Thu nội địa: Khó khăn từ khu vực doanh nghiệp Nhà nước Trung ương
– Từ đầu năm 2022 đến nay, kết quả thu ngân sách từ khu vực doanh nghiệp Nhà nước Trung ương (DNNNTƯ) trên địa bàn tỉnh đạt thấp, nguy cơ khó hoàn thành dự toán năm.
Trong những năm qua, thu ngân sách từ khu vực DNNNTƯ trên địa bàn là một trong những khoản thu lớn, ổn định, chiếm tỷ trọng đáng kể trong tổng thu nội địa trên địa bàn tỉnh. Năm 2022, dự toán thu từ khu vực này là 305 tỷ đồng (dự toán thu nội địa năm 2022 trên địa bàn tỉnh được Bộ Tài chính giao 2.250 tỷ đồng).
Sửa chữa máy móc tại Công ty Than Na Dương
Dự toán giao khá cao, trong khi số doanh nghiệp tại khu vực này biến động không lớn. Cùng với đó, từ đầu năm 2022 đến nay, tình hình sản xuất kinh doanh của một số doanh nghiệp trọng điểm có số nộp ngân sách hằng năm lớn ở khu vực này gặp nhiều khó khăn, dẫn tới kết quả nộp ngân sách còn nhiều hạn chế. Công ty Than Na Dương, huyện Lộc Bình là một ví dụ.
Ông Nguyễn Văn Kiên, Kế toán trưởng công ty cho biết: Theo dự toán, năm 2022, công ty dự kiến nộp ngân sách trên 140 tỷ đồng, trong đó có 19,2 tỷ đồng tiền thuế thu nhập doanh nghiệp do Tổng công ty Công nghiệp mỏ Việt Bắc TKV-CTCP dự kiến phân bổ cho địa phương). Tuy nhiên, qua 7 tháng đầu năm 2022, công ty mới nộp được 81 tỷ đồng, trong đó có 8,6 tỷ đồng thuế thu nhập doanh nghiệp. Nguyên nhân số thu đạt thấp so với dự toán là do biến động giá nguyên, nhiên liệu đầu vào, trong khi giá bán than vẫn không thay đổi, dẫn tới lợi nhuận doanh nghiệp giảm. Dự kiến năm 2022, công ty phấn đấu nộp thuế đạt khoảng 96 – 97% dự toán.
Tương tự Công ty Than Na Dương, qua 7 tháng đầu năm 2022, số thuế nộp của một số DNNNTƯ lớn khác trên địa bàn tỉnh cũng đạt thấp. Điển hình như Công ty Nhiệt điện Na Dương mới nộp 13,3 tỷ đồng và dự kiến năm 2022, đơn vị này hụt 34,5 tỷ đồng tiền thuế thu nhập doanh nghiệp so với dự toán; Công ty Điện lực Lạng Sơn dự kiến hụt thu khoảng 20 tỷ đồng tiền thuế giá trị gia tăng…
Cùng với 3 doanh nghiệp có số nộp ngân sách lớn kể trên, qua 7 tháng đầu năm 2022, tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của một số DNNNTƯ trên địa bàn cũng gặp một số khó khăn nhất định. Theo số liệu từ cơ quan thuế, hiện trên địa bàn tỉnh có 62 DNNNTƯ. Qua 7 tháng đầu năm 2022, tổng thu từ khu vực này được 134 tỷ đồng, đạt 43,9% dự toán giao, bằng 68,6% so với cùng kỳ năm 2021.
Trước thực tế số thu từ khu vực này đạt thấp so với dự toán và giảm sâu so với cùng kỳ, cơ quan thuế đã và đang triển khai các giải pháp để từng bước khắc phục. Bà Nguyễn Hằng Nga, Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh cho biết: Ngay trong tháng 8/2022, Cục Thuế tỉnh đã mời một số doanh nghiệp trọng điểm có số nộp ngân sách lớn lên làm việc. Tại đây, cơ quan thuế đã nắm bắt một số khó khăn, vướng mắc của từng doanh nghiệp.
Qua đó, cơ quan thuế đã đưa ra những giải pháp cụ thể đối với từng doanh nghiệp để có thể nâng cao hơn nữa số nộp ngân sách trong thời gian tới như: các doanh nghiệp trong khu vực DNNNTƯ trên địa bàn cần có sự chủ động trong báo cáo, đề xuất với tổng công ty để có giải pháp nâng cao hơn nữa hiệu quả sản xuất, kinh doanh; sớm tính toán, làm rõ, phân bổ thuế thu nhập doanh nghiệp về tỉnh…
Bên cạnh đó, ngành thuế tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế nói chung, trong đó có các DNNNTƯ; tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp tập trung nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh….
Tính đến ngày 22/8/2022, thu từ khu vực DNNNTƯ trên địa bàn tỉnh cũng chỉ mới được trên 148 tỷ đồng, đạt 48,6% dự toán giao, bằng 70,2% so với cùng kỳ 2021. Hy vọng rằng, với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của các cấp, ngành, sự chủ động, nỗ lực của các doanh nghiệp, thời gian tới, thu từ khu vực DNNNTW trên địa bàn có những chuyển biến tích cực. Qua đó, không chỉ phấn đấu đạt dự toán thu năm 2022 ở mức cao nhất mà còn tạo tiền đề, động lực để nâng cao hơn nữa hiệu quả thu từ khu vực này trong những năm tiếp theo.
Ý kiến ()