Thu ngân sách: Dồn lực những tháng cuối năm
– Từ đầu năm 2022 đến nay, do nhiều yếu tố bất lợi đã khiến công tác thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn, nhất là thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu. Trước thực tế đó, các cơ quan liên quan đã và đang tập trung triển khai một số giải pháp thu trong những tháng cuối năm, phấn đấu hoàn thành dự toán thu ngân sách được giao.
Số thu đạt thấp
Năm 2022, dự toán thu ngân sách trên địa bàn tỉnh được Bộ Tài chính giao là 7.750 tỷ đồng, trong đó, thu nội địa 2.250 tỷ đồng, thu từ xuất nhập khẩu 5.500 tỷ đồng; HĐND tỉnh giao 7.850 tỷ đồng.
Tuy nhiên, từ đầu năm 2022 đến nay, do ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh, Trung Quốc đưa ra nhiều biện pháp để kiểm soát chặt chẽ đối với hàng hóa và phương tiện vận chuyển hàng hóa xuất, nhập khẩu, đồng thời, thay đổi phương thức giao nhận hàng hóa làm giảm năng lực thông quan tại các cửa khẩu. Bên cạnh đó, đối với thu nội địa, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ gặp nhiều khó khăn (trên địa bàn tỉnh có 1.897/2.473 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này); thu từ khu vực doanh nghiệp Nhà nước trung ương trên địa bàn đạt thấp so với cùng kỳ do một số tập đoàn lớn thực hiện phân bổ số nộp ngân sách thấp; việc thu phí dịch vụ hạ tầng dịch vụ khu vực cửa khẩu giảm sâu…
Cán bộ Chi cục Thuế khu vực I rà soát khoản thu trên địa bàn
Những nguyên nhân trên đã khiến cho kết quả thu ngân sách trên địa bàn tỉnh đạt khá thấp. Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2022, tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh mới đạt 3.336,3 tỷ đồng, bằng 42,2% dự toán và giảm gần 40% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, thu nội địa đạt 1.207,3 tỷ đồng, bằng 51,4% dự toán tỉnh giao, giảm 16,9%; thu xuất, nhập khẩu đạt 2.106,5 tỷ đồng, bằng 38,3% dự toán, giảm 47,5% so với cùng kỳ năm 2021.
Nhìn vào con số trên có thể thấy, kết quả thu ngân sách 6 tháng đầu năm 2022 trên địa bàn gặp rất nhiều khó khăn, số thu đạt thấp so với dự toán và giảm sâu so với cùng kỳ năm 2021. Trước thực tế đó, các cấp, ngành liên quan đã và đang khẩn trương bắt tay vào triển khai các giải pháp khắc phục.
Đồng bộ giải pháp tăng thu
Để khắc phục khó khăn trong công tác thu ngân sách 6 tháng đầu năm và nâng cao hiệu quả công tác thu ngân sách những tháng cuối năm 2022, phấn đấu hoàn thành dự toán thu ngân sách được giao, Ban Chỉ đạo thu ngân sách tỉnh đã chỉ đạo cơ quan thuế, hải quan cùng như các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp để rà soát, khai thác hiệu quả nguồn thu, tăng cường công tác chống thất thu…
Bà Nguyễn Hằng Nga, Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh cho biết: Để khắc phục khó khăn, nâng cao hơn nữa hiệu quả thu ngân sách những tháng cuối năm, ngành thuế tiếp tục tăng cường các biện pháp quản lý thu, bám sát tình hình, nâng cao chất lượng công tác phân tích, dự báo để làm cơ sở xây dựng kịch bản thu từng quý cũng như cả năm 2022; tăng cường thanh tra, kiểm tra thuế, tập trung thanh tra, kiểm tra các lĩnh vực còn thất thu như: thương mại điện tử, những doanh nghiệp có rủi ro cao về thuế, kết hợp với kiểm tra sau hoàn thuế; quyết liệt thu hồi nợ thuế (từ đầu năm đến nay, số nợ thuế thu được gần 300 tỷ đồng và hiện số nợ thuế còn 220 tỷ đồng); phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan trong việc rà soát quỹ đất, quản lý các khoản thu về đất để xác định đúng và thu đủ…
Hải quan Cửa khẩu Tân Thanh kiểm tra hàng hoa quả tươi xuất khẩu
Cùng với ngành thuế, Cục Hải quan tỉnh đã và đang tập trung triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để khắc phục khó khăn, tăng thu ngân sách. Ông Nguyễn Hữu Vượng, Phó Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh cho biết: Để gỡ khó, Cục Hải quan tỉnh tiếp tục triển khai nhiều giải pháp như: tăng cường tạo thuận lợi thương mại, tháo gỡ kịp thời khó khăn cho các doanh nghiệp; đẩy mạnh phối hợp, tổ chức các hoạt động trao đổi, hội đàm với khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc để giải quyết kịp thời các vướng mắc trong thông quan hàng hóa. Cùng với đó là tập trung rà soát, nắm chắc tình hình nợ thuế; đẩy mạnh chống thất thu qua phân loại, trị giá, xuất xứ hàng hóa, miễn giảm hoàn thuế, không thu thuế; thực hiện tốt công tác giám sát, quản lý, kiểm tra sau thông quan, quản lý rủi ro, chống buôn lậu, gian lận thương mại… phấn đấu số thu mỗi tháng đạt từ 580 tỷ đồng trở lên.
