Thứ trưởng Bộ Giáo dục: Không để thí sinh bỏ thi vì khó khăn
Không được để thí sinh phải nhịn đói đi thi, hoặc không đến được trường thi vì khó khăn là chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ với sở giáo dục và đào tạo các địa phương.
Chỉ còn hai tuần nữa, Kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2019 sẽ chính thức bắt đầu. Để đảm bảo kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, những ngày qua, đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo thi Trung học phổ thông quốc gia và tuyển sinh năm 2019 do Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ làm trưởng đoàn đã đi thị sát công tác chuẩn bị thi ở nhiều địa phương.
Bố trí xe đưa đón thí sinh
Với các tỉnh miền núi, địa hình phức tạp, nhiều trường ở xa trung tâm, thí sinh thi đi lại khó khăn, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ đặc biệt chú trọng công tác hỗ trợ thí sinh đi thi được thuận lợi nhất.
Tại Yên Bái, theo ông Vương Văn Bằng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo thi tỉnh Yên Bái, toàn tỉnh năm nay có hơn 7.000 thí sinh đăng ký dự thi, trong đó trên 6.700 học sinh lớp 12 và 343 em là thí sinh tự do.
Tỉnh Yên Bái đã bố trí 25 điểm thi với 305 phòng thi, gần 1.000 cán bộ ngành giáo dục và ngành liên quan tham gia coi thi. Bên cạnh Ban chỉ đạo thi cấp tỉnh, 9 Ban Chỉ đạo thi cấp huyện/thành phố cũng được thành lập nhằm đảm bảo việc chỉ đạo, phối hợp tổ chức Kỳ thi tốt nhất.
Cũng theo ông Bằng, là tỉnh miền núi với địa bàn rộng nên ở Yên Bái, có những điểm thi cách trung tâm thành phố gần 200 km, thời gian di chuyển từ trung tâm đến điểm thi khoảng 5 tiếng. Bên cạnh đó, tình hình mưa bão, sạt lở diễn biến phức tạp. Toàn tỉnh có 576 thí sinh gặp khó khăn khi di chuyển trong quá trình dự thi, 454 em phải đi từ các khu lẻ đến điểm thi.
Trong điều kiện khó khăn đó, để đảm bảo cho tất cả thí sinh đến được điểm thi, dự thi an toàn, tỉnh Yên Bái đã có kế hoạch bố trí xe ô tô, xe máy đưa đón các em. Một số trường có bố trí phòng trọ miễn phí, phối hợp với khu dân cư hỗ trợ chỗ trọ giá hợp lý cho thí sinh. Trong một số tình huống thời tiết xấu, các điểm thi còn để thí sinh ở bán trú, nội trú, phục vụ ăn uống tại trường.
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ (thứ hai từ phải sang) và đoàn công tác của Ban chỉ đạo thi quốc gia kiểm tra công tác chuẩn bị thi tại Trường Trung học phổ thông Điện Biên, tỉnh Điện Biên.
Cấp gạo cho thí sinh đi thi
Cũng là một tỉnh miền núi, địa hình phức tạp, tỷ lệ học sinh là người dân tộc thiểu số cao, điều kiện kinh tế người dân còn nhiều khó khăn, nên tại Điện Biên, công tác hỗ trợ thí sinh cũng được tỉnh đặc biệt quan tâm.
Thông tin tại buổi làm việc với đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo thi Trung học phổ thông quốc gia, ông Nguyễn Văn Kiên, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên cho biết, năm 2019, Điện Biên có trên 5.300 thí sinh đăng ký dự thi, trong đó có gần 2.500 thí sinh, chiếm trên 46,5% tổng số thí sinh, chỉ dự thi để xét công nhận tốt nghiệp.
Theo ông Lê Văn Quý, Phó Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2019 tỉnh Điện Biên, công tác chuẩn bị các điều kiện cho kỳ thi đã được tỉnh Điện Biên thực hiện chu đáo, theo đúng quy định của Bộ và sát với tình hình thực tế địa phương. “Quan điểm của tỉnh là tạo điều kiện tốt, tâm thế thoải mái nhất cho học sinh, phụ huynh bước vào kỳ thi,” ông Quý nói.
Ông Quý cho hay, đặc điểm thời tiết địa phương là mưa bão gây sạc lở , cản trở giao thông có thể xảy ra bất cứ lúc nào, học sinh miền núi còn nhiều thiếu thốn, có em thậm chí phải nhịn ăn đi thi. Vì thế, ông Quý đã đề nghị các cấp, các ngành, đặc biệt là ngành giáo dục Điện Biên phải chuẩn bị đầy đủ các phương án, trong đó quan tâm đến học sinh nghèo, học sinh vùng dân tộc thiểu số diện học nội trú, cấp gạo đầy đủ cho các em vào dịp tháng 6 – thời điểm mà các em không còn được nhận gạo hỗ trợ của Nhà nước.
Đánh giá cao sự nỗ lực của các địa phương trong việc chuẩn bị kỳ thi cũng như công tác hỗ trợ thí sinh khu vực khó khăn, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ đề nghị các địa phương triển khai thực hiện tốt các kế hoạch đề ra. Thứ trưởng cũng yêu cầu ban chỉ đạo thi các địa phương đặc biệt lưu ý vấn đề thời tiết khu vực miền núi bất thường, như trong năm 2018, tại Lai Châu, mưa lũ làm “xóa sổ” một điểm thi ngay trước kỳ thi. Vì vậy, các địa phương cần có dự báo và phương án dự phòng.
“Cố gắng không để thí sinh vì đi lại khó khăn mà không tới được trường thi,” Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh./.
Ý kiến ()