Thủ tướng Anh bất ngờ đảo ngược chính sách thuế
Kế hoạch cắt giảm mức thuế thu nhập cao nhất của Thủ tướng Anh Liz Truss đã bị hủy bỏ chỉ sau 10 ngày thực hiện, đánh dấu sự đảo ngược chính sách lớn đầu tiên kể từ khi bà Truss nhậm chức.
Theo AFP, ngày 3-10, tại hội nghị thường niên của Đảng Bảo thủ cầm quyền, Bộ trưởng Tài chính Anh Kwasi Kwarteng cho biết không thể tiếp tục thực hiện kế hoạch cắt giảm mức thuế thu nhập cao nhất 45%, sau khi chứng kiến phản ứng hỗn loạn của thị trường quốc tế trong tuần qua và trước áp lực bị chỉ trích dữ dội ngay trong nội bộ Đảng Bảo thủ. Cùng ngày, chính quyền của Thủ tướng Truss đã tuyên bố hủy bỏ kế hoạch cắt giảm thuế đầy tranh cãi này.
Sự đảo ngược chính sách này diễn ra sau khi ngày càng có nhiều thành viên Đảng Bảo thủ, bao gồm cả các cựu bộ trưởng có uy tín, phản đối kế hoạch “Ngân sách ngắn hạn” của chính phủ. “Tôi không thể ủng hộ việc loại bỏ mức thuế thu nhập cao nhất 45% cho người giàu, trong khi các y tá đang phải vật lộn để thanh toán các hóa đơn của họ,” AP dẫn tuyên bố của nhà lập pháp cũng là thành viên Đảng Bảo thủ Maria Caulfield.
Thủ tướng Anh Liz Truss và Bộ trưởng Tài chính Kwasi Kwarteng tại hội nghị thường niên của Đảng Bảo thủ ở Birmingham (Anh), ngày 2-10. Ảnh: Reuters |
Trước đó, vào ngày 23-9, Chính phủ Anh đã công bố kế hoạch “Ngân sách ngắn hạn” với hy vọng đưa nền kinh tế thoát khỏi nhiều năm tăng trưởng trì trệ. Theo đó, mức thuế suất 45% áp dụng cho những người Anh kiếm được hơn 150.000 bảng Anh (167.400USD) mỗi năm sẽ được bãi bỏ, kèm theo đó là các hứa hẹn cắt giảm thuế doanh nghiệp, bảo hiểm quốc gia và thuế suất cơ bản của thuế thu nhập. Việc cắt giảm thuế cùng với việc hỗ trợ các hóa đơn năng lượng cho các hộ gia đình khiến Chính phủ Anh buộc phải vay thêm 65 tỷ bảng Anh (73 tỷ USD) để bổ sung cho ngân sách. Trái với kỳ vọng, dù mới được áp dụng ít ngày, kế hoạch trên đã gây ra một cuộc khủng hoảng niềm tin của nhà đầu tư vào chính phủ, khiến đồng bảng Anh lao dốc xuống mức thấp kỷ lục, đồng thời làm chao đảo thị trường toàn cầu, khiến Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) lên tiếng chỉ trích và yêu cầu Anh xem xét lại.
Quyết định đảo ngược chính sách lần này có thể sẽ khiến bà Truss và ông Kwarteng chịu áp lực lớn, bởi lẽ nó được coi là một thất bại chính trị đáng xấu hổ ở một quốc gia đã có 4 thủ tướng chỉ trong 6 năm qua. Đây cũng là nguồn cơn khiến Đảng Lao động đối lập ở Anh chỉ trích chính quyền Thủ tướng Truss đã phá hủy uy tín, làm tổn hại niềm tin đối với nền kinh tế. “Họ cần phải đảo ngược toàn bộ chiến lược kinh tế mất uy tín của mình”, người phát ngôn của Đảng Lao động Rachel Reeves tuyên bố.
Trong ngày đầu tiên diễn ra hội nghị thường niên của Đảng Bảo thủ (2-10), bà Truss đã lên tiếng thừa nhận sai lầm trong kế hoạch cắt giảm thuế, song dường như bà vẫn chưa sẵn sàng chấp nhận đảo ngược chính sách: “Tôi thừa nhận chúng ta nên đặt nền tảng tốt hơn và tôi đã học được từ điều đó, tôi bảo đảm rằng tôi sẽ làm tốt hơn việc đặt nền móng trong tương lai”. Thủ tướng Anh lập luận rằng đó là “quyết định đúng đắn khi vay thêm vào mùa đông này để đối mặt với những hậu quả bất thường mà nước Anh đang phải đối mặt”, đề cập đến cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay và cho rằng, nếu không áp dụng các biện pháp thích hợp thì lạm phát và hóa đơn năng lượng của các hộ gia đình sẽ tiếp tục tăng cao. Bà Truss cũng thừa nhận đã không thảo luận về kế hoạch cắt giảm thuế với toàn bộ nội các, đồng thời ám chỉ rằng quyết định của bà được đưa ra dựa trên tham mưu của Bộ trưởng Tài chính Kwasi Kwarteng.
Thủ tướng Anh đã phải đối mặt với sự giận dữ của công chúng trong những ngày qua liên quan đến kế hoạch cắt giảm thuế cho người giàu, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt buộc hàng triệu người Anh phải đứng trước lựa chọn khó khăn: Năng lượng cho sưởi ấm hay để nấu ăn.
Người tiền nhiệm của bà, cựu Thủ tướng Boris Johnson đã đánh mất sự ủng hộ của hàng triệu cử tri sau bê bối Partygate. Còn giờ đây, chưa đầy một tháng kể từ khi bà Truss nhậm chức, tỷ lệ cử tri ủng hộ Đảng Lao động đối lập đã dẫn trước 19% so với tỷ lệ cử tri ủng hộ Đảng Bảo thủ cầm quyền. Các cuộc thăm dò cho thấy, tỷ lệ cử tri ủng hộ Đảng Lao động là 46%, so với 27% dành cho Đảng Bảo thủ. Có tới 55% cử tri không ủng hộ bà Truss, trong khi con số tán thành chỉ còn 18%.
Sự phản đối giận dữ của người dân Anh xung quanh kế hoạch ngân sách của Thủ tướng cũng làm dấy lên luồng dư luận rằng bà Truss có thể đối mặt với thách thức làm lung lay chiếc ghế thủ tướng, không lâu sau khi cựu Thủ tướng Johnson bị buộc phải từ chức, làm giảm sút nghiêm trọng uy tín của Đảng Bảo thủ cầm quyền.
Ý kiến ()