Thu nội địa: Vượt khó về đích
– Năm 2023, công tác thu nội địa trên địa bàn tỉnh đối diện với rất nhiều khó khăn, thách thức. Trước thực tế đó, ngành thuế đã chủ động triển khai các biện pháp để từng bước khắc phục khó khăn, nâng cao hiệu quả công tác thu.
Lãnh đạo Chi cục Thuế khu vực II kiểm tra hoạt động máy tính tiền của hộ kinh doanh trên địa bàn huyện Lộc Bình
Năm 2023, dự toán thu nội địa trên địa bàn tỉnh được Bộ Tài chính giao là 2.094 tỷ đồng, HĐND tỉnh giao là 2.200 tỷ đồng. Dự toán giao không quá cao so với số thu năm 2022 (năm 2022 tổng thu nội địa trên địa bàn tỉnh được 2.914 tỷ đồng, đạt 129,5% dự toán Bộ Tài chính giao, đạt 124% dự toán tỉnh giao). Tuy nhiên, việc triển khai dự toán thu nội địa năm 2023 gặp khó khăn, thách thức, trong đó rõ nét nhất chính là khó khăn trong việc thu tiền sử dụng đất.
Cụ thể, năm 2023, dự toán thu tiền sử dụng đất trên địa bàn tỉnh được giao là 500 tỷ đồng. Đây là một trong những khoản thu lớn nhất, chính vì vậy kết quả thu từ khoản thu này luôn tác động rất lớn đến kết quả thu nội địa nói chung. Mặc dù các cấp, ngành liên quan đã triển khai nhiều giải pháp để đẩy nhanh tiến độ đấu giá các khu đất công, song do thị trường bất động sản trầm lắng, dẫn tới nhiều khu đất đã có sẵn nhưng không tiến hành bán đấu giá được theo quy định.
Năm 2023, dự toán thu tiền sử dụng đất trên địa bàn huyện Đình Lập được tỉnh giao 4,5 tỷ đồng, huyện phấn đấu 30 tỷ đồng. Từ đầu năm 2023 đến nay, các cơ quan chức năng trên địa bàn huyện đã triển khai các biện pháp để tiếp tục tạo quỹ đất. Tuy nhiên việc đấu giá lại diễn ra khá chậm dẫn tới số thu tiền sử dụng đất cũng khó hoàn thành dự toán. Cụ thể đến đầu tháng 12/2023, thu tiền sử dụng đất trên địa bàn mới được gần 16 tỷ đồng, vượt dự toán tỉnh giao nhưng thấp hơn nhiều dự toán huyện phấn đấu.
Cùng với huyện Đình Lập, số thu tiền sử dụng đất của một số đơn vị khác cũng rất thấp ảnh hưởng đến kết quả thu tiền sử dụng đất chung trên địa bàn. Đến tháng 12/2023, thu tiền sử dụng đất trên địa bàn tỉnh mới đạt 322,75 tỷ đồng, đạt 64,6% dự toán và bằng 38,6% so với cùng kỳ.
Bên cạnh khó khăn trong thu tiền sử dụng đất, một số khoản thu, sắc thuế bị giảm so với cùng kỳ như thu từ khu vực ngoài quốc doanh, đặc biệt là một số doanh nghiệp kinh doanh, chế biến lâm sản; khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó một số loại thuế, phí giảm do chính sách miễn, giảm hỗ trợ người nộp thuế như thuế bảo vệ môi trường; thu tiền thuê đất, thuê mặt nước…
Trước những khó khăn, thách thức như vậy, ngành thuế vẫn đặt quyết tâm cao để phấn đấu thu đạt và vượt dự toán được giao. Bà Nguyễn Hằng Nga, Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh cho biết: Đối với khoản thu tiền sử dụng đất có nguy cơ không đạt dự toán và hụt sâu so với cùng kỳ, bên cạnh việc triển khai đấu giá các khu đất, cơ quan thuế đã chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người nộp thuế thực hiện các khoản thu về đất như thu nợ tiền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất… để số thu đạt cao nhất có thể.
