Thu tiền hỗ trợ xử lý chất thải: Giải pháp bù đắp tác động môi trường
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, nếu doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm, bao bì không thân thiện với môi trường thì họ phải có trách nhiệm chia sẻ, hỗ trợ một phần chi phí xử lý chất thải.
Từ ngày 1/1/2023, nhà sản xuất, nhập khẩu các sản phẩm, bao bì chứa chất độc hại, khó có khả năng tái chế hoặc gây khó khăn cho thu gom, xử lý sẽ phải đóng góp tài chính vào Quỹ bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ các hoạt động xử lý chất thải theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020.
Theo đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang đề xuất 6 nhóm sản phẩm, bao bì nhà sản xuất, nhập khẩu phải đóng tiền hỗ trợ xử lý chất thải gồm: Thuốc lá (mẩu thuốc lá); kẹo cao su; các sản phẩm làm từ nhựa; tã bỉm, băng vệ sinh, khăn ướt; sản phẩm may mặc, giày, dép; bao bì thuốc bảo vệ thực vậ, hóa chất tẩy rửa.
Đề xuất mức thu dựa trên giá trị sản phẩm
Thông tin tới phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus sáng 24/9, đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết đề xuất trên được đưa ra trong dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường 2020 hiện đang gửi Bộ Tư pháp thẩm định trước khi trình Chính phủ ban hành trong thời gian tới.
Đối tượng phải đóng góp tài chính để hỗ trợ xử lý chất thải là các nhà sản xuất, nhập khẩu sản phẩm, bao bì chứa chất độc hại, khó có khả năng tái chế hoặc gây khó khăn cho thu gom, xử lý theo quy định tại Điều 55 Luật Bảo vệ môi trường.
Theo đó, với nhóm bao bì chứa thuốc bảo vệ thực vật, diệt côn trùng, hóa chất khử trùng, hóa chất tẩy các loại, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất thu tiền xử lý chất thải theo số lượng chai, lọ, bao, gói, bình đựng. Mức thu tiền được đề xuất là từ 20-250 đồng/chiếc, tùy theo dung tích và loại vật liệu bao bì.
Tương tự, sản phẩm kẹo cao su được đề xuất áp dụng mức thu 1% tổng giá trị lô hàng được bán trên thị trường hoặc tổng giá trị lô hàng nhập khẩu.
Thuốc lá loại được Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất đóng mức phí xử lý chất thải 80 đồng/20 điếu.
Đối với sản phẩm, bao bì sử dụng nhựa làm nguyên liệu như dao, kéo, thìa, đĩa, đũa, cốc, hộp đựng, màng bọc thực phẩm dùng một lần; sản phẩm may mặc, sản phẩm da, túi, giày, dép, đồ chơi trẻ em, đồ nội thất bằng nhựa sẽ phải đóng góp tiền để hỗ trợ xử lý chất thải 1.500 đồng/kg nhựa được sử dụng.
Bên cạnh đó, các sản phẩm tã lót, băng vệ sinh, khăn ướt dùng một lần cũng phải đóng phí xử lý chất thải bằng 1% tổng giá trị lô hàng được bán trên thị trường.
Theo dự thảo Nghị định, các khoản đóng góp nêu trên sẽ được sử dụng để hỗ trợ trực tiếp cho các hoạt động thu gom, xử lý chất thải sinh hoạt; trong đó bao gồm các sản phẩm, bao bì khó tái chế, khó thu gom, xử lý.
Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết mức đóng góp trên được đề xuất thấp hơn nhiều lần so với các nước đã áp dụng cơ chế này. Mục đích của quy định này nhằm bù đắp các tác động môi trường do một số dòng chất thải chứa chất độc hại, khó có khả năng tái chế hoặc khó khăn cho thu gom, xử lý gây ra và dẫn đến chi phí thu gom, xử lý thường cao hơn so với các chất thải khác.
“Quy định này cũng nhằm khuyến khích thay đổi thói quen sản xuất, tiêu dùng các sản phẩm cùng loại nhưng thân thiện hơn với môi trường,” đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường nhấn mạnh.
