Thủ tướng Chính phủ dự Hội nghị Công bố quy hoạch tỉnh và xúc tiến đầu tư tỉnh Lạng Sơn năm 2024: Khơi thông, huy động mọi nguồn lực cho phát triển
- Chiều 21/4, UBND tỉnh Lạng Sơn tổ chức Hội nghị Công bố quy hoạch tỉnh và xúc tiến đầu tư tỉnh Lạng Sơn năm 2024. Đồng chí Phạm Minh Chính, Uỷ viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ dự và chỉ đạo hội nghị.
Cùng dự có các đồng chí Uỷ viên Trung ương Đảng: Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Đào Hồng Lan, Bộ trưởng Bộ Y tế; Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; lãnh đạo Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; lãnh đạo một số ban, bộ, ngành Trung ương; đại diện các cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế, doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh.
Về phía tỉnh Lạng Sơn, dự hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Quốc Đoàn, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ; Hoàng Văn Nghiệm, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Hồ Tiến Thiệu, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh; Đoàn Thị Hậu, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh; các đồng chí uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ; lãnh đạo HĐND, UBND, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh; các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ; lãnh đạo các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố.
Ngày 19/3/2024, Quy hoạch tỉnh Lạng Sơn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 236/QĐ-TTg. Mục tiêu quy hoạch đặt ra là xây dựng Lạng Sơn trở thành tỉnh biên giới có kinh tế phát triển, xã hội ổn định, quốc phòng, an ninh, môi trường sinh thái được bảo đảm, là một trong các cực tăng trưởng, trung tâm kinh tế của vùng trung du và miền núi phía Bắc, là “cầu nối” ngày càng quan trọng trong kết nối kinh tế, thương mại giữa Việt Nam, các nước ASEAN, Trung Quốc và châu Âu.
Phấn đấu đến năm 2030, tỉnh Lạng Sơn có quy mô kinh tế và GRDP bình quân đầu người trong nhóm 5 tỉnh dẫn đầu vùng trung du và miền núi phía Bắc. Cơ cấu kinh tế của tỉnh chuyển dịch mạnh theo hướng các ngành công nghiệp, dịch vụ, du lịch. Hệ thống kết cấu hạ tầng phát triển đồng bộ, đô thị hiện đại, nguồn nhân lực chất lượng ngày càng cao và thực hiện chuyển đổi số hiệu quả trên các trụ cột Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, cửa khẩu số...
Quy hoạch tỉnh Lạng Sơn cũng xác định các khâu đột phá phát triển gồm: chuyển đổi số và cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư và phát triển các thành phần kinh tế; phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, trọng tâm là hạ tầng giao thông, đô thị, khu, cụm công nghiệp; phát triển kinh tế cửa khẩu, thương mại, dịch vụ và du lịch là lĩnh vực kinh tế mũi nhọn để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; phát triển công nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh, an toàn và hiện đại để trở thành động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế của tỉnh.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh vai trò, vị trí, ý nghĩa của công tác quy hoạch. Từ đó tạo ra những cơ hội mới, tác động lâu dài, là động lực quan trọng trong xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia nói chung và của tỉnh Lạng Sơn nói riêng.
Đối với Quy hoạch tỉnh Lạng Sơn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Thủ tướng Chính phủ đánh giá: Quy hoạch tỉnh đã được tỉnh và đơn vị tư vấn chuẩn bị công phu, bài bản, khoa học và xây dựng trên cơ sở phát huy tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, cũng như khắc phục những tồn tại, hạn chế của tỉnh. Bên cạnh đó, quy hoạch đã đưa ra được quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu phát triển trọng tâm, đột phá, mở ra đường hướng, tầm nhìn và không gian phát triển mới, tạo động lực, giá trị mới cho tỉnh Lạng Sơn trong bức tranh chung của các tỉnh, thành trong khu vực và trên cả nước.
Thủ tướng Chính phủ lưu ý tỉnh Lạng Sơn cần thực hiện tốt 3 nhiệm vụ đặc biệt quan trọng trong tổ chức thực hiện quy hoạch trong thời gian tới gồm: tăng cường củng cố mối quan hệ hữu nghị giữa Lạng Sơn, Việt Nam và Quảng Tây, Trung Quốc; giữ vững độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ bằng biện pháp hoà bình; phát huy được tính kết nối của các công trình hạ tầng giao thông trọng điểm quốc gia phục vụ phát triển kinh tế, mở rộng không gian phát triển.
