Thu phí lòng lề đường: Tăng nguồn lực đầu tư đô thị
LSO-Là một tỉnh biên giới có nhiều tuyến quốc lộ nên Lạng Sơn thu hút một lượng lớn các phương tiện vận tải tham gia giao thông.
LSO-Là một tỉnh biên giới có nhiều tuyến quốc lộ nên Lạng Sơn thu hút một lượng lớn các phương tiện vận tải tham gia giao thông. Ngoài ra, tại các nơi xe đỗ, lòng lề đường, nhiều loại hình dịch vụ ra đời, theo đó hạ tầng các khu vực này nhanh chóng bị xuống cấp. Để có thêm nguồn lực sửa chữa, đầu tư đô thị, UBND tỉnh đã quyết định thu phí lòng lề đường, điều này đã được nhiều người dân đồng tình ủng hộ.
Xe đỗ trên lòng lề đường Hùng Vương |
Theo thống kê, hiện toàn tỉnh Lạng Sơn có trên 10 ngàn phương tiện cơ giới đường bộ. Hằng ngày có trên 2 ngàn lượt phương tiện (trừ phương tiện chở hàng xuất nhập khẩu) lưu thông từ các tỉnh bạn, sử dụng lòng lề đường trên địa bàn tỉnh làm nơi đỗ xe. Vào thời điểm phương tiện lưu thông đông, các lòng lề đường trở nên chật chội. Nhiều bãi đất trống được các gia đình, tổ chức tận dụng làm nơi đỗ xe. Thế nhưng những điểm đỗ xe này rất khó quản lý, xảy ra nhiều hiện tượng tiêu cực; một là không thu phí, thứ hai là thu phí ở mức cao, không theo bất kỳ một quy định nào. Đi cùng với đỗ xe, nhiều dịch vụ tự phát khác của các hộ gia đình cũng ra đời để thu nhưng không theo quy định. Chính sự tuỳ tiện, thiếu tổ chức đó khiến nhà nước thì thất thu, không có nguồn lực hỗ trợ tái đầu tư và các công trình công cộng, lòng lề đường ngày càng xuống cấp rất nhanh.
Với mục tiêu thu phí lòng lề đường, bến bãi, vỉa hè để tái đầu tư đô thị, UBND tỉnh đã có Quyết định số 22/2013/QĐ-UBND ngày 16/9/2013 về thu phí lòng lề đường, bến bãi trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Ông Lại Ngọc Kim, trú tại km 2 quốc lộ 4B cho biết, hằng ngày có rất nhiều xe đỗ dọc trên các tuyến đường được phép đỗ, họ chiếm diện tích, chắn các điểm kinh doanh, tải trọng xe nặng, các con đường như bị hỏng nhanh hơn. Từ phản ánh của nhân dân chúng tôi đã tới khu vực đường Tam Thanh, thành phố Lạng Sơn và chứng kiến hàng dãy xe tải đỗ dài, nhiều xe sửa chữa gây tiếng ồn, khói bụi, kéo theo rác thải vào đô thị, thế nhưng những hành vi ấy ít có ai nhắc nhở. Theo Quyết định 22 của UBND tỉnh, việc thu phí không nằm ngoài mục tiêu tái đầu tư vào đô thị. Số phí thu được sẽ có 40% nộp ngân sách nhà nước, còn 60% chi cho quá trình tổ chức thu. Như vậy ít nhất tỉnh có 40% ngân sách tăng thêm cho các công trình công cộng và 60% kinh phí thu được sẽ góp phần tăng trách nhiệm quản lý cho chính quyền cơ sở.
Theo tính toán của ngành thuế, nếu khai thác, quản lý tốt ít nhất mỗi năm sẽ tăng nguồn lực cho đầu tư đô thị hàng chục tỷ đồng. Với một tỉnh miền núi, biên giới thì số tiền đầu tư ấy không hề nhỏ. Trao đổi với chúng tôi lái xe Hoàng Văn Tiền, trú tại Khu tái định cư Mỹ Sơn, phường Vĩnh Trại cho biết: khi tỉnh có quyết định thu phí lòng lề đường, vỉa hè chúng em cũng ngại, nhưng sau khi đọc bảng giá thu, em thấy mức thu cũng hợp lý, là người lái xe chúng em sẵn sàng nộp, đây vừa là nghĩa vụ, vừa là trách nhiệm. Hơn thế nó đảm bảo tính công khai, minh bạch, không ngại bị nhiều đối tượng lợi dụng lạm thu.
Trước khi có Quyết định 22 thì từ năm 2012, tỉnh đã thu phí theo Quyết định 06, và được điều chỉnh bằng Quyết định 26 về thu phí sử dụng bến bãi, lòng lề đường xe chở hàng hoá xuất nhập khẩu ra vào biên giới. Qua hơn một năm tổng mức phí thu được đã lên tới gần 700 tỷ đồng. Từ nguồn thu, tỉnh đã đầu tư sửa chữa giao thông, xây dựng nhiều công trình công cộng, đầu tư vào cửa khẩu. Đây cũng là thành công lớn trong thu phí để tái đầu tư. Quyết định 22 thu phí lòng, lề đường trên địa bàn cũng không ngoài mục đích tạo nguồn lực tái đầu tư. Và như vậy chắc chắn đây sẽ là nguồn lực làm đổi thay đô thị trong toàn tỉnh, đặc biệt là Lạng Sơn trong lộ trình quan trọng góp phần tiến tới đạt tiêu chuẩn đô thị loại 2.
Theo Quyết định 22/2013/QĐ-UBND ngày 16/9/2013 quy định: mức thu phí xe đỗ tạm trên lòng lề đường được phép đỗ là 5.000 đồng một lượt, lần tạm dừng. Phí sử dụng lòng lề đường trên địa bàn thành phố cao nhất 12.000 đồng/1m2, thấp nhất 6.000 đồng/1m2. Địa bàn thị trấn cao nhất 6.000 đồng, thấp nhất 3.000 đồng/1m2. Các xã giáp ranh đô thị, ven đường giao thông chính cao nhất 3.000 đồng, thấp nhất 2.000 đồng/1m2 |
NGUYỄN ĐÔNG BẮC
Ý kiến ()