Chia sẻ trách nhiệm làm lợi cho môi trường
Bàn về quy định thu tiền hỗ trợ xử lý chất thải, phó giáo sư tiến sĩ Lê Thu Hoa, giảng viên Khoa Môi trường, Biến đổi khí hậu và Đô thị (Đại học Kinh tế quốc dân) cho rằng đề xuất trên được đưa ra vào thời điểm này là hợp lý. Bởi lẽ, lượng chất thải khó thu gom, xử lý thải ra môi trường ngày càng lớn, nhiều nơi quá tải, trong khi chi phí thu gom, xử lý chất thải trên thực tế rất tốn kém.
Dẫn ví dụ tại London (Vương quốc Anh), bà Hoa cho biết chi phí trung bình bỏ ra để xử lý một bã kẹo cao su hàng năm khoảng 3 bảng Anh. Hiện nay, các nhà sản xuất, nhập khẩu kẹo cao su đang phải bỏ ra 10 triệu bảng Anh để thu gom, làm sạch bã kẹo cao su theo yêu cầu của Chính phủ Anh.
“Giá bán 1 chiếc kẹo cao su chỉ có mấy xu Anh thôi, nhưng với số tiền bảo ra nêu trên, rõ ràng chi phí thu gom, làm sạch, xử lý bã kẹo cao su cao hơn rất nhiều so với giá bán kẹo cao su trên thị trường,” phó giáo sư tiến sĩ Lê Thu Hoa chia sẻ.
Bà Hoa cũng nhấn mạnh rằng khi đề xuất thu tiền hỗ trợ xử lý chất thải cơ quan soạn thảo không kỳ vọng thu được nhiều tiền mà mục đích chính là nhằm điều chỉnh hành vi của người sản xuất và tiêu dùng theo hướng có lợi cho môi trường. Kinh nghiệm nhiều nước đã ban hành chính sách tương tự thì sau một thời gian khoản tiền thu hỗ trợ xử lý chất thải thậm chí sẽ giảm đi.
“Quy định bắt buộc đóng góp tiền hỗ trợ xử lý chất thải có thể sẽ làm giá hàng hóa tăng lên. Giá tăng thì cầu giảm. Hành vi tiêu dùng cũng sẽ thay đổi dần theo hướng giảm tiêu thụ sản phẩm không thân thiện với môi trường. Nhà sản xuất muốn duy trì thị phần sẽ phải cải tiến sản phẩm. Chẳng hạn sản phẩm kẹo cao su hiện nay cốt kẹo là nhựa tổng hợp nhưng hiện có nhiều sản phẩm thân thiện môi trường có thể thay thế được, có điều chi phí sản xuất có thể sẽ cao hơn,” bà Hoa phân tích thêm.
Góp thêm ý kiến, ông Phan Tuấn Hùng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết chính sách này nhằm đạt được hai mục đích có lợi cho môi trường. Mục đích thứ nhất là khuyến khích sản xuất, tiêu dùng các sản phẩm thân thiện với môi trường. Mục đích thứ hai là hỗ trợ một phần tài chính cho các địa phương, cộng đồng tăng cường thực hiện các hoạt động thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt vốn là vấn đề búc xúc và khó khăn hiện nay.
Ông Hùng cũng khẳng định khoản tiền nhà sản xuất, nhập khẩu đóng vào Quỹ bảo vệ môi trường Việt Nam không phải là phí bảo vệ môi trường. Đây chỉ là khoản tiền để hỗ trợ trực tiếp cho hoạt động thu gom, xử lý chính sản phẩm, bao bì của nhà sản xuất, nhập khẩu sau khi sản phẩm của họ trở thành chất thải.
Nếu doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm không thân thiện với môi trường thì họ phải có trách nhiệm chia sẻ, hỗ trợ một phần chi phí xử lý chất thải ngày càng tăng đối với nhà nước, người dân bởi chi phí thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt chủ yếu đang được ngân sách nhà nước chi trả, tức là từ tiền thuế của người dân.
“Ở đây cần phải có sự chia sẻ trách nhiệm trong vấn đề xử lý rác thải sinh hoạt giữa các chủ thể là nhà nước, người dân và nhà sản xuất. Nguyên tắc là chỉ sử dụng cho thu gom, xử lý sản phẩm đó khi trở thành chất thải, tuyệt đối không sử dụng vào mục đích khác,” ông Hùng cho biết thêm./.
Theo Vietnamplus
Ý kiến ()