Thủ tướng Bỉ cải tổ chính phủ sau khi đảng cánh hữu rút lui
Thủ tướng Bỉ Charles Michel ngày 8/12 thông báo đảng cánh hữu N-VA đã rút khỏi liên minh cầm quyền do không tán thành việc nước này tham gia Hiệp ước toàn cầu về di cư của Liên hợp quốc dự kiến được chính thức thông qua vào đầu tuần tới.
Theo đó, Thủ tướng Michel cho biết ông sẽ bổ nhiệm 2 quốc vụ khanh thay thế các bộ trưởng thuộc đảng N-VA.
Như vậy, sau nhiều ngày bấp bênh trên bờ vực sụp đổ, chính phủ theo đường lối trung hữu đã quyết định tiếp tục hoạt động mà không có đảng N-VA.
Tháng 9 vừa qua, phát biểu tại Liên hợp quốc, Thủ tướng Michel tuyên bố ông sẽ tán thành Hiệp ước di cư toàn cầu khi hiệp ước này được đưa ra thông qua tại cuộc họp của Liên hợp quốc ở Marrakech, Maroc vào ngày 10/12.
Tối 8/12, ông Michel vẫn tuyên bố giữ cam kết này và sẽ tới Marrakech. Tuy nhiên, trước đó, Chủ tịch N-VA Bart De Wever đã tuyên bố: “chúng tôi không thể tán thành hiệp ước này.”
Với sự ra đi của đảng cánh hữu N-VA, liên minh cầm quyền còn lại các đảng tự do và đảng Dân chủ Cơ đốc giáo và là một chính phủ thiểu số, do đó Thủ tướng Michel sẽ gặp khó khăn trong công tác điều hành đất nước.
Hiệp ước toàn cầu về di cư của Liên hợp quốc được 193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc thông qua hồi tháng 7 vừa qua. Mỹ đã rút ra khỏi hiệp ước này năm 2017.
Hiệp ước này bao gồm các nội dung như làm cách nào để bảo vệ người di cư, giúp người di cư hòa nhập tại môi trường sống mới hay đưa người di cư trở lại quê nhà.
Hiệp ước ra đời sau khi làn sóng người di cư đổ tới châu Âu với quy mô lớn nhất kể từ sau Chiến tranh Thế giới lần thứ Hai, trong đó đa số trốn chạy khỏi các cuộc xung đột và nạn nghèo đói ở Trung Đông và châu Phi.
Một số quốc gia thuộc khu vực Đông Âu như Cộng hòa Séc, Bulgaria, Hungary, Ba Lan và Slovakia đã công bố ý định rút khỏi hiệp ước trên.
Áo cũng tuyên bố sẽ không đưa ra cam kết đối với hiệp ước này, còn Italy dường như không ủng hộ hiệp ước sau tuyên bố phản đối của Bộ trưởng nội vụ Italy Matteo Salvini.
Tại Hà Lan, một cuộc khảo sát gần đây cho thấy 41% số người được hỏi phản đối việc ký kết hiệp ước, trong khi tỷ lệ ủng hộ là 34%. Bên ngoài EU, Australia cũng tuyên bố sẽ không tham gia hiệp ước./.
Theo Vietnamplus
Ý kiến ()