản hồi từ phía Chính phủ Việt Nam.
Theo Chinhphu
Ý kiến ()