Thủ tục đưa người đi cai nghiện ma túy bắt buộc: Nhiều khó khăn, vướng mắc cần được tháo gỡ
(LSO) – Thời gian qua, tình hình tội phạm liên quan đến ma túy vẫn diễn biến phức tạp. Trong số đó, đã có rất nhiều vụ án mạng, gây thương tích do người nghiện ma túy gây ra, khiến dư luận bức xúc, hoang mang, ảnh hưởng lớn tới tình hình an ninh trật tự trên địa bàn. Phức tạp là vậy, song công tác quản lý người nghiện ma túy, nhất là việc thực hiện đưa người đi cai nghiện bắt buộc hiện nay đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc do các quy định về trình tự, thủ tục.
Hiện nay, toàn tỉnh có trên 3.110 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý, ngoài ra còn nhiều trường hợp sử dụng ma túy, nhất là ma túy tổng hợp chưa được thống kê, xác định. Đây là số có nguy cơ cao về vi phạm pháp luật. Tại Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh có trên 250 học viên đang cai nghiện bắt buộc, trong đó, riêng từ đầu năm 2020 đến nay cơ sở tiếp nhận 71 trường hợp.
Học viên Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh trong giờ học văn hóa
Ông Nguyễn Văn Hậu, chuyên viên Phòng Phòng, chống tệ nạn xã hội – Bình đẳng giới, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết: Hiện nay, quy định biện pháp đưa người vào cơ sở cai nghiện bắt buộc được thực hiện theo Nghị định 136/2016/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 221/2013/NĐ-CP của Chính phủ; Luật Phòng, chống ma túy và một số văn bản quy phạm pháp luật khác. Theo quy định hiện hành, để đưa người vào cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc phải có quyết định của tòa án sau khi qua các bước thẩm tra của các đơn vị: công an; y tế; tư pháp; lao động, thương binh và xã hội nên mất rất nhiều thời gian. Đặc biệt, trước khi có quyết định của tòa án, người nghiện ma túy được đọc hồ sơ về tình trạng nghiện, thông báo về việc sẽ đưa đi cai nghiện bắt buộc của mình trong vòng 5 ngày. Thực tế, người nghiện ma túy phần đa sẽ không hợp tác và thường trốn khỏi địa phương khi biết mình sắp phải đi cai nghiện bắt buộc.
Cùng chia sẻ khó khăn trên, Trung tá Nguyễn Ngọc Thuần, Đội trưởng Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Công an huyện Chi Lăng cho biết: Tôi thấy quy định hiện hành về việc làm thủ tục đưa người đi cai nghiện bắt buộc khá rườm rà, phức tạp, bất cập. Sau khi xác định được tình trạng nghiện ma túy thì người nghiện ma túy được quản lý, giáo dục tại xã, phường, thị trấn trong vòng 3 tháng và được cấp giấy chứng nhận. Sau thời gian này mà phát hiện còn nghiện ma túy, vi phạm pháp luật thì sẽ làm thủ tục đưa đi cai nghiện bắt buộc. Tuy nhiên, để đưa họ đi cai nghiện bắt buộc thì theo quy định phải qua nhiều khâu, trong đó có việc gửi hồ sơ, thông báo trước để người nghiện ma túy nắm được, điều này rất dễ để đối tượng bỏ trốn. Từ đầu năm 2020 đến nay, Công an huyện đã phối hợp lập hồ sơ 7 trường hợp đưa đi cai nghiện bắt buộc, nhưng chỉ đưa được 6 người đi, 1 trường hợp sau khi nhận được hồ sơ đã bỏ trốn.
Khó khăn nữa là người có thẩm quyền xác định tình trạng nghiện ma túy là bác sỹ, y sĩ được cấp chứng nhận hoặc chứng chỉ tập huấn về chẩn đoán, điều trị cắt cơn nghiện ma túy đang làm việc tại các cơ sở y tế. Tuy nhiên, quy trình xét nghiệm, kiểm tra tình trạng nghiện ma túy của các đối tượng không hề đơn giản. Bà Hoàng Thị Đặng, Trưởng Khoa phòng chống HIV/AIDS, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Hiện nay, tất cả các trạm y tế xã, phường, thị trấn trên địa bàn đều có ít nhất 1 y, bác sĩ trở lên được cấp chứng chỉ xác nhận tình trạng nghiện của bệnh nhân. Tuy nhiên, việc xác định tình trạng nghiện gặp nhiều khó khăn như: chất gây nghiện có hơn 250 chất theo quy định, ngoài ra còn nhiều thuốc gây nghiện khác cũng phổ biến nhưng chưa xác định được tình trạng nghiện như: cần sa, cỏ Mỹ, ketamin, cocain… Bên cạnh đó, việc xác định tình trạng nghiện của đối tượng gặp khó nếu người nghiện không chịu hợp tác, hội chứng cai không rõ ràng. Ngoài ra, địa điểm kiểm tra xác định tình trạng nghiện tại tuyến xã vẫn chưa đáp ứng đủ các điều kiện về khu riêng biệt, cũng như đảm bảo an ninh, an toàn.
Trước những khó khăn trên, các cơ quan chuyên môn trên địa bàn tỉnh đã có nhiều đề xuất, kiến nghị các cấp, ngành tháo gỡ. Ông Nguyễn Văn Hậu, chuyên viên Phòng Phòng, chống tệ nạn xã hội – Bình đẳng giới, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết: Trước những vướng mắc, khó khăn trên, chúng tôi đã tham mưu với lãnh đạo phòng và lãnh đạo sở đã đề xuất, kiến nghị đến các cơ quan chuyên môn, cấp có thẩm quyền sớm có biện pháp “gỡ nút thắt” trong các quy định bất cập của pháp luật về cai nghiện bắt buộc để nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện ma túy. Mong các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quan tâm xem xét, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế. Qua đó, góp phần giảm số lượng người nghiện ma túy, ổn định an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh.
Ý kiến ()