Thư thiếu nhi Lạng Sơn gửi Bác Hồ
LSO-Giai đoạn từ năm 1990 – 1995, tôi được tham gia làm tập sách “Bác Hồ với nhân dân các dân tộc Lạng Sơn” do Tỉnh ủy Lạng Sơn chỉ đạo thực hiện. Trong thời gian làm tập sách, anh em trong Ban biên tập chúng tôi có dịp về Hà Nội, đến các cơ quan, đơn vị và các nhân chứng để thu thập những tư liệu, hiện vật có liên quan. Trong dịp này, chúng tôi được Ban quản lý Bảo tàng Hồ Chí Minh cung cấp khá nhiều tư liệu, sự kiện và hiện vật về Bác Hồ với cán bộ nhân dân các dân tộc Lạng Sơn và nhân dân Lạng Sơn với Bác Hồ, trong đó có những bức thư của các cháu thiếu nhi Lạng Sơn gửi Bác Hồ, hiện lưu giữ tại phòng Tư liệu, hiện vật của Bảo tàng Hồ Chí Minh.
Thư thiếu nhi Lạng Sơn gửi Bác Hồ (năm 1963) được trưng bày
tại Bảo tàng Hồ Chí Minh
Đó là 6 bức thư viết tay của các cháu thiếu niên, nhi đồng Lạng Sơn gửi Bác Hồ nhân kỷ niệm lần thứ 73 năm ngày sinh của Bác (19/5/1963) và kỷ niệm ngày thành lập Đội Thiếu niên tiền phong Việt Nam (15/5/1963), gồm thư của các em: Vi Thị Long, đội trưởng, thay mặt 40 đội viên và thiếu nhi xóm Bản Ranh, xã Xuất Lễ, huyện Cao Lộc; Trần Văn Va, học sinh lớp 5, Bùi Thị Tuyết, lớp 6A và Nguyễn Mạnh Hiền, lớp 6B trường Đồng Mỏ, huyện Ôn Châu (Chi Lăng); Lư Kim Ngọc, học sinh lớp 6 và em Nguyễn Văn Hiền, đội viên thiếu niên tiền phong Lý Tự Trọng của Trường cấp II Ôn Châu (Chi Lăng). Cả 6 bức thư đều nói lên lòng biết ơn và kính yêu vô hạn của thiếu nhi các dân tộc Lạng Sơn đối với Bác, báo cáo thành tích học tập, phong trào làm ngàn việc tốt lập công dâng lên Bác và mong được Bác Hồ về thăm quê hương của các em.
Thư của em Vi Thị Long, Đội trưởng, thay mặt 40 đội viên và thiếu nhi Bản Ranh, xã Xuất lễ, huyện Cao Lộc viết: “Thưa Bác kính mến! Hôm nay chúng cháu gồm 40 đội viên và thiếu nhi dân tộc Tày, chúng cháu đều là học sinh cấp I ở một vùng biên cương xa xôi, hẻo lánh, giáp với nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa và cùng cô giáo miền xuôi quây quần bên nhau để mừng thọ Bác 73 tuổi. Chúng cháu mong Bác sống mãi muôn đời với núi sông!
Thưa Bác kính mến! Từ trước tới nay, chúng cháu chưa biết làm được việc gì để giúp ích cho xã hội. Nay nhờ có Bác lãnh đạo, dẫn đường cho toàn dân tộc đi lên, chúng cháu mới được những cô giáo, thầy giáo về bản tận tâm dạy bảo, chúng cháu đã biết đoàn kết với nhau, đi nhặt hồi lấy tiền may cờ Đội và ủng hộ các bạn nhỏ An-giê-ri được 4 đồng 8 hào. Đã nhiều bạn chúng cháu nhặt được của rơi như bút máy, bút chì, thước kẻ 4 hào… đem trả lại cho người mất. Chúng cháu trồng thêm ngô, đỗ tương được tất cả 1 sào, học được 6 bài hát, 1 điệu múa để liên hoan mừng thọ Bác, mà từ trước đến nay chưa có bao giờ. Ngoài ra, chúng cháu còn tranh thủ thời gian khi đi học về giúp đỡ gia đình trông em bé, chăn trâu, chăm sóc lợn, gà, vịt…, nuôi riêng được 8 con gà. Đầu năm học, chúng cháu mới có 6 đội viên, đến nay, chúng cháu đã có 35 đội viên. Đầu năm, chúng cháu học rất kém, nay, chúng cháu đáp số ai cũng làm được hết những bài toán ở trong ôn tập (…). Cuối cùng chúng cháu xin kính chúc Bác mạnh khỏe, sống lâu muôn tuổi. Chúng cháu rất mong ước Bác về thăm quê chúng cháu, mảnh đất lịch sử của khu du kích Ba Sơn!”
Thư của em Lư Kim Ngọc viết: “Bác ơi! Cháu là một nữ sinh người Tày đấy Bác ạ. Năm nay, cháu học lớp 6 ở trường cấp II Ôn Châu (…). Chúng cháu chỉ mong Bác đến quê chúng cháu chơi. Quê chúng cháu xung quanh là những dãy núi bao bọc và dòng sông Thương mát mẻ. À, Bác ạ! Cháu còn quên chưa nói với Bác, đội chúng cháu đã thực hiện khẩu hiệu: “Mỹ Diệm phá 1 cây ở miền Nam, chúng ta trồng 10 cây ở miền Bắc”, chúng cháu đã trồng được 200 cây xung quanh trường”. Thư của em Nguyễn Văn Hiền, đội viên thiếu niên tiền phong Lý Tự Trọng, trường cấp II Ôn Châu có đoạn: “Tình hình học tập của cháu lúc chưa thực hiện “Nghìn việc tốt” cháu học rất kém, nhưng sau khi thực hiện, cháu học tập rất tiến bộ, có hướng tiến lên và hiện nay, cháu đã tương đối khá vì cháu đã học tập Bác tinh thần nhẫn nại, tìm tòi, học hỏi. Gần đây, trường cháu lại tổ chức nhiều đợt thi đua nữa, cháu xin hứa với Bác, cháu sẽ cố gắng để lấy nhiều ưu điểm hơn nữa, thực hiện “Nghìn việc tốt” hơn nữa”.
Chúng tôi được các đồng chí trong Ban quản lý Bảo tàng Hồ Chí Minh cho biết: Khi nhận được những bức thư của các cháu thiếu nhi như thế này, Bác Hồ rất vui. Bác đọc rất kỹ từng bức thư và nâng niu, giữ gìn. Bác bận nhiều việc, không có điều kiện viết thư trả lời từng cháu, nhưng vào dịp Tết Trung thu hoặc ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6, bao giờ Bác cũng dành thời gian viết thư chung cho các cháu thiếu niên nhi đồng cả nước, mong các cháu ngoan ngoãn, chăm học, chăm làm, đoàn kết, tiến bộ. Sau khi Bác mất, 6 bức thư của thiếu nhi Lạng Sơn cùng với nhiều thư của thiếu nhi trong nước và thế giới gửi tới Bác đã được Bảo tàng Hồ Chí Minh tiếp nhận, khai thác và bảo quản, giữ gìn như những báu vật.
QUANG HUYNH
![](https://mediabls.mediatech.vn/assets/images/load3.gif)
Ý kiến ()