Song song với việc tập trung khắc phục khoản thu thấp, ngành thuế tiếp tục rà soát, khai thác các nguồn thu còn dư địa để bù thu vào các khoản bị hụt. Điển hình như việc khai thác nguồn thu từ khu vực doanh nghiệp Nhà nước Trung ương. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 62 doanh nghiệp Nhà nước Trung ương trên địa bàn. Năm 2023, dự toán thu từ khu vực này được giao là 250 tỷ đồng. Khoảng 3 năm trở lại đây, thu từ khu vực này có xu hướng giảm dần. Trước thực tế đó, để nâng cao hiệu quả công tác thu từ khu vực này, ngay từ cuối năm 2022, lãnh đạo Cục Thuế tỉnh đã trực tiếp làm việc với một số doanh nghiệp Nhà nước Trung ương có số thuế nộp lớn để nắm bắt tình hình cụ thể của từng đơn vị. Từ đó, đưa ra các giải pháp giải quyết cũng như đề xuất Tổng cục Thuế, UBND tỉnh kịp thời chỉ đạo tháo gỡ. Qua đó, kết quả thu từ khu vực này đã đạt dự toán năm 2023 được giao.
Bên cạnh đó, để đảm bảo tiến độ các khoản thu, sắc thuế khác, ngành thuế tiếp tục tập trung thực hiện tốt công tác quản lý thuế theo chức năng như: Tập trung đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, hỗ trợ, đối thoại với người nộp thuế; đẩy mạnh hỗ trợ, kê khai, kế toán thuế; tăng cường quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế; thực hiện nghiêm các quy định về thanh tra, kiểm tra thuế.
Bà Nguyễn Thị Đặng Hằng, Trưởng Phòng Tuyên truyền và hỗ trợ người nộp thuế, Cục Thuế tỉnh cho biết: Năm 2023, ngành thuế tiếp tục duy trì công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách thuế mới, đối thoại với người nộp thuế định kỳ hằng quý; hỗ trợ trên 1.000 lượt người nộp thuế; đổi mới, đa dạng hình thức tuyên truyền chính sách thuế mới trên các phương tiện thông tin đại chúng, cổng thông tin điện tử của ngành cũng như mạng xã hội để thông tin đến người nộp thuế nhanh hơn và người nộp thuế có thể trao đổi thông tin, tương tác trực tiếp với cơ quan thuế thuận tiện hơn.
Cùng với đó, năm 2023, ngành thuế tiếp tục tập trung công tác quản lý và thu hồi nợ thuế; thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra đúng quy định, đúng đối tượng. Qua đó, góp phần nâng cao ý thức chấp hành nghĩa nộp ngân sách cũng như tăng thu ngân sách Nhà nước. Cụ thể năm 2023, ngành thuế đã thu được khoảng 690 tỷ đồng tiền nợ thuế (gồm cả nợ cũ năm 2022 chuyển sang và nợ mới phát sinh); tăng thu sau thanh, kiểm tra thuế trên 22 tỷ đồng…
Những giải pháp đồng bộ, phù hợp được ngành thuế cùng các cơ quan liên quan triển khai đã góp phần quan trọng vào kết quả thu nội địa chung trên địa bàn tỉnh. Năm 2023, tổng thu nội địa trên địa bàn tỉnh được 2.515 tỷ đồng, đạt hơn 120% dự toán Bộ Tài chính giao, đạt trên 114% dự toán tỉnh giao.
Vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, năm 2023, ngành thuế đã xuất sắc hoàn thành và vượt dự toán thu nội địa được giao. Qua đó, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế – xã hội chung trên địa bàn tỉnh.
Cán bộ Chi cục thuế Cao Lộc hướng dẫn người nộp thuế làm thủ tục kê khai
TÂN AN
Ý kiến ()