Thủ tướng Chính phủ trả lời chất vấn trước Quốc hội
Tại Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XIII, các vị đại biểu Quốc hội đã gửi 17 phiếu chất vấn Thủ tướng Chính phủ. Trong chiều ngày 19-11, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã giải trình và trả lời chất vấn một số vấn đề được nhiều đại biểu, đồng bào, cử tri cả nước quan tâm.
L iên kết, hợp tác để phát triển kinh tế vùng
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé, Kiên Giang, nêu câu hỏi về giải pháp phát triển kinh tế vùng đồng bằng sông Cửu Long trên cơ sở liên kết vùng, đầu tư trọng điểm, tạo bước đột phá mạnh mẽ hơn, phát huy đúng tiềm năng thế mạnh của vùng kinh tế trọng điểm này, đóng góp chung cho sự phát triển kinh tế đất nước.
Trả lời câu hỏi này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, trong một không gian, khu vực, vùng mà có điều kiện kinh tế xã hội tương đồng nhau, yêu cầu liên kết, hợp tác để phát triển là cần thiết, là khách quan, tất yếu để phát triển hiệu quả, bền vững. Chính phủ nhận thức rõ sự cần thiết. Liên kết để khai thác phát huy tiềm năng lợi thế vùng, sử dụng hiệu quả, khắc phục đầu tư trùng lặp, lãng phí; ứng phó, đối phó, khắc phục khó khăn, thách thức mà riêng một địa phương khó xử lý.
Với tinh thần đó, Thủ tướng chỉ đạo bốn nội dung cần liên kết, hợp tác.
Thứ nhất,12 tỉnh trong vùng đồng bằng sông Cửu Long phải liên kết, hợp tác để đầu tư hiệu quả các dự án, kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội trên cơ sở quy hoạch chung do Chính phủ phê duyệt.
Thứ hai, cần liên kết, hợp tác để phát huy ba lợi thế của vùng là: lúa gạo, cá tra – cá ba sa – tôm, trái cây. Ba sản phẩm này, lợi thế tốt nhất này tỉnh nào trong vùng cũng có. Nên liên kết hình thành chuỗi giá trị từ giống, gieo trồng, thu hoạch, chế biến, tiêu thụ… cần có sự liên kết để có lợi cho nhân dân, vừa đạt hiệu quả.
Thứ ba là, liên kết, hợp tác để sử dụng bền vững và ứng phó hiệu quả, bao gồm nguồn nước sông Cửu Long, và ứng phó hiệu quả với lũ của đồng bằng sông Cửu Long. Đây là việc không thể một tỉnh làm được và làm không hiệu quả.
Liên kết, hợp tác để khắc phục những khó khăn, thách thức ở vùng đặt ra như mặt bằng giáo dục, lúa gạo tôm các nhiều nhưng nhiều chỉ số thấp hơn cả nước, đội ngũ cán bộ khoa học – công nghệ và ứng dụng khoa học – công nghệ vào sản xuất còn hạn chế…
Cuối cùng là hợp tác để bảo đảm quốc phòng, an ninh trong vùng.
Tạo điều kiện giảm nghèo cho đồng bào dân tộc
Đại biểu Quốc hội Danh Út, Kiên Giang, kiến nghị, hiện nay, có hơn 300 nghìn hộ đồng bào dân tộc thiểu số không có và thiếu đất sản xuất, thiếu đất ở. Đề nghị Chính phủ giảm bớt đất của các nông, lâm trường để giao lại chính quyền địa phương cấp cho đồng bào, giao khoán bảo vệ rừng.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng giải thích, cả nước ta còn 300 nghìn hộ đồng bào thiểu số không có đất sản xuất – là điều trăn trở, day dứt của Chính phủ. Khi được phân công trực tiếp là Trưởng ban Chỉ đạo Tây Nguyên, Thủ tướng hết sức cố gắng tìm cách giải quyết vấn đề này, dù đã giải quyết rất nhiều rồi nhưng vẫn còn số lượng lớn.
Việc giải quyết vấn đề này cần nhiều biện pháp. Trước hết, đồng bào thường sống gắn bó với rừng. Chính phủ cũng đặt ra yêu cầu xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù để giảm nghèo nhanh hơn với đồng bào dân tộc thiểu số. Tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm từ trên 50 % tới xuống còn 34%. Nhưng vẫn còn 300 nghìn hộ chưa có đất. Gắn với rừng thì phải được giao rừng.
Chính phủ cũng thảo luận một lần về dự thảo của Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn về chính sách đặc thù này. Giao rừng, khoán rừng, bảo vệ rừng, trồng rừng, gắn với đó là giảm nghèo, là phát triển. Nhưng vấn đề lớn nhất là ngân sách. Cùng với đó là hàng loạt chính sách khác như ngành nghề, tiếp cận các dịch vụ xã hội. Chính phủ đã nhận thấy vấn đề này quan trọng, cần thiết, tập trung giải quyết nhưng kết quả thi hành nhiệm vụ còn khó khăn, cần thực hiện thiết thực, hiệu quả hơn.
