Thủ tướng: ‘Cây gỗ chứ có phải cây kim đâu mà không biết’
Chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về “Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng và các giải pháp thực hiện trong thời gian tới” sáng nay, 14/10, Thủ tướng đề nghị làm rõ trách nhiệm trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.
Thủ tướng đề nghị các đại biểu dự hội nghị đánh giá thẳng thắn, đúng mức, đặc biệt là về hạn chế, yếu kém trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. |
Tham dự tại đầu cầu trụ sở Chính phủ còn có Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng; lãnh đạo các bộ, ban, ngành và lãnh đạo các địa phương tại các đầu cầu truyền hình trực tuyến ở 63 tỉnh, thành phố.
Phát biểu mở đầu Hội nghị, Thủ tướng cho biết chúng ta đã làm được nhiều việc, nhất là trong nhận thức và hành động. Việc xử lý nghiêm một số trường hợp và tăng cường quản lý, bảo vệ rừng ở một số địa phương đạt kết quả đáng mừng. Độ che phủ rừng năm sau cao hơn năm trước và đặc biệt năm 2017, độ che phủ rừng dự báo đạt chỉ tiêu Quốc hội đề ra. Tuy nhiên, thực trạng còn nhiều vấn đề, trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, nhất là một số giải pháp chưa có tính khả thi cao.
Tại Hội nghị, với sự tham dự của hàng ngàn người liên quan đến công tác quản lý, bảo vệ rừng, Thủ tướng đề nghị đánh giá thẳng thắn, đúng mức, đặc biệt là về hạn chế, yếu kém, “không phải vì thấy một số vụ phá rừng ở địa phương này, địa phương khác, nhất là một số vụ gần đây mà chúng ta nói phần lớn địa phương không làm tốt”.
Thủ tướng cũng đề nghị các đại biểu nêu các biện pháp có tính khả thi cao hơn, thiết thực hơn “từ thực tiễn mà các đồng chí thấy được, quan sát được”. Trong đó có các biện pháp về xã hội hóa nghề rừng, giải quyết việc làm, tạo sinh kế, cải thiện đời sống người dân sống trong rừng, gần rừng…
Ngoài bàn về hạn chế, yếu kém, Thủ tướng gợi ý các đại biểu nêu các khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện Kết luận của Thủ tướng tại Hội nghị về phát triển rừng ở Tây Nguyên tháng 6/2016 và Chỉ thị 13 của Ban Bí thư.
Về một số ý kiến đề nghị chấm dứt chuyển rừng ven biển, rừng đầu nguồn sang mục đích khác và chấm dứt chuyển loại rừng đặc dụng sang rừng phòng hộ, rừng sản xuất, các địa phương gặp khó khăn, vướng mắc gì? Cho rằng những công trình thủy điện công suất, quy mô nhỏ nhưng phá rừng rất lớn trong khi việc trồng rừng thay thế chưa được bao nhiêu, Thủ tướng đặt vấn đề việc dừng chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên sang mục đích khác có tác động như thế nào đến phát triển kinh tế – xã hội của các địa phương?
Đề nghị làm rõ trách nhiệm cụ thể trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, Thủ tướng băn khoăn: “Có một câu hỏi là chúng ta có hệ thống chính trị từ trung ương tới cơ sở, có cơ quan chuyên trách bảo vệ rừng nhưng mà nhiều địa phương vẫn xảy ra tình trạng phá rừng, khai thác rừng trái phép. Cần thảo luận cái này, từ đó xác định của cơ quan chức năng, cấp ủy, chính quyền địa phương về bảo vệ rừng, chứ không lẽ xảy ra trên địa bàn anh mà trách nhiệm không rõ là sao. Cây gỗ chứ có phải cây kim đâu mà chúng ta không biết chuyện này”.
Đề nghị xác định chế tài, kỷ cương, kỷ luật trong quản lý, bảo vệ rừng, Thủ tướng nêu rõ không có vùng cấm trong xử lý vi phạm. Cùng với đó, cần thảo luận, nêu rõ các chính sách, giải pháp nào mới hơn trong việc nâng cao hiệu quả kinh tế rừng, bảo đảm đời sống cho người dân sống bằng nghề rừng. Về lâu dài, chúng ta tính bài toán kinh tế nào để người dân thoát nghèo, phát triển bền vững từ nghề nghề rừng, “chứ không chỉ nói chuyện cấm đơn thuần mà cần tính cả bài toán an sinh”.
Cách đây hơn 1 năm, vào tháng 6/2016 tại tỉnh Đắk Lắk, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã dự Hội nghị về các giải pháp khôi phục rừng bền vững vùng Tây Nguyên nhằm ứng phó biến đổi khí hậu. Tại Hội nghị này, Thủ tướng đã nhấn mạnh chủ trương, kiên quyết đóng cửa rừng tự nhiên.
Quang cảnh Hội nghị đầu cầu Hà Nội. |
Theo báo cáo do Bộ trưởng NNPT&NT Nguyễn Xuân Cường tại Hội nghị hôm nay, việc thực hiện đóng cửa rừng tự nhiên đã có tác động tích cực tăng giá nguyên liệu gỗ rừng trồng, người trồng rừng có thu nhập tăng, kích thích sử dụng đất trống, đồi trọc để trồng rừng, góp phần nâng cao thu nhập cho người làm nghề rừng; tạo động lực cho đầu tư, phát triển rừng trồng để thay thế gỗ rừng tự nhiên.
Tuy nhiên, hiện nay một số doanh nghiệp, địa phương vẫn đề nghị được phép khai thác gỗ rừng tự nhiên và cho rằng, việc không cho phép khai thác gỗ rừng tự nhiên tăng áp lực cho công tác bảo vệ rừng.
Bên cạnh đó, tình hình vi phạm đối với rừng tự nhiên còn diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương, nhất là khu vực Tây Nguyên và một số địa phương khu vực miền Trung…
9 tháng đầu năm 2017, cả nước phát hiện 1.697 vụ phá rừng trái pháp luật, giảm 118 vụ (7%), diện tích rừng bị thiệt hại 910 ha, giảm 394 ha (30%) so với cùng kỳ 2016.
Theo kết quả tổng điều tra, kiểm kê, công bố hiện trạng rừng toàn quốc năm 2016, tổng diện tích có rừng 14,3 triệu ha.
Cổng Thông tin điện tử Chính phủ sẽ tiếp tục cập nhật thông tin về hội nghị này.
Theo baochinhphu
Ý kiến ()