Những giải pháp đã và đang được triển khai thực hiện đã góp phần quan trọng giúp số thu tháng 7/2022 có chuyển biến tích cực. Tính từ ngày 1/7/2022 đến ngày 26/7/2022, tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh đạt 921,7 tỷ đồng và là một trong những tháng thu ngân sách đạt cao nhất từ đầu năm đến nay. Lũy kế từ đầu năm đến ngày 26/7/2022, tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh được 4.258 tỷ đồng, đạt 54,9% dự toán, bằng 63,8% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, thu nội địa được 1.700 tỷ đồng, đạt 72% dự toán tỉnh giao; thu từ xuất, nhập khẩu được 2.558 tỷ đồng, đạt 46,5% dự toán.
Hy vọng rằng, với những kết quả tích cực trong tháng 7 và giải pháp cụ thể đã, đang triển khai thực hiện, công tác thu ngân sách trên địa bàn tỉnh sẽ đạt được những kết quả tích cực và hoàn thành dự toán được giao.
Tăng cường phối hợp thu ngân sách
– Để nâng cao hiệu quả công tác thu ngân sách, bên cạnh sự chủ động của cơ quan thuế, hải quan thì rất cần sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ngành liên quan, ban chỉ đạo thu ngân sách các huyện, thành phố cũng như sự nỗ lực chung sức vượt khó của cộng đồng doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Ngọc Huy, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải: “Tập trung thực hiện tốt công tác phối hợp trong quản lý vận tải, góp phần tăng thu ngân sách”
Từ đầu năm 2022 đến nay, Sở Giao thông – Vận tải tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cơ quan liên quan, UBND các huyện, thành phố trong công tác quản lý vận tải, thực hiện đề án chống thất thu thuế đối với hoạt động kinh doanh vận tải và xe máy chuyên dùng trên địa bàn tỉnh; tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn các đơn vị kinh doanh vận tải thực hiện cấp giấy phép, phù hiệu theo quy định; tổng hợp và gửi danh sách đơn vị kinh doanh vận tải và các phương tiện vận tải đến các cơ quan liên quan. Qua 7 tháng đầu năm, thu từ hoạt động kinh doanh vận tải trên địa bàn tỉnh được khoảng 10 tỷ đồng, tăng 56,5% so với cùng kỳ năm 2021. Từ nay đến cuối năm 2022, đơn vị tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cơ quan thuế cùng các cơ quan liên quan tăng cường công tác tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức chấp hành nghĩa vụ nộp ngân sách của các đơn vị kinh doanh vận tải; tiến hành rà soát, truy thu thuế đối với các trường hợp kinh doanh vận tải chưa kê khai; cung cấp thông tin, số liệu liên quan đến kinh doanh vận tải đến cơ quan thuế..
Ông Phùng Văn Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND huyện Chi Lăng, Trưởng Ban Chỉ đạo thu ngân sách huyện: “Chỉ đạo các phòng, ban liên quan, UBND các xã, thị trấn phối hợp chặt chẽ với cơ quan thuế trong công tác quản lý thu, chống thất thu ngân sách”
Những tháng đầu năm 2022, tình hình thu ngân sách nói chung trên địa bàn huyện gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh. Nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh vẫn chưa thể hồi phục sản xuất, kinh doanh, nhất là thời điểm những tháng đầu năm. Trước thực tế đó, Ban Chỉ đạo thu ngân sách huyện đã chỉ đạo các phòng, ban liên quan, UBND các xã, thị trấn phối hợp chặt chẽ với cơ quan thuế trong việc rà soát, khai thác hiệu quả các nguồn thu, chống thất thu cũng như nuôi dưỡng các nguồn thu. Từ đó, một số nguồn thu tăng đột biến như thu từ đất đã góp phần bù thu cho một số khoản thu, sắc thuế bị hụt. Qua gần 7 tháng đầu năm 2022, tổng thu ngân sách trên địa bàn huyện được 42,5 tỷ đồng, đạt 101,2% dự toán tỉnh giao và tăng 34,6% so với cùng kỳ năm 2021. Những tháng cuối năm 2022, Ban Chỉ đạo thu ngân sách huyện tiếp tục tập trung triển khai các giải pháp đồng bộ, quyết liệt để tăng thu đều ở các khoản thu, sắc thuế khác.
Ông Bùi Đình Khoa, Giám đốc Viettel Lạng Sơn: “Tập trung nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh để tăng số nộp ngân sách”
Trong những năm qua, Viettel Lạng Sơn luôn chủ động trong việc thực hiện nghĩa vụ nộp ngân sách. Cụ thể năm 2021, đơn vị nộp ngân sách 28,7 tỷ đồng và 7 tháng đầu năm 2022, đơn vị đã nộp ngân sách được 15 tỷ đồng. Để tiếp tục nâng cao hơn nữa hiệu quả sản xuất kinh doanh, từ đó tăng thêm số nộp ngân sách, hiện nay, Viettel Lạng Sơn đang tập trung phát triển mới 84 trạm viễn thông công ích và 84 trạm kinh doanh; tập trung rà soát và có chương trình nâng cấp các trạm cũ để phục vụ kinh doanh tốt hơn; phối hợp tổ chức các chương trình tại các huyện, thành phố để thúc đẩy kinh doanh tốt hơn…Từ đó tạo điều kiện để đơn vị có thể nộp ngân sách nhiều hơn để góp phần vào kết quả thu ngân sách chung trên địa bàn tỉnh.
Ý kiến ()