Chú trọng k inh tế biển
Đại biểu Đỗ Văn Đương (TP Hồ Chí Minh) hỏi, trong những năm gần đây, có những bước đầu tư đáng kể gì để phát triển kinh tế biển đảo, có nên thành lập Bộ Kinh tế Biển để có một bộ chuyên tâm tham mưu cho Chính phủ quản lý nhà nước về phát triển kinh tế biển.
Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, đối với nước ta, biển có vai trò rất quan trọng. Đảng đã có Nghị quyết chuyên về chiến lược biển, Chính phủ đã có chương trình và kế hoạch hành động, đã triển khai thực hiện, vừa phát triển kinh tế, vừa bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển, Chúng ta đã có chính sách, đạt được nhiều kết quả. Tuy nhiên, so với yêu cầu, mong muốn thì chưa được, cần phải nỗ lực, làm tốt hơn, trong đó có đầu tư phát triển kinh tế biển, bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển. Chính phủ đang và sẽ tiếp tục làm việc này.
Thủ tướng ghi nhận ý kiến thành lập Bộ Kinh tế biển, nhưng lập một bộ đảm nhiệm tất cả nhiệm vụ, lĩnh vực trong kinh tế biển, bảo đảm an ninh quốc phòng, chủ quyền quốc gia, bảo vệ tài nguyên trên biển… cũng khó làm được. Hiện nay, Bộ Tài nguyên – Môi trường quản lý nhà nước về tài nguyên biển, còn từng lĩnh vực giao từng bộ. Thí dụ, khai thác thủy sản trước đây giao cho Bộ Thủy sản, giờ giao cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, vẫn còn Tổng cục Thủy sản, giúp Nhà nước về lĩnh vực này. Vận tải biển do Bộ Giao thông – Vận tải, hay khai thác dầu khí trên biển là do Bộ Công thương. Du lịch trên đảo, biển phải giao cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Các lĩnh vực trên biển khó chia cắt rạch ròi, tổng hợp nhau giao cho một bộ quản lý.
Không dùng ngân sách giải quyết nợ xấu
Đại biểu Quốc hội Thân Đức Nam (Ảnh: Duy Linh).
Đại biểu Quốc hội Thân Đức Nam, TP Đà Nẵng, đề nghị làm rõ vấn đề nợ xấu của ngân hàng cũng như giải pháp, nguồn lực xử lý nợ xấu.
Thủ tướng khẳng định, chúng ta không có ngân sách và không sử dụng ngân sách để làm việc này. Không có thì có khó khăn hơn, nhưng vẫn giải quyết được.
Đến năm 2015, Chính phủ phấn đấu đưa nợ xấu trong hệ thống tín dụng ở nước ta trở về mức 3%, đó là mức thông thường trong kinh tế thị trường nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Làm như thế phù hợp hơn điều kiện thực tiễn của nước ta.
Tập trung b a đột phá chiến lược
Đại biểu Quốc hội Trịnh Ngọc Phương, Tây Ninh, băn khoăn, giải pháp nào là quan trọng, mang tính quyết định. Nhiệm vụ cần tập trung trước mắt từ nay đến hết 2015 để bảo đảm đến năm 2020 Việt Nam cơ bản thành nước công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Thủ tướng Chính phủ cho rằng, phấn đấu đưa nước ta thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, đặc biệt phải thực hiện tốt ba đột phá chiến lược.
Đó là thể chế. Ở đây là thể chế kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, huy động cao nhất, sử dụng hiệu quả nhất các nguồn lực, kể cả nội lực và ngoài lực. Cơ chế thị trường quyết định việc phân bổ, thu hút,sử dụng nguồn lực.
Đột phá thứ hai là con người. Đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng đấy nhanh tiến trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa. Con người phải được đào tạo có trình độ, chất lượng đào tạo cao.
Đột phát thứ ba là xác định xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội theo hướng đồng bộ, hiện đại. Hạ tầng quyết định thúc đẩy tái cơ cấu, chuyển đổi mô hình tăng trưởng.
T hực hiện đường lối đối ngoại kiên trì , nhất quán
Đại biểu Thích Thanh Quyết, Quảng Ninh, nêu câu hỏi về quan điểm của Đảng, Nhà nước ta đối với vấn đề Biển Đông và Trung Quốc.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, đối với Trung Quốc hay với tất cả các nước trên thế giới, chúng ta thực hiện đường lối đối ngoại kiên trì, nhất quán của Đảng, Nhà nước.
Trong Hiến pháp vừa được Quốc hội thông qua năm 2013, toàn bộ đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước được nêu trong Điều 12. Trên cơ sở quán triệt đường lối chung đó, đối với Trung Quốc hay bất cứ nước nào cũng trên cơ sở đó.
Thủ tướng nêu rõ, Việt Nam và Trung Quốc là láng giềng. Chúng ta hết sức mong muốn hai bên chân thành hợp tác để gìn giữ hòa bình, ổn định, hợp tác cùng phát triển, để thực hiện thực chất, hiệu quả phương châm 16 chữ và tinh thần 4 tốt, đem lại lợi ích cho cả hai nước.
Khái quát về quan hệ Việt Nam – Trung Quốc, Thủ tướng nêu sáu chữ: “Vừa hợp tác, vừa đấu tranh”.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()