Thử nghiệm thành công lá chắn bảo vệ rạn san hô lớn nhất thế giới
Một lớp màng siêu mảnh và có khả năng phân hủy sinh học siêu tốt có thể giúp bảo vệ rạn san hô Great Barrier lớn nhất thế giới trước những tác động của môi trường.
Đây là kết luận của các nhà khoa học Australia đưa ra trong công trình nghiên cứu công bố ngày 27/3.
Các nhà khoa học thuộc Viện Sinh vật biển Australia, phối hợp cùng các chuyên gia hóa học, đã thử nghiệm thành công một “lá chắn nắng” làm bằng canxi carbonate và mỏng hơn 50.000 lần so với sợi tóc, có khả năng bảo vệ rạn san hô Great Barrier khỏi các tác động của tình trạng bị tẩy trắng.
Kết quả thử nghiệm đối với 7 loại san hô khác nhau cho thấy lớp màng bảo vệ này hạn chế mức độ bị tẩy trắng ở hầu hết các loại san hô do có thể giảm tới 30% lượng ánh nắng chiếu tới san hô mà không gây hại tới môi trường sống dưới đại dương.
Giám đốc điều hành Quỹ tài trợ Great Barrier Reef, Anna Marsden, cho biết lớp màng này được thiết kế nổi trên bề mặt nước phía trên các rạn san hô, chứ không phải đặt trực tiếp lên các rạn san hô, để tạo ra một rào chắn hiệu quả trước ánh nắng Mặt trời.
Mặc dù không thể bao phủ toàn bộ rạn san hô rộng lớn 348.000 km2, song lớp màng siêu mỏng này có thể được lắp đặt ở quy mô nhỏ hơn nhằm bảo vệ san hô ở các khu vực có giá trị cao hoặc nguy cơ cao.
Với lượng tiêu thụ lớn năng lượng từ than đá trong khi có số dân ít, Australia được coi là một trong những nước thải nhiều khí thải gây hiệu ứng nhà kính nhất trên thế giới.
Đã có nhiều tiếng nói thúc giục Chính phủ Australia hành động hơn nữa để bảo vệ môi trường, trong bối cảnh rạn san hô Great Barrier – một trong những di sản thế giới được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận, đang đối mặt với tình trạng bị tẩy trắng vì nhiệt độ nước biển gia tăng do tác động của biến đổi khí hậu. Rạn san hô thu hút hàng triệu lượt khách tham quan mỗi năm này cũng đứng trước mối đe dọa từ loài sao biển “ăn” san hô.
Rạn san hô Great Barrier là một địa điểm du lịch quan trọng đóng góp hơn 7 tỷ USD mỗi năm cho nền kinh tế Australia và cũng là sinh kế của khoảng 70.000 dân địa phương.
Hồi đầu tháng 2 vừa qua, các nhà khoa học công bố kết quả khảo sát cho thấy 2.300 km dọc rạn san hô đã phải trải qua đợt tẩy trắng trên diện rộng thứ 2 do nước biển ấm lên. Một số đoạn thậm chí còn không thể phục hồi. San hô bị tẩy trắng sẽ giòn và yếu hơn, dễ bị mắc bệnh và dần chết đi.
Theo đánh giá của tổ chức tư vấn kinh tế Deloitte Access Economics, hồi năm ngoái, rạn san hô Great Barrier có giá trị vào khoảng 43 tỷ USD, trong đó có doanh thu từ lĩnh vực du lịch./.
Theo VietnamPlus
Ý kiến ()