Đồng thời Lạng Sơn cần tập trung thực hiện các trọng tâm: đổi mới và hoàn thiện thể chế tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch; đầu tư nâng cấp và phát triển cơ sở hạ tầng đồng bộ hiện đại; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; phát triển du lịch trở thành một động lực tăng trưởng, ngành kinh tế mũi nhọn; thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp; đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng gắn với xây dựng nông thôn mới; phát huy bản sắc truyền thống tốt đẹp và tăng cường củng cố quốc phòng an ninh...
Về giải pháp thực hiện quy hoạch, người đứng đầu Chính phủ đề nghị, tỉnh Lạng Sơn khẩn trương xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch; phải luôn đổi mới tư duy, tầm nhìn, đẩy mạnh hợp tác công tư, lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, khơi thông, huy động mọi nguồn lực cho phát triển. Cùng đó, tỉnh tiếp tục tập trung đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; chú trọng quản lý các nguồn tài nguyên và bảo vệ môi trường; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về quy hoạch đến Nhân dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Thủ tướng Chính phủ đề nghị: Thời gian tới, các bộ, ngành trung ương và các địa phương tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; đoàn kết, đồng lòng, hỗ trợ nhau cùng giải quyết các vấn đề mang tính liên tỉnh, phối hợp, hỗ trợ hiệu quả với Lạng Sơn cùng cả vùng phát huy sức mạnh tổng hợp trong thực hiện quy hoạch.
Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao các nhà đầu tư đã chọn Lạng Sơn để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh. Đồng chí đề nghị các doanh nghiệp, nhà đầu tư “3 cùng" gồm: cùng lắng nghe, thấu hiểu; cùng sẻ chia tầm nhìn và hành động; cùng làm, cùng thắng, cùng hưởng và cùng phát triển.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tin tưởng rằng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quyết tâm của tỉnh và hệ thống chính trị, sự đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp, tỉnh Lạng Sơn sẽ thực hiện thắng lợi các mục tiêu quy hoạch đề ra.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Quốc Đoàn, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Lạng Sơn thay mặt các đồng chí lãnh đạo tỉnh tiếp thu đầy đủ ý kiến phát biểu chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ khẳng định: Quy hoạch tỉnh Lạng Sơn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được xây dựng với tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược dựa trên tiềm năng, thế mạnh và lợi thế so sánh của tỉnh sẽ mở ra không gian phát triển và cơ hội mới; thể hiện ý chí và khát vọng vươn lên mạnh mẽ của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Lạng Sơn. Quy hoạch tỉnh là cơ sở để tỉnh tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo hoạch định các cơ chế, chính sách, xây dựng kế hoạch đầu tư và kiến tạo động lực phát triển sản xuất, kinh doanh, thu hút đầu tư, nâng cao vị thế của tỉnh trên chặng đường hội nhập.
Về nhiệm vụ trong thời gian tới, tỉnh Lạng Sơn sẽ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, thực hiện đồng bộ Quyết định số 236 ngày 19/3/2024 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Quy hoạch tỉnh Lạng Sơn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 bằng kế hoạch hành động cụ thể, làm cơ sở triển khai đồng bộ từ cấp tỉnh đến cơ sở.
Trong chương trình hội nghị, UBND tỉnh Lạng Sơn đã trao Chủ trương đầu tư/Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 14 dự án với tổng số vốn đầu tư 18.602 tỷ đồng; trao 9 Biên bản ghi nhớ đầu tư cho các Nhà đầu tư với tổng số vốn đầu tư trên 21.500 tỷ đồng. Cũng trong khuôn khổ chương trình, dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ và các đồng chí lãnh đạo tỉnh, 29 đơn vị doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đã trao tài trợ cho Uỷ ban MTTQ tỉnh Lạng Sơn với tổng kinh phí hơn 160 tỷ đồng để xoá 3.210 căn nhà dột nát trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.
Ý kiến ()