Thủ tướng: Chúng ta đã chuyển từ bị động sang chủ động
Tại phiên thảo luận tổ sáng 22/5, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc (đại biểu Quốc hội TP. Hải Phòng) đã chia sẻ một số vấn đề liên quan đến tình hình kinh tế-xã hội của đất nước trong năm 2017 cũng như những việc cần tập trung triển khai trong năm 2018.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự thảo luận tổ với các đại biểu Quốc hội. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh đất nước ta đang chuyển mình, niềm tin của người dân, của toàn hệ thống chính trị, trong Đảng được nhân lên rất nhiều, đó là nguồn lực mạnh mẽ để chúng ta xây dựng đất nước.
Thủ tướng Chính phủ cho rằng việc đánh giá toàn diện, phản ánh rõ tình hình của đất nước đã được Tổng Bí thư nêu trong phát biểu ở hội nghị Chính phủ cuối năm 2017 và kết luận tại Hội nghị Trung ương 7 vừa qua. Đặc biệt, phiên họp thứ 4 của Quốc hội (tháng 10/2017) cũng đã kết luận “kinh tế-xã hội phát triển, đối ngoại, quốc phòng an ninh được giữ gìn, uy tín quốc tế của chúng ta được nâng lên. Công tác xây dựng Đảng, phòng chống tham nhũng tiêu cực đã được triển khai mạnh mẽ, mang lại niềm tin cho nhân dân, nhất là về kinh tế-xã hội”.
“Có thể nói, hệ thống của chúng ta, trên dưới một lòng, đoàn kết thống nhất từ Trung ương đến địa phương. Sức mạnh dân tộc được thể hiện rõ nét thông qua những sự kiện lớn của đất nước… Chúng ta đã chuyển từ thế bị động sang chủ động tốt hơn rất nhiều”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.
Thủ tướng lấy ví dụ về nợ công, theo báo cáo đánh giá trình Quốc hội, nợ công đến cuối nhiệm kỳ XIII ở mức 64,8-65%/GDP. Hiện nay, do quy mô nền kinh tế tăng lên nên nợ công còn trên 61%, bảo đảm nền kinh tế an toàn do GDP đạt trên 5 triệu tỷ đồng. Dự kiến quy mô GDP sẽ đạt trên 7 triệu tỷ đồng, với tăng trưởng 6,7% và hơn thế nữa thì tình hình sẽ tốt hơn rất nhiều. Quy mô nền kinh tế của chúng ta từ vị trí 48 của thế giới thì nay đã đứng ở vị trí 40.
Đề cập vấn đề dự trữ quốc gia, vấn đề năng lượng, Thủ tướng nhấn mạnh, đến nay, vào mùa hè chúng ta không còn lo lắng vì thiếu điện, dầu khí của chúng ta cũng tăng ở mức tốt. Còn ngoại hối, cuối nhiệm kỳ, chúng ta chỉ có khoảng 28 tỷ USD dự trữ, đây cũng là mức cao, nhưng hai năm rưỡi vừa qua, dự trữ ngoại hối đã tăng lên gần 64 tỷ USD, tỉ giá ổn định hơn và lạm phát được giữ vững.
Bày tỏ vui mừng khi các tỉnh đều có chuyển biến, góp phần vào sự thay đổi lớn của đất nước, Thủ tướng cung cấp tin vui khi chỉ số cạnh tranh quốc gia, môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam tăng 14 bậc trong thời gian qua, từ trung bình lên tích cực.
Thủ tướng lấy ví dụ, Việt Nam là nước ở xa nhóm các nước G20, nhưng vừa qua Việt Nam đã được mời dự cuộc họp của nhóm G7, đây là một thắng lợi của Việt Nam.
Đồng tình với ý kiến của các đại biểu, Thủ tướng nhấn mạnh: “Chúng ta phải quan tâm đến các vấn đề xã hội, các tầng lớp kinh doanh hơn nữa, nhất là khu vực nông thôn. 42% lao động sống ở nông thôn nhưng giá trị trong nông nghiệp nông thôn đóng góp cho GDP chỉ 18%. Do vậy, chúng ta phải đặt câu hỏi vì sao năng suất chúng ta thấp. Do vậy, cần phải quan tâm nhiều hơn nữa tới nông nghiệp, nông thôn”.
Thủ tướng cũng nêu rõ cần thấy được những hạn chế, bất cập còn tồn tại mà Quốc hội đã góp ý. Chính phủ lắng nghe và khắc phục, xây dựng thể chế, luật pháp để tiếp tục chỉ đạo, điều hành công cuộc phát triển đất nước trên đà thành công bước đầu của nhiệm kỳ này.
Đề cập đến mạng xã hội hiện nay, Thủ tướng cho biết đây là vấn đề rất lớn ảnh hưởng tới lớp trẻ nên phải có giải pháp, không được để mất niềm tin vào Đảng, Nhà nước.
Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Thủ tướng cũng nêu rõ Quốc hội, Chính phủ cần có giải pháp để các bộ phận công tác, nhất là những bộ phận phục vụ trực tiếp nhân dân, những người liên quan đến doanh nghiệp phải chuyển biến mạnh hơn trong việc phục vụ nhân dân, cùng với những cải cách kinh tế, hành chính khác mà chúng ta phải tiến hành.
Theo baochinhphu
Ý kiến ()