Thủ tục hành chính hải quan được điện tử hóa ở hầu hết các khâu
Công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC) lĩnh vực hải quan được triển khai thường xuyên, liên tục với mục tiêu rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa qua biên giới, tạo thuận lợi về thủ tục và giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp.
Ảnh minh họa |
Kết quả công tác cải cách TTHC của ngành Hải quan đã được thể hiện trên nhiều mặt công tác. Cụ thể, thông qua việc triển khai rà soát, sửa đổi, bổ sung hệ thống pháp luật hải quan, nổi bật là việc tham mưu ban hành Nghị định số 59/2018/NĐ-CP ngày 20/4/2018 và ban hành Thông tư số 39/2018/TT-BTC ngày 20/4/2018, thủ tục hành chính hải quan tiếp tục được đơn giản hóa, bảo đảm tính cần thiết, hợp lý, hợp pháp, được điện tử hóa ở hầu hết các khâu; đề xuất cắt giảm 19/29 điều kiện kinh doanh, bãi bỏ 5, đơn giản hóa 9 TTHC. Việc cắt giảm, đơn giản hóa TTHC sẽ tiết kiệm nhiều chi phí cho doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, Tổng cục Hải quan đang tích cực hoàn thiện Đề án tái thiết kế tổng thể hệ thống công nghệ thông tin, khung kiến trúc Chính phủ điện tử ngành Hải quan, Đề án đầu tư hệ thống seal định vị điện tử phục vụ giám sát hải quan đối với hàng hóa vận chuyển bằng container; tiếp tục triển khai Hệ thống quản lý hàng hóa tự động (VASSCM) tại cảng biển; đảm bảo các hệ thống công nghệ thông tin (CNTT) ngành Hải quan hoạt động ổn định.
Đến nay, Tổng cục Hải quan đã thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 đạt 90% tổng số TTHC; triển khai 175 TTHC của 13 bộ, ngành trên Cơ chế một cửa quốc gia; trao đổi giấy chứng nhận xuất xứ mẫu D bản điện tử với 5 nước: Indonesia, Malaysia, Singapore, Thái Lan và Brunei.
Thời gian qua, cơ quan Hải quan đã đẩy mạnh áp dụng phương pháp quản lý hải quan hiện đại, như: Kiểm tra sau thông quan; quản lý rủi ro; xác định trước mã, trị giá, xuất xứ; công nhận doanh nghiệp ưu tiên về hải quan. Hiện Tổng cục Hải quan đang xây dựng dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm bảo lãnh thông quan, cơ chế này sẽ cung cấp cơ chế kiểm soát để cho phép giảm thời gian thông quan và tăng cường tính tuân thủ.
Cùng với cải cách TTHC trong nội ngành, những năm qua, ngành Hải quan đã đóng vai trò là đầu mối, chủ động phối hợp với các bộ, ngành để cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa XNK. Đã có 13 bộ, ngành sửa đổi, bổ sung được 84/87 văn bản quy phạm pháp luật về kiểm tra chuyên ngành theo Quyết định số 2026/QĐ-TTg, 13/29 văn bản quy phạm pháp luật về kiểm tra chuyên ngành theo Quyết định số 1254/QĐ-TTg; các bộ đã tích cực điện tử hóa thủ tục kiểm tra chuyên ngành, tham gia Cơ chế một cửa quốc gia, cắt giảm 12.600 mặt hàng thuộc diện kiểm tra chuyên ngành, thay đổi phương thức kiểm tra, áp dụng quản lý rủi ro trong kiểm tra, nhiều mặt hàng đã được chuyển thời điểm kiểm tra từ giai đoạn trước thông quan sang sau thông quan. Đến nay số lượng tờ khai nhập khẩu thuộc diện kiểm tra chuyên ngành so với tổng số lô hàng nhập khẩu làm thủ tục hải quan tại các cửa khẩu chiếm 19,1% (cuối năm 2015 là 30 – 35%).
Những nỗ lực cải cách TTHC của Tổng cục Hải quan đã rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa qua biên giới; tạo thuận lợi về thủ tục và giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp; đồng thời góp phần hoàn thành mục tiêu Chính phủ đã đề ra tại Nghị quyết số 02/NQ-CP.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin
Trong thời gian tới, mục tiêu cải cách TTHC lĩnh vực hải quan sẽ hướng tới việc tiếp tục hoàn thiện thể chế, pháp luật về hải quan hướng tới các tiêu chuẩn phổ biến của các nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế; tăng cường ứng dụng CNTT trong quản lý và giải quyết thủ tục hải quan; tiếp tục tinh gọn tổ chức bộ máy và nâng cao chất lượng đội ngũ công chức Hải quan nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam. Bên cạnh đó, Tổng cục Hải quan sẽ tiếp tục chủ động phối hợp với các bộ, ngành quyết liệt cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.
Trong công tác quản lý thuế, Tổng cục Hải quan đã tích cực phối hợp với cơ quan chức năng, Kho bạc Nhà nước và các ngân hàng thương mại đẩy mạnh việc thanh toán thuế điện tử trong lĩnh vực xuất nhập khẩu. Tính đến ngày 30/9/2019, cả nước đã có 41 ngân hàng thương mại tham gia phối hợp thu và 28 ngân hàng thương mại tham gia triển khai Đề án nộp thuế điện tử 24/7. Tỷ lệ thanh toán, nộp tiền thuế điện tử qua ngân hàng phối hợp thu, Kho bạc Nhà nước luôn đạt trên 90% tổng thu NSNN của ngành Hải quan. Qua đó, tiếp tục đơn giản hoá thủ tục nộp tiền thuế, tiết kiệm thời gian và chi phí cho các doanh nghiệp, mở thêm kênh thanh toán cho người nộp thuế. Người nộp thuế chủ động nộp tiền thuế tại bất kỳ nơi nào có internet, vào mọi lúc, mọi nơi, mọi phương tiện; việc nộp thuế không phụ thuộc vào thời gian làm việc, địa điểm làm việc của các cơ quan thu như: Ngân hàng, Kho bạc Nhà nước, Hải quan…
Đối với cơ quan quản lý, thanh toán thuế điện tử trong lĩnh vực xuất nhập khẩu đã giúp tiết kiệm nhân lực, đảm bảo an toàn trong công tác quản lý, đơn giản quy trình thu nộp thuế; đảm bảo trừ nợ chính xác khoản nợ thuế kịp thời ngay sau khi doanh nghiệp nộp thuế, chấm dứt tình trạng cưỡng chế nhầm doanh nghiệp sau khi đã nộp thuế; hạn chế tối đa phải điều chỉnh chứng từ nộp tiền còn sai sót thông tin. Qua đó tăng mức độ hài lòng của cộng đồng doanh nghiệp, các nhà đầu tư quốc tế.
Đối với ngân hàng thương mại phối hợp thu với Tổng cục Hải quan, thanh toán thuế điện tử trong lĩnh vực xuất nhập khẩu giúp phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ thanh toán cho các khách hàng; thu hút thêm khách hàng tiềm năng; đồng thời hạn chế các chứng từ nộp tiền sai sót thông tin cần phải tra soát.
Theo Chinhphu
Ý kiến ()