Thủ tướng Chính phủ yêu cầu thực hiện ngay các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh MERS-CoV
Thủ tướng Chính phủ ngày 3-6 có công điện gửi các bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố về việc phòng, chống dịch bệnh gây Hội chứng viêm đường hô hấp cấp vùng Trung Ðông do vi-rút Corona (MERS-CoV). Công điện nêu rõ, dịch bệnh MERS-CoV đang bùng phát tại chín quốc gia vùng Trung Ðông và đã lan đến 17 quốc gia khác, trong đó đáng chú ý có những quốc gia châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Phi-li-pin.
Tính đến ngày 3-6 thế giới đã ghi nhận 1.179 trường hợp mắc bệnh MERS-CoV trong đó có 442 trường hợp tử vong. Ðây là dịch bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm, tỷ lệ tử vong cao, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc-xin phòng bệnh. Bệnh lây từ người sang người qua đường tiếp xúc gần hoặc nước bọt.
Nhằm chủ động kiểm soát ngăn chặn dịch bệnh lây nhiễm vào Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: Bộ Y tế phối hợp chặt chẽ với Tổ chức Y tế thế giới, bám sát diễn biến tình hình dịch bệnh MERS-CoV để thông báo kịp thời về tính nguy hiểm, nguyên nhân lây bệnh, cách thức lan truyền và phương pháp phòng, chống dịch cho nhân dân biết để nhân dân chủ động phòng, chống dịch MERS-CoV; đánh giá, dự báo khả năng lây nhiễm vào Việt Nam để chủ động lên kế hoạch phòng, chống.
Các bộ: Ngoại giao, Công an, Giao thông vận tải, Quốc phòng, Thông tin và Truyền thông, Văn hóa – Thể thao và Du lịch, UBND các tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương trên cơ sở kế hoạch phòng, chống dịch bệnh MERS-CoV của Bộ Y tế, có kế hoạch triển khai ngay các biện pháp phòng, chống dịch nhằm chủ động ngăn chặn dịch bệnh MERS-CoV lây nhiễm vào Việt Nam.
Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Y tế hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh MERS-CoV tại các cửa khẩu cũng như hướng dẫn, tập huấn, diễn tập việc theo dõi, cách ly y tế, chăm sóc y tế đối với các trường hợp mắc bệnh dịch MERS-CoV tại các cửa khẩu cũng như tại địa phương nhằm chủ động chống dịch, ngăn chặn lan rộng ra cộng đồng và hạn chế thấp nhất tử vong và số người mắc bệnh trong trường hợp có dịch nhiễm vào Việt Nam.
Bộ Ngoại giao phối hợp Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch; Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội khuyến nghị người dân không nên đi đến các vùng đang có dịch bệnh MERS-CoV, cũng như những trường hợp đang ở vùng dịch có nhu cầu đến, hoặc trở về Việt Nam. Bộ Tài chính bảo đảm đủ kinh phí phục vụ công tác phòng, chống dịch của ngành y tế.
* Ngày 3-6, ngành y tế tiếp tục triển khai nhiều biện pháp nhằm ngăn chặn dịch bệnh viêm đường hô hấp vùng Trung Ðông do vi-rút Corona (MERS-CoV) xâm nhập vào nước ta. Tại Công văn hỏa tốc số 3719/BYT-DP, Bộ Y tế yêu cầu sở y tế các tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị kiểm dịch y tế và đơn vị có liên quan triển khai áp dụng khai báo y tế đối với hành khách nhập cảnh từ 11 nước đang có dịch, gồm: A-rập Xê-út, Ca-ta, Tiểu vương quốc A-rập thống nhất, Ô-man, Y-ê-men, Cô-oét, Li-băng, Gioóc-đa-ni, I-ran, Ba-ranh, Hàn Quốc. Ðồng thời tăng cường công tác truyền thông phòng, chống dịch bệnh MERS-CoV tại các cửa khẩu quốc tế.
Chiều 3-6, đoàn công tác của Bộ Y tế do Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long dẫn đầu đã kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh MERS-CoV tại Sân bay quốc tế Nội Bài (Cụm cảng hàng không miền bắc). Theo đánh giá, các đơn vị tại đây đã có sự phối hợp chặt chẽ, tổ chức tốt các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh. Các máy đo thân nhiệt hoạt động tốt, giám sát được thân nhiệt tất cả hành khách nhập cảnh vào Việt Nam; các đơn vị cũng chuẩn bị sẵn sàng cơ sở vật chất, phòng cách ly. Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long đề nghị các đơn vị tiếp tục phối hợp tổ chức tốt công tác kiểm dịch để phát hiện kịp thời những trường hợp mắc bệnh (nếu có) nhập cảnh vào nước ta.
Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) yêu cầu các bệnh viện tổ chức phân loại người bệnh ngay từ khi người bệnh đến đăng ký khám bệnh; có buồng khám, tư vấn khám riêng biệt cho những người đến từ các nước đang có dịch. Nếu thấy trường hợp viêm đường hô hấp cấp nghi ngờ do MERS-CoV, cần cách ly tạm thời, thông báo khẩn cho Y tế dự phòng lấy mẫu xét nghiệm. Áp dụng các biện pháp bắt buộc về phòng ngừa chuẩn cho nhân viên y tế tiếp xúc với người bệnh có triệu chứng của viêm đường hô hấp cấp trong quá trình khám bệnh, chữa bệnh như đeo khẩu trang, rửa tay thường quy… Chuẩn bị sẵn sàng khu vực cách ly, buồng bệnh cách ly, cơ số thuốc, trang thiết bị y tế, vật tư, phương tiện phòng hộ cá nhân, hóa chất khử khuẩn để cấp cứu, điều trị khi có ca bệnh.
Sáng 3-6, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh có buổi làm việc với đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam về công tác phòng, chống và điều trị bệnh MERS-CoV. Theo các chuyên gia của WHO, kinh nghiệm đối phó dịch SARS cho thấy, kiểm soát nhiễm khuẩn và quản lý ca bệnh rất quan trọng. Các cán bộ y tế, người chăm sóc là những người có nhiều nguy cơ lây nhiễm bệnh, nên cần tăng cường các biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn như rửa tay, đeo khẩu trang thường xuyên khi tiếp xúc với người bệnh có triệu chứng sốt, ho… Bên cạnh đó, tại các khoa khám bệnh, cần có những hình ảnh tuyên truyền về triệu chứng của bệnh MERS-CoV để nhiều người biết và chủ động khai báo thông tin với cán bộ y tế. Các bệnh viện cần tăng cường năng lực quản lý lâm sàng các ca bệnh truyền nhiễm và có danh sách những bệnh viện có đủ năng lực quản lý ca bệnh để tập trung điều trị người bị nhiễm MERS-CoV.
Sở Y tế Hà Nội cho biết, bắt đầu từ trưa 3-6, Trung tâm Kiểm dịch Y tế quốc tế Hà Nội chính thức áp dụng tờ khai y tế về dịch bệnh MERS-CoV đối với hành khách đến từ Hàn Quốc và Ba-ranh. Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm dịch Y tế Quốc tế Hà Nội, trung bình mỗi ngày có khoảng 10 chuyến bay từ Hàn Quốc và vùng Trung Ðông đến Hà Nội, với khoảng gần 2.000 hành khách nhập cảnh. Ðể tạo điều kiện thuận lợi cho hành khách khai tờ khai y tế, Sở Y tế Hà Nội yêu cầu Trung tâm bổ sung thêm các bàn khai và cán bộ hướng dẫn; phối hợp chặt chẽ bộ phận cảng vụ làm việc với các hãng hàng không chuyển tờ khai y tế lên các chuyến bay để hành khách khai báo ngay trên máy bay, tránh tình trạng ùn tắc tại khu vực kiểm dịch y tế khi có nhiều chuyến bay đến cùng lúc.
* Ngày 3-6, Cục Hàng không Việt Nam (HKVN) có công điện khẩn yêu cầu các đơn vị cảng vụ, hãng hàng không thực hiện các biện pháp phòng, chống lây nhiễm hội chứng viêm đường hô hấp vùng Trung Ðông do vi-rút Cô-rô-na (MERS-CoV). Các đơn vị cần giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, nhằm phát hiện sớm các trường hợp, nhất là các đối tượng có nguy cơ cao như công dân, người lao động, khách du lịch, người làm việc ở nông trại liên quan đến lạc đà thuộc các quốc gia khu vực Trung Ðông nhập cảnh vào Việt Nam qua đường hàng không. Ðồng thời, chuẩn bị sẵn sàng nguồn lực phòng, chống lây nhiễm và điều trị bệnh nhân, bảo đảm tuân thủ tuyệt đối các điều kiện vận chuyển về hàng không, kiểm dịch y tế để hạn chế tối đa việc lây nhiễm, nhất là trên các tuyến vận tải giữa Việt Nam với quốc gia và vùng lãnh thổ được ghi nhận có người bị lây nhiễm; tuyên truyền bằng nhiều hình thức về thực hiện phòng, chống lây nhiễm hội chứng này trong vận chuyển bằng đường hàng không; các biện pháp phòng, chống.
Theo Nhandan.org.vn
Ý kiến ()