Thủ tướng Anh Theresa May tiếp tục đối mặt với thách thức
Thủ tướng Anh Theresa May (Thê-rê-xa Mây) đang phải đối mặt với nhiều thách thức khi Hạ viện nước này sẽ thảo luận về dự luật Brexit, tức Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), vào ngày 14/11, trong bối cảnh những biến động chính trị thời gian qua khiến khả năng lãnh đạo và ảnh hưởng chính trị của bà bị lung lay.
Bà May sẽ phải thúc đẩy để dự luật Anh rời khỏi EU, được coi là một văn kiện quan trọng nhất trong tiến trình đàm phán Brexit, được thông qua tại Hạ viện trước sự phản đối của nhiều nghị sĩ ngay trong đảng Bảo thủ có quan điểm ủng hộ ở lại châu Âu. Những nghị sĩ Bảo thủ “nổi loạn” này được cho là có kế hoạch bắt tay với Công đảng đối lập để gây áp lực buộc chính phủ của bà May phải chấp nhận những sửa đổi bổ sung vào dự luật trên, nếu không tiến trình Brexit có thể bị “trì hoãn hoặc dừng lại”.
Trong khi đó, theo tờ “Sunday Times”, tới nay đã có 40 nghị sĩ đảng Bảo thủ sẵn sàng ký bức thư bày tỏ bất tín nhiệm Thủ tướng May, tức là chỉ cần 8 nghị sĩ nữa ký tên, tương lai của bà May sẽ được định đoạt trong một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại Hạ viện. Bên cạnh đó, đã xuất hiện thông tin về một “bản ghi chú” do 2 bộ trưởng ủng hộ Brexit, là Ngoại trưởng Boris Johnson (Bô-rít Giôn-xơn) và Bộ trưởng Môi trường Michael Gove (Mai-cơn Gốp), bí mật trình lên Thủ tướng May, với nội dung vạch ra lộ trình chuyển tiếp và nhắc nhở bà May “củng cố lại quyết tâm” về việc Anh rời khỏi EU. Trước thông tin này, Công đảng và các đảng đối lập khác cảnh báo bà May không còn đủ ảnh hưởng đối với các nghị sĩ của đảng Bảo thủ tại Hạ viện để đảm bảo dự luật rời khỏi được thông qua. Tuy nhiên, trả lời báo chí ngày 12/11 về những thông tin cho rằng các nhà lãnh đạo EU đang chuẩn bị cho tình huống bà May không còn là thủ tướng, Bộ trưởng Brexit của Anh David Davis (Đây-vít Đa-vít) khẳng định “chắc chắn” rằng bà May sẽ tiếp tục tại vị, ít nhất là đến sau Brexit.
Trong 10 ngày qua, chính phủ của Thủ tướng Theresa May đã trải qua khủng hoảng khi Bộ trưởng Quốc phòng Michael Fallon (Mai-cơn Pha-lơn) và Bộ trưởng Hợp tác quốc tế Priti Patel (Pri-ti Pa-tên) từ chức, trong khi Phó Thủ tướng Damian Green (Đa-mi-an Grin) bị điều tra vì những cáo buộc “có hành vi không đúng mực”. Ngoại trưởng Boris Johnson cũng phải đối mặt với sức ép từ chức liên quan vụ một công dân Anh gốc Iran đang chịu án tù tại Tehran.
Trước đó, Chính phủ Anh đã công bố một dự luật bổ sung về Brexit, trong đó quy định chính thức thời điểm nước Anh rời khỏi EU là vào 11 giờ đêm 29/3/2019, sớm hơn 1 giờ so với dự kiến trước đó. Dự luật này cũng yêu cầu các nghị sĩ có quan điểm thân châu Âu phải công khai tuyên bố họ có phản đối nước Anh rời khỏi EU vào thời điểm ấn định trên hay không./.
Theo Dangcongsan
Ý kiến ()