Thu nhập cao từ nuôi cá lồng
Từ năm 2012 đến nay, nghề nuôi cá lồng trên sông Thái Bình, sông Đuống thuộc địa bàn tỉnh Bắc Ninh có sự phát triển khá nhanh, góp phần phát triển nuôi trồng thủy sản của đất quan họ. Đến nay, số lượng cá lồng toàn tỉnh hiện có là 739 lồng, trong đó huyện Lương Tài là cái “nôi” nuôi cá lồng lớn nhất với 370 lồng thì riêng xã Trung Kênh có tới 308 lồng nuôi cá.
Anh Phạm Văn Bôn, ở thôn Quan Kênh, xã Trung Kênh cho biết: Hiện gia đình anh có 50 lồng cá, trong đó chủ yếu là cá chép, cá diêu hồng, cá trắm cỏ, cá lăng và được nuôi thả trong môi trường nước tự nhiên và ăn thức ăn sạch. Mỗi vụ bình quân sản lượng đạt khoảng 4 tấn/lồng, với mức giá thị trường hiện nay mỗi vụ gia đình anh thu 200 tấn, đạt doanh số khoảng 14 tỷ đồng, trừ các chi phí giống, thức ăn cho cá, mỗi vụ cũng lãi ròng khoảng 1,5 tỷ đồng.
Trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch UBND xã Trung Kênh Phạm Văn Vy cho rằng: Đối với địa phương vốn được coi như “vùng trũng” của tỉnh Bắc Ninh, thu nhập như vậy thật sự là đổi đời. Vì vậy, nếu như năm 2013, xã mới có 144 lồng cá thì đến nay đã tăng lên 308 lồng cá. Nếu sử dụng hết tiềm năng mặt nước sẽ trở thành hướng phát triển kinh tế đem lại thu nhập cao cho người chăn nuôi, mở ra hướng làm giàu cho nhiều hộ dân ở địa phương. Tuy nhiên, các hộ nuôi cá lồng cũng cho biết đây là nghề thu nhập lớn, nhưng đầu tư cũng lớn, và mức độ rủi ro cao. Do đó đòi hỏi người nuôi ngoài vốn liếng, còn phải có kiến thức để áp dụng các quy trình kỹ thuật, an toàn thực phẩm, hạn chế rủi ro về thị trường, dịch bệnh trên cá… Nhất là việc phòng, chống dịch bệnh cho cá và vấn đề môi trường. Tình trạng một số đơn vị doanh nghiệp xả thải chất độc hại ra các lòng sông ở đầu nguồn, mưa lũ thất thường… làm ảnh hưởng đến người
nuôi cá.
Vì vậy để việc nuôi cá lồng trên sông phát triển bền vững, cần phải có quy hoạch chi tiết đối với từng địa phương, địa điểm, cũng như nâng cao vai trò trách nhiệm của chính quyền cơ sở, cơ quan quản lý nhà nước trong phối hợp quản lý, phát triển nuôi cá lồng trên địa bàn; hướng dẫn các hộ nuôi cá lồng về kiến thức nuôi cá theo hướng bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; chấp hành tốt quy định về giao thông đường thủy, Luật Đê điều và cấp mã cho toàn bộ số lồng nuôi cá để phục vụ công tác quản lý và truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Đối với các cơ sở nuôi cá lồng không theo quy hoạch, vi phạm quy định về điều kiện nuôi cá lồng trên sông, ảnh hưởng đến giao thông đường thủy,
Luật Đê điều cần xử lý nghiêm theo quy định.
Theo Nhandan.org.vn
Ý kiến ()