Thủ tướng: Công nghệ điện rác đầu tiên tại Việt Nam 'đầy hứa hẹn'
Thị sát công nghệ điện rác đầu tiên tại Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng công nghệ này mở ra tương lai đầy hứa hẹn, mang lại lợi ích rất lớn, đặc biệt là trong xử lý chất thải rắn - bài toán khó chưa có lời giải ở nước ta.
Thủ tướng thị sát công nghệ điện rác của Công ty HMC. Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Sáng 17/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và lãnh đạo một số bộ, ngành đã đến thị sát công nghệ điện rác của Công ty TNHH Thủy lực máy HMC tại Khu công nghiệp Đồng Văn 2, tỉnh Hà Nam.
Báo cáo với Thủ tướng và đoàn công tác, ông Nguyễn Gia Long, Giám đốc Công ty cho biết công nghệ xử lý rác thải rắn bằng phương pháp khí hóa thiếu oxy tạo ra khí tổng hợp (syngas) làm nhiên liệu chạy máy phát điện (gọi tắt là công nghệ điện rác – WTE) đã được khảo nghiệm thành công.
Trong đợt chạy khảo nghiệm này, nhà máy đã xử lý sạch 208 tấn rác thải rắn không phân loại do Công ty Môi trường đô thị Hà Nam cung cấp; phát điện thắp sáng cho toàn bộ hệ thống chiếu sáng của Khu công nghiệp Đồng Văn 2.
Theo ông Nguyễn Gia Long, đặc điểm của công nghệ điện rác WTE là không cần phân loại rác từ đầu nguồn, không tốn quỹ đất để chôn lấp, không phát thải thứ cấp. “Dây chuyền khép kín, không ống khói, không gây ô nhiễm không khí”, ông Long nói.
Lắng nghe ý kiến các bộ, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), tỉnh Hà Nam về công nghệ này, Thủ tướng đánh giá cao cá nhân ông Nguyễn Gia Long và tập thể cán bộ, kỹ sư của Công ty đã dành nhiều công sức nghiên cứu công trình và bước đầu thực nghiệm thành công, mở ra tương lai đầy hứa hẹn về việc áp dụng rộng rãi.
Thủ tướng nhìn nhận, đây là công trình sáng tạo của trí tuệ Việt Nam, lần đầu tiên áp dụng ở nước ta khi mà hiện nay, xử lý rác thải chủ yếu bằng cách chôn lấp.
“Đối với các cán bộ khoa học thì đây là bài học kinh nghiệm tốt giữa lý thuyết và cuộc sống. Đừng để tình trạng chúng ta bỏ ra hàng trăm, hàng ngàn tỷ để nghiên cứu nhưng đề tài đó nằm ở hộc bàn mà chưa đưa vào sản xuất”, Thủ tướng nói.
Khích lệ tinh thần sáng tạo, nghiên cứu gắn liền với thực tiễn, Thủ tướng cho rằng công trình này cũng đặt vấn đề về việc không tạo ra độc quyền, có thể so sánh công nghệ, “cái nào sạch hơn, rẻ hơn, có tính cạnh tranh hơn thì chúng ta hoan nghênh”. “Điều đó mang lại lợi ích cho đất nước, cho xã hội rất lớn, đặc biệt là vấn đề nóng bỏng hiện là xử lý chất thải rắn, kể cả hữu cơ và vô cơ, một bài toán chưa có lời giải ở Việt Nam”.
Nhấn mạnh tinh thần bảo đảm cuộc sống bình yên của người dân thông qua bảo vệ môi trường, sử dụng tiền thuế của người dân hiệu quả nhất, đừng để tình trạng ngân sách Nhà nước tốn kém nhưng vấn đề chôn lấp rác gây bức xúc cho người dân ở một số địa phương trên cả nước, Thủ tướng giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương để thúc đẩy, sớm đưa công nghệ vào cuộc sống.
Thủ tướng giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương để thúc đẩy, sớm đưa công nghệ vào cuộc sống. Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Các bộ, ngành, tỉnh Hà Nam cần tích cực hỗ trợ, tạo mọi điều kiện để công ty tiếp tục hoàn chỉnh công nghệ, vận hành thử nghiệm thành công, đưa công nghệ vào sản xuất thương mại, góp phần giảm ô nhiễm môi trường và phát triển kinh tế.
Thủ tướng gợi ý trước mắt tỉnh Hà Nam có thể xem xét, giao cho Công ty xử lý thử nghiệm một phần số lượng rác thải hiện có của tỉnh trong 1 tháng, các bộ, tỉnh Hà Nam có thể cử cán bộ theo dõi thường xuyên tại đây để thẩm định hiệu quả thực tế công nghệ này.
Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp tục hướng dẫn Công ty hoàn thành thủ tục để được cấp giấy chứng nhận bản quyền sở hữu trí tuệ công nghệ điện rác và chứng chỉ công bố tiêu chuẩn công nghệ điện rác theo đúng quy định.
Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn Công ty lập hồ sơ cấp chứng chỉ công nhận đạt tiêu chuẩn môi trường cho công nghệ điện rác.
Bộ Công Thương và đặc biệt là EVN thẩm định cụ thể về kỹ thuật, khả năng kết nối lưới điện, sự ổn định. “Với người tiêu dùng thì không chỉ cần số lượng điện năng mà cả chất lượng điện năng nữa. Ông sản xuất lúc được lúc không thì làm được”, Thủ tướng nói. “Nếu khả thi về mặt kỹ thuật thì hướng dẫn Công ty lập hồ sơ, thủ tục hợp đồng mua bán điện, thủ tục đấu nối thuận lợi vào lưới điện quốc gia theo quy định, hướng dẫn hồ sơ, thủ tục để đưa vào danh mục hàng trong nước đã sản xuất được”.
Thủ tướng cũng lưu ý xem xét vấn đề giá điện với tinh thần ủng hộ dự án bảo vệ môi trường.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá hiệu quả kinh tế, xã hội trong việc ứng dụng công nghệ điện rác, từ đó đề xuất các chính sách hỗ trợ đối với đơn vị nghiên cứu, ứng dụng sản xuất, xử lý chất thải rắn bằng công nghệ này.
“Tôi thấy còn rất nhiều công việc sắp tới, các bộ, ngành Trung ương và đặc biệt tỉnh Hà Nam cũng như Công ty HMC phải tập trung để hoàn thành công nghệ, thiết bị, các hồ sơ liên quan để sản xuất ổn định, chất lượng, số lượng cao hơn thực nghiệm”, Thủ tướng nói. “Cái chúng tôi nhìn thấy hôm nay thì mới đạt công suất khiêm tốn, 0,5 MW. Từ mô hình thử nghiệm này đến sản xuất hàng hóa là cả quá trình”.
Thủ tướng kỳ vọng trong tương lai gần, công trình này thành công trên phạm vi lớn hơn, áp dụng rộng rãi hơn.
Một số hình ảnh Thủ tướng thị sát công nghệ điện rác và quy trình xử lý rác thành chất đốt của Công ty HMC:
Thủ tướng, lãnh đạo các bộ, ngành nghe đại diện Công ty HMC thuyết minh về công nghệ điện rác. Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Thủ tướng thị sát công nghệ điện rác của Công ty HMC. Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Thủ tướng tham quan quy trình xử lý rác thải thành chất đốt. Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Ưu điểm của công nghệ điện rác WTE là không cần phân loại rác từ đầu nguồn, không tốn quỹ đất để chôn lấp, không phát thải thứ cấp. Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Theo baochinhphu.vn
Ý kiến ()