Thủ tướng Anh đệ trình Quốc hội xem xét kế hoạch Brexit
Ngày 12/10, Thủ tướng Anh Theresa May tỏ ý sẽ đệ trình kế hoạch đưa nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit do bà đề xuất lên Quốc hội nước này xem xét trước khi chính thức khởi động tiến trình rút khỏi ngôi nhà chung châu Âu.
Tuy nhiên, nhà lãnh đạo này cũng thẳng thắn bác bỏ lời kêu gọi về việc tiến hành bỏ phiếu trước những điều khoản trong bản kế hoạch Brexit do bà đề xuất. Theo lập luận của bà May thì bất kỳ sự đánh giá nào cũng không thể giúp thay đổi kết quả của cuộc trưng cầu dân ý ngày 23/6 với kết quả nghiêng về kịch bản Brexit. “Người Anh sẽ rời khỏi EU. Chúng ta không đòi hỏi giữ lại một chút tư cách thành viên nào trong liên minh này” – bà May nói.
Tuyên bố mới nhất của bà May được cho là đã khiến cho giá trị của đồng bảng Anh được khôi phục trở lại sau một tuần sụt giảm, trước những thông tin cho rằng Thủ tướng có thể sẽ đưa ra một cách “tiếp cận mềm mỏng hơn” đối với vấn đề Brexit. Tuyên bố này được Thủ tướng Anh đưa ra chỉ vài giờ trước khi Hạ viện Anh, ngày 12/10 đã tiến hành tranh luận về lời kêu gọi do đảng Lao động đối lập nhằm yêu cầu các nghị sỹ trong Quốc hội Anh phải được phép “xem xét một cách phù hợp” chiến lược của chính phủ.
Phản ứng sau tuyên bố của bà May, phát ngôn viên về Brexit của đảng Lao động Keir Starmer xem động thái của Thủ tướng là một “chiến thắng thực sự của Quốc hội Anh”. Tuy nhiên, ông Starmer cũng lưu ý rõ một quan điểm rằng cơ quan lập pháp Anh không có “sự ủy thác nào” trước những điều khoản trong bản kế hoạch Brexit.
Về phía Bộ trưởng phụ trách vấn đề Brexit của Anh David Davis cho rằng, phản ứng của đảng Lao động “nhìn chung rất đáng hoan nghênh”. Bên cạnh đó, ông Davis cũng chia sẻ quan điểm của Thủ tướng và bác bỏ khả năng bỏ phiếu về kế hoạch Brexit.
“Chúng tôi cần thẳng thắn rằng, chúng tôi đề xuất và hoan nghênh sự xem xét của Quốc hội (đối với kế hoạch Brexit), tuy nhiên điều này không nên được sử dụng như một công cụ để hủy hoại lập trường đàm phán của chính phủ hay cản trở tiến trình đưa nước Anh rời khỏi ngôi nhà chung” – ông Davis nói. Bên cạnh đó, ông Davis cũng bác bỏ động thái của đảng Lao động nhằm đặt ra 170 câu hỏi cho chính phủ liên quan tới chi tiết bản kế hoạch Brexit, với 1 câu hỏi được đưa ra trong 1 ngày cho tới tháng 3/2017 – thời hạn chót mà bà May đã đề ra để kích hoạt Điều 50 trong Hiệp ước Lisbon – một thủ tục quan trọng để Anh rời khỏi EU.
Trong khi đó, một phát ngôn viên của bà May khẳng định, Thủ tướng luôn muốn Quốc hội đóng “vai trò quan trọng” trong tiến trình Brexit. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo này cũng yêu cầu một sự cân nhắc “đầy đủ và minh bạch” từ phía cơ quan lập pháp về vấn đề này. “Chúng tôi luôn khẳng định vai trò quan trọng của Quốc hội trong tiến trình Brexit…Tuy nhiên, chúng tôi tin rằng điều này nên được thực hiện dựa trên tinh thần tôn trọng quyết định mà người dân Anh đã thể hiện trong cuộc bỏ phiếu ngày 23/6 cũng như không làm tổn hại đến lập trường đàm phán của chính phủ sau khi Điều 50 (trong Hiệp ước Lisbon) được kích hoạt” – nữ phát ngôn viên trên nêu rõ./.
Theo Dangcongsan
Ý kiến ()