Thu ngân sách Nhà nước 5 tháng đầu năm đạt 57,1% dự toán
Thu ngân sách Nhà nước (NSNN) 5 tháng đạt 806.400 tỷ đồng, bằng 57,1% dự toán, tăng 18,7% so cùng kỳ năm 2022. Kết quả này góp phần quan trọng vào cân đối ngân sách chung và cân đối nền kinh tế, giúp ổn định cũng như phát triển nền kinh tế trong bối cảnh thực hiện nhiều chính sách phục hồi kinh tế như đã miễn, giảm, giãn các khoản thuế, phí để hỗ trợ sản xuất kinh doanh.
Đây là thông tin được Bộ Tài chính cho biết tại hội nghị giao ban đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ chương trình công tác tháng 5/2022, kế hoạch triển khai thực hiện nhiệm vụ chương trình công tác tháng 6/2022.
Tổng chi cân đối NSNN tháng 5 ước đạt 128.100 tỷ đồng; lũy kế chi 5 tháng đạt 589.100 tỷ đồng, bằng 33% dự toán, tăng 3,7% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong đó, chi đầu tư phát triển ước đạt 115.900 tỷ đồng, bằng 22% dự toán Quốc hội quyết định; chi trả nợ lãi ước đạt gần 43.600 tỷ đồng, bằng 42% dự toán; chi thường xuyên ước đạt gần 428.400 tỷ đồng, bằng 38,6% dự toán.
Về cân đối NSNN, cân đối ngân sách Trung ương và ngân sách các cấp địa phương được đảm bảo. Trong 5 tháng đầu năm, đã thực hiện phát hành 53.800 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ với kỳ hạn bình quân 15,37 năm, lãi suất bình quân 2,42%/năm.
Về triển khai thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội, Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 của Chính phủ… Bộ Tài chính đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 09/2022/QĐ-TTg ngày 4/4/2022 về tín dụng đối với học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn để mua máy tính, thiết bị phục vụ học tập trực tuyến, có hiệu lực thi hành từ ngày 4/4/2022; Quyết định số 448/QĐ-TTg ngày 12/4/2022 về việc phê duyệt Chương trình quản lý nợ công 3 năm giai đoạn 2022-2024 và Kế hoạch vay, trả nợ công năm 2022…
Tại hội nghị, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn cho biết, thu ngân sách 5 tháng đạt khá nhờ phát sinh những khoản thu đột biến như thu cổ tức của 2 ngân hàng, thu dầu thô, thu khác ngân sách, hoạt động chuyển nhượng vốn của một số đơn vị…
Về triển khai hóa đơn điện tử, sau khi kích hoạt, đến ngày 31/5/2022, cả nước đã đạt trên 98% doanh nghiệp và tổ chức đang sử dụng hóa đơn chuyển sang hóa đơn điện tử. Tất cả các địa phương đều triển khai hóa đơn điện tử đạt trên 90%, nhiều địa phương đạt trên 99% như Quảng Bình, Điện Biên, Phú Yên, Đắk Lắk, Lai Châu… Kết quả này cho thấy mục tiêu 100% doanh nghiệp và tổ chức sử dụng hóa đơn điện tử trước ngày 1/7/2022 của Bộ Tài chính sẽ hoàn thành.
Còn Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Hoàng Việt Cường cho biết, Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo các cục hải quan địa phương tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp. Về phòng chống buôn lậu và gian lận thương mại, ngành hải quan đã thực hiện các chuyên án, chuyên đề ngăn chặn hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng đánh giá, thu NSNN đạt khá, các lĩnh vực có số thu lớn đều tăng trưởng thu khá so với dự toán, trong khi phần lớn các địa phương đạt tiến độ dự toán thu ngân sách. Công tác chi ngân sách cũng bám sát tiến độ dự toán.
Ông Võ Thành Hưng lưu ý, trong điều hành thu chi ngân sách cần chú ý đến nguồn thu cổ phần hóa, đánh giá lại tiến độ từ nay đến cuối năm và chuẩn bị cho kế hoạch năm 2023. Thứ trưởng đề nghị các đơn vị trong triển khai nhiệm vụ về thông báo tăng thu tiết kiệm chi; chi các chương trình muc tiêu quốc gia; đôn đốc gửi báo cáo cơ chế tài chính đặc thù; triển khai các công việc liên quan đến báo cáo tài chính và báo cáo quyết toán; điều chỉnh vốn vay lại; hoàn thiện hệ thống cơ sở dự liệu tài sản công; kế toán công; chuẩn bị xây dựng dự toán 2023… Các đơn vị cũng cần chú ý đến công tác tuyên truyền, cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai đánh giá, trong 5 tháng, tình hình thực hiện nhiệm vụ thu, chi ngân sách, đặc biệt là thu ngân sách đạt kết quả khá, đồng đều toàn diện và đây cũng là năm đạt tỉ lệ theo dự toán có tăng trưởng khá cao so với cùng kỳ.
Kết quả này góp phần quan trọng vào cân đối ngân sách chung và cân đối nền kinh tế, giúp ổn định cũng như phát triển nền kinh tế trong bối cảnh thực hiện nhiều chính sách phục hồi kinh tế như đã miễn, giảm, giãn các khoản thuế, phí để hỗ trợ sản xuất kinh doanh.
“Trong tháng 6 và các tháng tới, thủ trưởng các đơn vị tập trung hoàn thành cơ chế chính sách. Đặc biệt, cơ chế chính sách nào còn chậm cần tập trung đẩy nhanh, bám sát tiến độ để hoàn thành nhiệm vụ theo kế hoạch của Chính phủ và Bộ Tài chính”, Thứ trưởng Vũ Thị Mai đề nghị.
Ý kiến ()