Thu thuế nội địa: Gian nan chặng cuối
LSO- Theo báo cáo của Cục Thuế tỉnh, hết 6 tháng đầu năm 2015, tổng số thu nội địa của toàn ngành được 471 tỷ đồng, mới đạt 53% dự toán pháp lệnh, bằng 112% so với cùng kỳ, chưa đạt mục tiêu theo lộ trình ngành đề ra. Để hoàn thành dự toán thu 6 tháng cuối năm, ngành thuế tỉnh sẽ phải thu 437 tỷ đồng nữa. Thế nhưng, để thu được con số này không phải chuyện giản đơn, vì các khoản lớn đã thu vào nửa chặng đường đầu năm.
Kỹ sư Nhà máy Nhiệt điện Na Dương kiểm tra hệ thống vận hành
Nhiều khoản thu đạt thấp
Theo đánh giá của Cục Thuế tỉnh, mục tiêu của ngành trong 6 tháng đầu năm về tổng số thu nội địa phải đạt 60 – 65% dự toán giao, vì phần lớn các khoản thu chủ yếu đều tiến hành thu vào những tháng đầu năm. Nhưng do các khoản thu chính như: thu khu vực doanh nghiệp Nhà nước trung ương (đạt có 46,5%), thu khu vực doanh nghiệp Nhà nước địa phương (20%), thu khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (11,4%), thu khu vực ngoài quốc doanh (đạt 50,7%)… không đạt nên mức thu đạt được chưa cao như mục tiêu của ngành phấn đấu (dự ước của Cục Thuế là thu khoảng 700 tỷ đồng).
Đáng chú ý, khu vực doanh nghiệp Nhà nước trung ương giảm khoảng 20% so với cùng kỳ. Nguyên nhân là các công ty sản xuất lớn như Công ty Than Na Dương, Nhiệt điện Na Dương, sản lượng sản xuất giảm. Trong 5 tháng đầu năm, Công ty Nhiệt điện Na Dương mới chỉ nộp được 9,7 tỷ đồng, bằng 71% so với cùng kỳ. Đối với khoản thu từ doanh nghiệp nhà nước địa phương, 6 tháng đầu năm giảm 21,5 tỷ đồng so với cùng kỳ. Nguyên nhân chủ yếu do số doanh nghiệp cổ phần hóa được hạch toán làm tăng số thu ở khu vực ngoài quốc doanh nhưng lại làm giảm thu ở khu vực doanh nghiệp nhà nước địa phương. Thu từ doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cũng giảm vì trong mấy năm qua, lượng doanh nghiệp đầu tư nước ngoài trên địa bàn tỉnh giảm dần. Số doanh nghiệp hiện đang hoạt động thì nhiều doanh nghiệp nợ thế, số doanh nghiệp đóng thuế nhưng không nhiều, 5 tháng đầu năm cũng chỉ nộp được 19 triệu đồng, bằng 1% so với cùng kỳ. Trong số thu chính chỉ có một khoản thu chủ yếu là thuế thu nhập cá nhân đạt cao và tăng so với cùng kỳ. Thuế thu nhập từ hộ khoán tăng 5 tỷ đồng so với lập bộ khoán năm 2014, thu từ hộ kinh doanh tăng 77% so với cùng kỳ.
Ông Bùi Minh Bằng, Phó Trưởng phòng Nghiệp vụ – Tổng hợp – Dự toán, Cục Thuế tỉnh cho biết: những tháng qua, một số ngành sản xuất trên địa bàn do khó khăn về thị trường tiêu thụ nên hoạt động sản xuất giảm, điều này đã ảnh hưởng đến số thu nội địa vì số thu phát sinh không lớn. Còn một số ngành sản xuất chủ lực như than, điện, do sản lượng giảm sút và tiêu thụ chậm nên số thuế phải nộp không tăng.
Người dân xã Mai Pha, thành phố Lạng Sơn nộp thuế nhà đất năm 2015. Ảnh: THẾ BẢO
Tìm giải pháp gỡ khó khăn
Năm 2015, dự toán Bộ Tài chính giao cho Cục Thuế tỉnh là 885 tỷ đồng, tỉnh giao là 1.185 tỷ đồng. Như vậy, từ nay đến cuối năm, toàn ngành thuế sẽ phải thu được ít nhất 438 tỷ đồng nữa mới hoàn thành dự toán Bộ Tài chính giao, còn nếu hoàn thành dự toán tỉnh giao thì ngành còn phải thu thêm 714 tỷ đồng. Nếu theo lộ trình kế hoạch thu đó thì việc thu ngân sách từ nay đến cuối năm sẽ gặp một số khó khăn nhất định.
Nhìn từ thực tiễn thu của ngành thuế, tốc độ thu 4 tháng đầu năm đạt cao, nhưng bắt đầu vào tháng 5- 6, số thu đã giảm. Ví dụ như khoản thu lệ phí trước bạ, bình quân 4 tháng đầu năm thu được 11,5 tỷ đồng, nhưng tháng 5 chỉ thu được 8 tỷ đồng, tháng 6 thu mới được 3,2 tỷ đồng.
Theo ông Bùi Minh Bằng, do đầu tư từ ngân sách Nhà nước gặp khó khăn, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài chậm tiến hành đầu tư, một số dự án chưa đáp ứng được tiến độ, các nhà đầu tư trong tỉnh cũng chưa dám mạo hiểm mở rộng quy mô sản xuất, thị trường tiêu thụ, do đó nguồn thu từ thuế, phí, lệ phí liên quan bị ảnh hưởng. Vì vậy, nhiệm vụ đề ra vẫn còn hết sức nặng nề. Hiện tại, tổng số tiền nợ thuế đến hết 31/5/2015 là trên 104 tỷ đồng, trong đó, số tiền thuế nợ đến 90 ngày và trên 90 ngày là hơn 98 tỷ đồng, số còn lại là nợ khó đòi. Theo Luật Thuế, doanh nghiệp nợ thuế có lý do vì Nhà nước chưa quyết toán với doanh nghiệp thì doanh nghiệp được phép nợ thuế đến khi nào Nhà nước thanh toán cho doanh nghiệp thì doanh nghiệp mới phải nộp thuế. Thực trạng này đang diễn ra nhiều nhất là với các doanh nghiệp xây dựng cơ sở hạ tầng.
Để tháo gỡ khó khăn, ngành thuế đặt ra giải pháp tăng thu đầu tiên là đẩy mạnh thu hồi nợ thuế, chỉ tiêu đến cuối năm phải thu hồi được ít nhất 40 – 50 tỷ đồng. Cùng với đó, cần tăng cường công tác phối hợp giữa các phòng chức năng với các chi cục thuế để giải quyết kịp thời các vấn đề phát sinh, quản lý chặt nguồn thu; tăng cường thanh, kiểm tra doanh nghiệp; đánh giá toàn diện doanh nghiệp qua báo cáo tài chính, phân tích rủi ro để tìm hướng cùng tháo gỡ khó khăn với doanh nghiệp. Đồng thời kiểm tra rõ số thuế mà doanh nghiệp phải nộp nhằm tránh hụt thu; theo dõi, quản lý khai thác tốt nguồn thu xây dựng cơ bản, thu nợ tiền sử dụng đất; tiếp tục rà soát, phân tích, đánh giá các nguồn thu, sắc thuế lớn; tiếp tục rà soát hộ kinh doanh cá thể phải nộp thuế…
Bài, ảnh: TRÍ DŨNG
Ý kiến ()