Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Ngành Tư pháp cần cải thiện, nâng cao môi trường pháp lý để nhân dân thực thi pháp luật hiệu quả
Đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Lạng Sơn
– Sáng nay (21/12), tại Hà Nội, Bộ Tư pháp tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2022, kết nối với 63 điểm cầu các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Đồng chí Phạm Minh Chính, Uỷ viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ dự và chỉ đạo hội nghị.
Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Lạng Sơn có lãnh đạo Sở Tư pháp; đại diện một số sở, ban, ngành tỉnh…
Năm 2021, mặc dù dịch COVID-19 đã tác động lớn đến tình hình kinh tế – xã hội nói chung và việc triển khai công tác tư pháp nói riêng, nhưng toàn ngành đã khẩn trương xác định nhiệm vụ trọng tâm, kịp thời xây dựng, ban hành và điều chỉnh các chương trình, kế hoạch công tác, đảm bảo chất lượng các nhiệm vụ được giao.
Bộ Tư pháp đã hoàn thành 94/117 nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, đang tiếp tục thực hiện 23 nhiệm vụ, không có nhiệm vụ quá hạn.
Các bộ, ngành đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền 784 văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL). Ở cấp tỉnh, huyện, xã đã ban hành hơn 8.000 VBQPPL. Các cơ quan thi hành án dân sự trên toàn quốc đã thi hành xong 493.971 việc với trên 45.705 tỷ đồng.
Năm 2021, cả nước đã tổ chức 628.972 cuộc tuyên truyền pháp luật trực tiếp (giảm hơn 26% so với năm 2020), phát miễn phí hơn 68,6 triệu bản tài liệu tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL). Trong năm, các hòa giải viên đã tiếp nhận 94.463 vụ, việc; với tỷ lệ hòa giải thành trung bình là 80,23%. Các Trung tâm Trợ giúp pháp lý tham gia 38.640 vụ việc; trong đó có 33.127 vụ việc tham gia tố tụng (chiếm 85,7% tổng số vụ việc, tăng 20,5% so với năm 2020)…
Trong năm 2021, UBND tỉnh Lạng Sơn đã chủ động, quyết liệt chỉ đạo triển khai các mặt công tác tư pháp, tạo được sự chuyển biến tích cực. Công tác tư pháp trên địa bàn tỉnh được triển khai đồng bộ, đến nay, các chỉ tiêu, nhiệm vụ kế hoạch công tác tư pháp năm 2021 đã đạt chỉ tiêu được giao.
Cụ thể như: Sở Tư pháp đã hoàn thành đúng tiến độ 4 nhóm nhiệm vụ trọng tâm được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt, thẩm định 68 dự thảo VBQPPL (bằng 109% so với năm 2020). Cấp huyện, cấp xã đã tổ chức 14.782 cuộc PBGDPL cho trên 1,29 triệu lượt người nghe (bằng 126% so với năm 2020). Các tổ hoà giải trên địa bàn tỉnh đã hoà giải thành 2.578/3.475 vụ việc, đạt tỷ lệ 75%…
Tại hội nghị, các đại biểu đã tham luận, phát biểu ý kiến về các về các vấn đề như: Kinh nghiệm triển khai, khó khăn, hạn chế và nguyên nhân trong việc thực hiện công tác tư pháp trong bối cảnh phòng, chống dịch COVID-19; giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động công chứng, đấu giá tài sản; đề xuất giải pháp để hoàn thành nhiệm vụ trọng tâm 2022…
Phát biểu chỉ đạo, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị: Năm 2022, ngành cần tiếp tục nâng cao chất lượng tham mưu xây dựng thể chế, quan tâm phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm ngay từ khi xây dựng thể chế; quan tâm cải thiện, nâng cao môi trường pháp lý tốt hơn, phù hợp với thực tế, xu thế để nhân dân thực thi pháp luật, sống và làm theo pháp luật.
Các cấp, ngành, địa phương tiếp tục bám sát vào chủ trương, đường lối của Đảng, thể chế hoá, cụ thể hoá phù hợp với tình hình thực tiễn nhằm thực hiện hiệu quả pháp luật. Đồng thời tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo của các cấp uỷ đảng và việc thực thi của các cấp chính quyền, sự ủng hộ của người dân, doanh nghiệp để xây dựng pháp luật, phổ biến pháp luật, thực thi và giám sát việc thực thi pháp luật. Cùng với đó tăng cường chất lượng, tiến độ thi hành án dân sự; đẩy mạnh cải cách hành chính, đáp ứng yêu cầu phục vụ người dân.
Nhân dịp này, nhiều tập thể, cá nhân đã được công nhận các danh hiệu thi đua và được khen thưởng trong năm 2021 và phát động thi đua năm 2022. Trong đó, tỉnh Lạng Sơn có 3 tập thể và 4 cá nhân được tặng bằng khen của Bộ trưởng Bộ Tư pháp.
Ý kiến ()