Thủ tướng Chính phủ gặp mặt doanh nhân
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Lạng Sơn
– Nhân kỷ niệm ngày doanh nhân Việt Nam (13/10), ngày 11/10, Chính phủ tổ chức hội nghị Thường trực Chính phủ gặp mặt đại diện doanh nhân. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến đến các tỉnh, thành phố trên cả nước.
Dự hội nghị tại điểm cầu Lạng Sơn có đồng chí Hồ Tiến Thiệu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cùng đại diện một số sở, ngành; đại diện 16 doanh nghiệp, hợp tác xã tiêu biểu trên địa bàn tỉnh.
Theo báo cáo tại hội nghị, qua 9 tháng đầu năm 2023, nhờ nỗ lực ổn định kinh tế vĩ mô, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và các chính sách hỗ trợ phục hồi, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh của Chính phủ, cùng với nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, từ cuối quý III/2023, khu vực doanh nghiệp bắt đầu có nhiều tín hiệu phục hồi khởi sắc.
Tính đến ngày 30/9/2023, toàn quốc có 881.229 doanh nghiệp đang sản xuất kinh doanh. Trong 9 tháng đầu năm 2023, số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường là 165.240 doanh nghiệp, tăng 1,2% so với cùng kỳ năm 2022 và gấp 1,2 lần mức bình quân doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường giai đoạn 2018-2022.
Về kết quả hoạt động, theo ước tính của Tổng cục Thuế, 6 tháng đầu năm 2023, doanh thu của các doanh nghiệp ngoài quốc doanh đạt trên 11,8 triệu tỷ đồng, tăng 16,17% so với cùng kỳ năm 2022; 9 tháng đầu năm, doanh nghiệp thuộc khu vực này nộp thuế giá trị gia tăng đạt hơn 97 nghìn tỷ đồng, thuế thu nhập doanh nghiệp đạt gần 248 nghìn tỷ đồng, tăng lần lượt 6% và 17% so với cùng kỳ năm 2022. Đối với doanh nghiệp Nhà nước, tính đến hết tháng 6/2023, doanh thu của các doanh nghiệp đạt gần 690 nghìn tỷ đồng. Ước cả năm 2023, doanh thu của doanh nghiệp thuộc khu vực này tăng 4%, nộp ngân sách tăng 7%.
Các doanh nghiệp trong một số ngành trọng điểm có tín hiệu phục hồi khả quan, đóng góp tích cực cho xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế quốc gia; nhiều doanh nghiệp chủ động đổi mới sáng tạo đón bắt xu hướng, tham gia các ngành kinh tế mới tạo giá trị mới, động lực mới cho tăng trưởng kinh tế…
Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn cả nước gặp phải nhiều khó khăn, thách thức như: sức mua của thị trường suy yếu, doanh thu sụt giảm, đơn hàng có dấu hiệu phục hồi nhưng chậm; áp lực chi phí cao và khó khăn trong việc tiếp cận vốn để duy trì và mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh…
Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận đánh giá kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp 9 tháng đầu năm 2023. Đồng thời đưa ra các giải pháp để khắc phục khó khăn, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong thời gian tới.
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao đội ngũ doanh nhân đã nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức để vươn lên phát triển cũng như sự chung tay, góp sức của đội ngũ doanh nhân, cộng đồng doanh nghiệp để cùng cả nước vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh.
Thời gian tới, Chính phủ sẽ tiếp tục xây dựng chương trình hành động cụ thể để cùng doanh nghiệp, doanh nhân phát triển đúng hướng, ổn định, có cống hiến cho quốc gia. Các bộ, ngành, địa phương rà soát các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp để có kế hoạch xử lý dứt điểm, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế; tăng cường kết nối cung cầu lao động; tăng cường triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp về thuế, phí, khoanh nợ, giãn nợ, cơ cấu lại nhóm nợ; khuyến khích doanh nghiệp chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển ngành mới nổi.
Cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân cần tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh, vươn tầm khu vực và quốc tế, phát huy hơn nữa tính chủ động, năng động, sáng tạo, liên kết nâng tầm vị thế doanh nghiệp Việt Nam; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, năng lực lãnh đạo, quản lý, quản trị doanh nghiệp cũng như phát triển văn hóa doanh nghiệp; chủ động đổi mới mô hình sản xuất kinh doanh, tái cấu trúc lại doanh nghiệp; xây dựng và nâng cao thương hiệu góp phần nâng cao thương hiệu quốc gia…
Đối với tỉnh Lạng Sơn, hiện nay trên địa bàn tỉnh có hơn 4.000 doanh nghiệp với số vốn đăng ký gần 48.000 tỷ đồng, số lao động của doanh nghiệp khoảng 46.200 người, thu nhập bình quân 5-7 triệu đồng/người/tháng; trên địa bàn tỉnh có 478 hợp tác xã đăng ký hoạt động với số vốn đăng ký trên 1.100 tỷ đồng. Trung bình hằng năm, các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh nộp ngân sách khoảng 650 tỷ đồng, chiếm 24% tổng thu nội địa. |
TÂN AN
Ý kiến ()