Thu phí nhạc số - một động thái tích cực
Bắt đầu từ ngày 1-11, 18 trang mạng kinh doanh nhạc số trực tuyến của nước ta theo cam kết với Hiệp hội Ghi âm Việt Nam và MV Corp đã chính thức áp dụng thu phí tải nhạc dành cho người sử dụng với mức 1.000 đồng/lượt. Đây được coi là tín hiệu vui nhằm hạn chế một cách hiệu quả tình trạng vi phạm bản quyền âm nhạc Việt Nam vốn rối ren trong nhiều năm qua, mặc dù cách thức triển khai vẫn còn nhiều điều đáng bàn.Trong bối cảnh việc dùng "nhạc chùa" từ lâu đã trở thành thói quen của người Việt Nam, việc thu phí tải nhạc số không chỉ nhằm bảo đảm quyền lợi hợp pháp cho các nhạc sĩ, ca sĩ, mà còn có ý nghĩa thay đổi nhận thức người nghe nhạc, buộc họ phải nghe một cách có ý thức và có trách nhiệm khi hưởng thụ thành quả lao động sáng tạo của người khác. Bên cạnh đó, yêu cầu cần phải cân nhắc và động não trước khi quyết định nhấn chuột tải nhạc cũng là động thái tích cực khiến người tiêu dùng phải có sự đánh...
Trong bối cảnh việc dùng “nhạc chùa” từ lâu đã trở thành thói quen của người Việt Nam, việc thu phí tải nhạc số không chỉ nhằm bảo đảm quyền lợi hợp pháp cho các nhạc sĩ, ca sĩ, mà còn có ý nghĩa thay đổi nhận thức người nghe nhạc, buộc họ phải nghe một cách có ý thức và có trách nhiệm khi hưởng thụ thành quả lao động sáng tạo của người khác. Bên cạnh đó, yêu cầu cần phải cân nhắc và động não trước khi quyết định nhấn chuột tải nhạc cũng là động thái tích cực khiến người tiêu dùng phải có sự đánh giá, chọn lựa kỹ càng đối với bản nhạc mình trả tiền mua; từ đó góp phần đào thải những “thảm họa” âm nhạc đang tồn tại ngang nhiên trong nền nhạc Việt, tạo động lực thúc đẩy khả năng cống hiến, lao động nghệ thuật của các nhạc sĩ, ca sĩ. Sự phát triển vững chắc của xã hội dựa trên nền tảng tri thức chỉ có thể được bảo đảm khi quyền sở hữu trí tuệ được xem xét và thực thi một cách nghiêm túc. Do vậy, trên thế giới, việc áp dụng Luật Sở hữu trí tuệ trong âm nhạc nói riêng và các lĩnh vực của đời sống xã hội nói chung là điều đương nhiên cần thực hiện. Tháng 10 vừa qua, hai Tập đoàn lớn là Samsung và Cocacola dù chịu thiệt hại lớn vẫn đơn phương chấm dứt hợp đồng quảng cáo với trang nghe nhạc trực tuyến Zing vì những vi phạm của trang này trong vấn đề bản quyền, đủ thấy đối với các công ty nước ngoài, sở hữu trí tuệ không phải vấn đề đơn giản. Vì thế, việc quy định thu phí tải nhạc ở Việt Nam chính là bước đệm thể hiện sự gia nhập quỹ đạo chuyên nghiệp cùng nền âm nhạc thế giới.
Tuy nhiên, để tính xa hơn cho lộ trình thực hiện bản quyền âm nhạc trực tuyến tại Việt Nam, việc thu phí từ các website nghe nhạc còn cần bàn đến nhiều yếu tố. Theo thống kê của Hiệp hội Ghi âm Việt Nam, hiện nước ta có khoảng 150 website hoạt động ổn định cho phép tải nhạc trực tuyến. Điều này nghĩa là mới chỉ có 18/150 website, tức 12% số website âm nhạc thực hiện thu phí tải nhạc, trong khi có tới 25 triệu người thường xuyên nghe nhạc trên web, 6 triệu người thường xuyên nghe nhạc trên điện thoại di động. Mặc dù 18 website đã ký kết thu phí chiếm tới hơn 80% thị phần âm nhạc Việt Nam, song thực trạng trên vẫn dễ dẫn đến nguy cơ nhiều người nghe nhạc chuyển sang tải nhạc ở hơn 130 trang còn lại chưa thu phí. Hơn nữa, việc mới chỉ dừng lại ở phí tải nhạc mà chưa áp dụng phí nghe nhạc cũng là vấn đề đáng bàn. MV Corp, đơn vị trung gian thực hiện cung cấp kho nhạc từ Hiệp hội Ghi âm Việt Nam tới các website âm nhạc trực tuyến cho biết, việc áp dụng thu phí tải nhạc trước khi áp dụng thu phí nghe nhạc là một hình thức tránh gây sốc đột ngột cho người sử dụng, là cách thức để dần dần làm thay đổi nhận thức của người nghe nhạc. Tuy nhiên, nguồn thu từ việc tải nhạc chắc chắn sẽ bị hạn chế khi người tiêu dùng vẫn có thể nghe nhạc trực tuyến miễn phí. Quy định chỉ thu phí tải nhạc đương nhiên sẽ đẩy lượng người nghe trực tuyến lên cao. Đây cũng là điều mà các trang kinh doanh nhạc mạng lâu nay luôn trông chờ, bởi nguồn thu chủ yếu của các trang này là quảng cáo, mà tiêu chí hút quảng cáo lại được quyết định bởi số người nghe trực tuyến hơn là số lượt tải nhạc. Điều này khiến không ít người dấy lên băn khoăn, rằng việc mới chỉ dừng lại ở thu phí tải nhạc chẳng qua là “chiêu” để các trang mạng cung cấp nhạc trực tuyến thu được nhiều tiền quảng cáo hơn mà vẫn bảo đảm vấn đề sở hữu trí tuệ, trong khi quyền lợi của các nhạc sĩ, ca sĩ chỉ được đáp ứng một nửa chứ không triệt để…
Tất nhiên, để giải quyết các vấn đề trên không phải câu chuyện một sớm một chiều, bởi thay đổi thông lệ nghe nhạc trực tuyến miễn phí là sự thay đổi cả một thói quen đã tồn tại từ lâu, mà những gì đi ngược lại thói quen bao giờ cũng cần một khoảng thời gian tương đối dài. Trong quá trình thay đổi ấy, việc xuất hiện những phản ứng, những vướng mắc hay bất cập là hoàn toàn dễ hiểu. Điều quan trọng là chúng ta cần có quyết tâm bền bỉ, nỗ lực sắt đá dựa trên một kế hoạch dài hơi với những chế tài cụ thể, với những bài học kinh nghiệm được rút ra từ những quốc gia đi trước. Trách nhiệm không chỉ thuộc về những nhà cung cấp nhạc trực tuyến, những nhạc sĩ, ca sĩ mà là của tất cả các ban, ngành chức năng liên quan, của tất cả những người đã và đang hưởng thụ nền âm nhạc nước nhà.
Theo Nhandan
Ý kiến ()