Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng hội đàm với Quốc vụ khanh Ngoại giao Đức
Quốc vụ khanh Niels Annen khẳng định chính sách của Đức coi trọng và tăng cường sự hiện diện, hợp tác với khu vực, trong đó Việt Nam tiếp tục là một hướng ưu tiên cao.
Chiều 19/3, theo đề xuất của phía Đức, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng đã có cuộc hội đàm trực tuyến với Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Đức Niels Annen để trao đổi về quan hệ song phương và những vấn đề cùng quan tâm.
Tại cuộc hội đàm, Quốc vụ khanh Niels Annen chúc mừng Việt Nam đảm nhiệm thành công vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020.
Đặc biệt, Quốc vụ khanh đánh giá cao sự phối hợp chặt chẽ giữa Việt Nam trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2020 và Đức trên cương vị Chủ tịch Liên minh châu Âu (EU – nửa cuối 2020), góp phần đưa quan hệ đối tác ASEAN-Đức nói riêng và ASEAN-EU nói chung đạt những thành công quan trọng, trong đó có việc nâng cấp quan hệ ASEAN-EU lên Đối tác chiến lược.
Ghi nhận quan hệ hợp tác song phương đang phát triển tốt đẹp trên tất cả các mặt, Quốc vụ khanh Niels Annen khẳng định chính sách của Đức coi trọng và tăng cường sự hiện diện, hợp tác với khu vực, trong đó Việt Nam tiếp tục là một hướng ưu tiên cao.
Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng khẳng định Việt Nam coi trọng quan hệ hợp tác với Đức, đánh giá cao sự ủng hộ, phối hợp của Đức dành cho Việt Nam trong năm 2020 cả trong khuôn khổ ASEAN và Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Chia sẻ đánh giá về phát triển tốt đẹp trong quan hệ song phương, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng hoan nghênh Đức tăng cường hơn nữa hợp tác với các nước ASEAN và khu vực, hỗ trợ ASEAN xây dựng cộng đồng và ứng phó với các thách thức đang nổi lên.
Về tình hình Myanmar, Quốc vụ khanh Niels Annen cho biết Đức rất quan tâm theo dõi và lo ngại về tình hình bất ổn, bạo lực leo thang, khẳng định phía Đức ủng hộ nỗ lực thời gian qua của ASEAN và trông đợi ASEAN tiếp tục phát huy vai trò, hỗ trợ đối thoại và giải pháp.
Chia sẻ lo ngại về những diễn biến tại Myanmar, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng thông báo Việt Nam đang tích cực phối hợp cùng các nước ASEAN tham gia hỗ trợ tìm giải pháp, kêu gọi kiềm chế, đối thoại và hòa giải, nhằm đưa tình hình trở lại bình thường vì lợi ích của nhân dân Myanmar cũng như vì hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực./.
Ý kiến ()